Máy bay Boeing 787 Dreamliner tại sân bay Nagoya, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN |
Tuyên bố của Ottawa được đưa ra sau khi trước đó cùng ngày, Boeing cho biết sẽ không kháng cáo phán quyết của Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (ITC) đưa ra hồi tháng 1/2018, đồng nghĩa với việc mọi cáo buộc của Boeing về việc Bombardier bán phá giá loại máy bay phản lực C-series thế hệ mới tại thị trường Mỹ được bác bỏ.
Phát biểu với báo giới sau khi Boeing đưa ra tuyên bố trên, Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland nêu rõ quyết định này của Boeing "thể hiện sự phát triển tích cực trong quan hệ lâu dài giữa Canada và Boeing". Ngoài ra, bà còn đánh giá cao quyết định của Boeing trong việc thúc đẩy ngành công nghiệp hàng không vũ trụ của Canada cũng như việc đảm bảo ổn định cho hàng nghìn lao động ở cả hai nước.
Trước đó, Boeing cáo buộc Bombardier bán phá giá loại máy bay C-series cho hãng Delta Airlines của Mỹ, động thái khiến Bộ Thương mại Mỹ quyết định đánh thuế lên tới 300% với mặt hàng này. Chính phủ Canada và Bombardier đã phản ứng mạnh trước mức thuế "khủng" trên và đã có những hành động trả đũa Boeing hồi tháng 12/2017 khi “thẳng tay” hủy hợp đồng mua 18 chiếc Boeing Super Hornets trị giá hơn 5,2 tỷ USD, đồng thời cấm hãng sản xuất máy bay này của Mỹ tham gia vụ đấu thầu hợp đồng thay thế toàn bộ đội bay chiến đấu của Canada.
Tuy nhiên, sau khi ITC ra phán quyết khẳng định Boeing không bị tổn hại trước việc Bombardier bán máy bay chở khách từ 100 - 150 chỗ ngồi cho hãng Delta Airlines và rằng Bombardier không phải chịu mức thuế chống bán phá giá ở Mỹ, Canada đã giảm bớt căng thẳng với Boeing và lại cho phép hãng này tham gia đấu thầu cung cấp 88 máy bay chiến đấu thế hệ mới cho Canada.
Hiện Boeing đang là một trong 5 nhà sản xuất máy bay (cùng với Dassault, Airbus, Saab và Lockheed Martin) được mời tham gia đấu thầu bán máy bay chiến đấu cho Canada vào mùa Xuân 2019. Canada đang cần thay thế gấp phi đội máy bay chiến đấu đã hết thời gian hoạt động.