Tại Pháp, đã có 37 tỉnh được đặt ở mức báo động sóng nhiệt từ màu vàng trở lên. Ngày 17/7, đỉnh nhiệt tại một số nơi ở miền Tây Nam lên tới 41 - 45°C. Ở tỉnh Gironde, hơn 14.000 ha rừng đã bị thiêu rụi trong 2 trận hỏa hoạn kể từ ngày 12/7. Địa phương này đang được đặt trong tình trạng báo động đỏ với sóng nhiệt có độ “rủi ro rất cao”. Hơn 14.000 người đã phải sơ tán khi các đám cháy rừng tiếp tục hoành hành. Gần 4.000 lính cứu hỏa tham gia dập lửa, nhưng thảm họa chưa có dấu hiệu được ngăn chặn. Đợt nóng này được cho là kết quả tích tụ của xoáy nghịch kết hợp với làn sóng nhiệt từ Sahara tới, khiến nước Pháp phải hứng chịu nhiệt độ cao bất thường trong ít nhất 10 ngày.
Tại Bồ Đào Nha, chỉ có vùng Algarve ở miền Nam nằm ngoài diện cảnh báo nhiệt cao bất thường, trong khi nhiệt độ ở phần còn lại của nước này đạt mức rất cao, có nơi trên 42°C. Theo báo cáo của Cơ quan Bảo vệ dân sự Bồ Đào Nha, kể từ khi bắt đầu đợt nắng nóng, các đám cháy đã tàn phá từ 12.000 - 15.000 ha rừng và thảm thực vật. Hỏa hoạn trong tuần trước đã khiến 2 người chết và khoảng 60 người bị thương.
Toàn bộ đất nước Tây Ban Nha cũng được đặt trong tình trạng cảnh báo nhiệt cao, có nơi lên đến 44°C. Hơn 25.000 ha rừng đã chìm ngập trong biển khói lửa kể từ ngày 10/7 ở Toledo, Avila, Barcelona, Albacete, Orense và một số tỉnh khác. Hiện vẫn còn những đám cháy hoành hành từ Bắc vào Nam, buộc chính quyền phải đóng cửa đường cao tốc nối Madrid với biên giới Bồ Đào Nha. Đợt nắng nóng này còn làm trầm trọng thêm nạn hạn hán mà bán đảo Iberia phải hứng chịu từ mùa Đông đến nay.
Tại Hy Lạp, lực lượng cứu hỏa đang tiếp tục chiến đấu với đám cháy bùng phát cuối tuần trước khiến dân cư tại 7 ngôi làng ở tỉnh miền Bắc Rethymnon phải sơ tán. Đặc biệt, Cơ quan Khí tượng quốc gia Anh đã ban hành báo động đỏ về đợt nóng cực độ chưa từng có trong lịch sử “có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng”. Nhiệt độ ở miền Nam đất nước lần đầu tiên được xác định ở mức 40°C, phá vỡ kỷ lục 38,7°C của năm 2019. Thị trưởng London đã khuyến cáo người dân chỉ nên sử dụng phương tiện giao thông công cộng và hạn chế đi lại tối đa. Một số trường học ở miền Nam đã thông báo đóng cửa trong đợt nắng nóng này. Một số công ty xe lửa ngừng hoạt động, căn cứ không quân Brize Norton và sân bay Luton cũng đình chỉ hoạt động bay sau khi đường băng bị biến dạng vì nắng nóng. Trước mức nhiệt "thiêu đốt", người dân được kêu gọi ở nhà và chính phủ kích hoạt cảnh báo "khẩn cấp quốc gia".
Việc châu Âu trải qua hai đợt nắng nóng liên tiếp trong vòng chưa đầy một tháng có thể coi là bất thường, đe dọa tới sức khỏe người dân, nông nghiệp và môi trường.
Theo các nhà khoa học, hiện tượng nắng nóng và khô hạn khác thường ở châu Âu đang được tiếp sức bởi sự nóng lên toàn cầu do tình trạng phát thải khí nhà kính liên quan đến hoạt động của con người. Những đợt nắng nóng cường độ mạnh tại lục địa này đã xuất hiện nhiều hơn kể từ năm 2000. Một phần nguyên nhân là do hiện tượng xoáy nghịch phát triển mạnh ở khu vực Azores, nơi áp suất khí quyển được xác định cao hơn đáng kể so với mức trung bình. Nghiên cứu sự thay đổi của áp suất khí quyển ở khu vực trong 1.200 năm qua, các nhà khoa học Mỹ đã phát hiện ra rằng hiện tượng xoáy nghịch có xu hướng mở rộng, đặc biệt là trong 200 năm trở lại đây, tức là từ khi bắt đầu cuộc cách mạng công nghiệp. Hiện tượng này cũng liên quan với sự gia tăng phát thải khí nhà kính trong cùng giai đoạn
Mối liên hệ giữa sự bành trướng của xoáy nghịch và tình trạng hạn hán ở châu Âu hiện nay gắn với một xu hướng chung là lượng mưa giảm mạnh ở bán đảo Iberia, đặc biệt vào mùa Đông. Xu hướng được coi có tính lịch sử này bắt đầu được thấy rõ kể từ năm 1950.
Trong khi đó, theo nhận định của Cơ quan Khí tượng Tây Ban Nha, khí hậu Bắc Phi đang di chuyển về phía Nam châu Âu, gây ra những đợt hạn hán kéo dài và khốc liệt hơn vào giữa thế kỷ này và tất nhiên kèm theo hiện tượng nhiệt độ cao hơn đáng kể. Với tình trạng biến đổi khí hậu tiếp diễn, các nước Nam Âu sẽ phải chứng kiến nhiều hiện tượng thời tiết bất thường hơn.
Giới khoa học hiện đều nhất trí rằng các hiện tượng nắng nóng ngày càng phổ biến tại châu Âu là hệ quả trực tiếp của sự nóng lên toàn cầu, với lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính ngày càng tăng về cường độ, thời gian và tần suất. Thời tiết khắc nghiệt được dự báo sẽ tiếp tục xảy ra ở mức thường xuyên và dữ dội hơn tại châu lục có khí hậu từng được coi là ôn hòa này.
Đợt nắng nóng đầu tiên trong năm nay diễn ra vào cuối tháng 6, khi còn chưa đến ngày hạ chí, với những đợt sóng nhiệt ở nhiều nơi, khiến Nam Âu phải sống trong cảnh “địa ngục” trong nhiều ngày liền. Đợt nắng nóng lần này chỉ là sự bổ sung dữ liệu cho những gì các nhà khoa học đã cảnh báo trước về một viễn cảnh đang ngày một phức tạp hơn đối với châu Âu. Người dân châu lục này cũng quen dần với các thuật ngữ về thời tiết cực đoan đang ảnh hưởng ngày một nhiều đến cuộc sống của chính họ.
Chủ tịch Nhóm công tác 1 của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), Giám đốc nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm Khoa học khí hậu Paris Saclay, Valérie Masson-Delmotte, nhận định: “Những hiện tượng mà chúng ta đang trải qua hôm nay là tiền đề cho những sự kiện sẽ trở nên thường xuyên và dữ dội hơn trong tương lai. Đây là những hậu quả trực tiếp từ hoạt động của con người, dẫn đến sự tích nhiệt trong hệ thống khí hậu”. Các đợt sóng nhiệt ở Nam Âu, rồi đợt nóng ở Mỹ và Trung Quốc sau những gì diễn ra ở Ấn Độ và Pakistan... có vẻ như đang phản ánh một 'cuộc sống thường nhật mới' của con người. Theo chuyên gia này, châu Âu cũng không hơn nhiều nơi khác trên thế giới khi đang đứng trước một viễn cảnh dễ bị tổn thương đáng kể. Ví như tại Pháp là nguy cơ sụt lở hàng loạt của băng tuyết tại các vùng núi cao; hiện tượng xâm mặn, xói mòn, lũ lụt phổ biến hơn tại các khu vực ven biển. Hàng triệu ngôi nhà phải đối mặt với vấn đề co ngót, trương nở của nền đất trên khắp lãnh thổ. Các đợt nắng nóng gia tăng, cùng với lượng mưa cực lớn, đang trở nên trầm trọng hơn mà một phần nguyên nhân là do quá trình đô thị hóa không ngừng nghỉ.
Cứ sau mỗi lần chứng kiến những thay đổi thời tiết bất thường, tham vọng khí hậu của các nước châu Âu lại được dư luận nhắc đến với mong đợi về hành động của các chính phủ. Nhận thức về chống biến đổi khí hậu đã có những chuyển biến mạnh mẽ tại châu lục, nhưng phản ứng chính trị nhìn chung còn tụt hậu khá xa.
Nhìn nhận các nỗ lực khí hậu của Pháp, chuyên gia Valérie Masson-Delmotte cho rằng: “Chúng ta đang chậm chạp chạy theo sau một khí hậu thay đổi nhanh chóng. Đã có những hành động mạnh mẽ nhưng thực sự là chưa đủ. Cuối cùng, các điều kiện vẫn chưa được hội đủ để tăng gấp đôi tốc độ giảm phát thải khí nhà kính trong những năm tới nhằm đáp ứng các mục tiêu khí hậu đã được công bố”.
Biến động địa chính trị và khủng hoảng năng lượng là những dữ kiện mới cần được tính tới trong lộ trình chống biến đổi khí hậu của châu Âu. Nỗi lo mất an ninh năng lượng, ít nhất trong mùa Đông tới, đã khiến một loạt nước Liên minh châu Âu (EU) đưa ra những quyết định đi ngược với mục tiêu khí hậu. Thay vì giảm và tiến tới loại bỏ than, nhiều nước EU tiếp tục tăng cường sử dụng than để sản xuất điện năng. Đức, Pháp, Italy, Ba Lan, Bulgaria, Anh, Hy Lạp… đều muốn kéo dài hoặc khôi phục hoạt động của các nhà máy nhiệt điện sử dụng than, trong khi các dự án năng lượng tái tạo bị trì hoãn vì các vấn đề pháp lý hoặc vốn đầu tư.
Khi than vẫn tiếp tục là nguồn năng lượng khó loại bỏ tại các nước châu Âu, mục tiêu giảm mạnh phát thải khí nhà kính để có thể ổn định sự nóng lên toàn cầu trong vòng 20 năm tới và hạn chế sự gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan, cũng trở nên khó thực hiện. Châu Âu, và cả thế giới, vẫn phải hứng chịu cảnh báo khẩn về khí hậu.