Đây được coi là lần giải phóng dự trữ dầu lớn nhất của Mỹ trong lịch sử và cũng là lần thứ ba Mỹ xuất Kho dự trữ dầu mỏ chiến lược (SPR) trong 6 tháng qua.
Mỹ thành lập SPR vào năm 1975 sau khi lệnh cấm vận dầu mỏ Arab (1973-1974) dẫn đến giá xăng tăng vọt và gây ảnh hưởng nền kinh tế Mỹ. Các Tổng thống Mỹ từng quyết định xả kho dự trữ dầu để bình ổn thị trường trong chiến tranh hoặc bão lụt gây ảnh hưởng đến cơ sở hạ tầng dầu mỏ dọc Vịnh Mexico.
Trong giai đoạn cao điểm, SPR lưu trữ 727 triệu thùng dầu trong năm 2009 nhưng trong thập niên qua, Mỹ đã giảm dần lượng dự trữ. Lượng lưu trữ dầu của SPR từ đó giảm xuống còn trong khoảng 714 triệu thùng dầu.
Kho dự trữ dầu mỏ chiến lược của Mỹ hiện lưu trữ khoảng 586 triệu thùng dầu tại 4 địa điểm được bảo vệ an ninh nghiêm ngặt ở bờ biển Louisiana và Texas. Mỹ cũng duy trì dự trữ xăng và dầu sưởi tại phía Đông Bắc nước này.
Vì địa điểm nằm gần các trung tâm lọc dầu hoặc dầu hóa chất, SPR có thể chuyển khoảng 4,4 triệu thùng dầu mỗi ngày. Bộ Năng lượng Mỹ cho biết chỉ cần 13 ngày từ khi tổng thống ra quyết định, thùng dầu đầu tiên thuộc SPR sẽ được đưa vào thị trường nước này.
Trước đây, các tổng thống Mỹ từng 3 lần cấp phép xả dầu dự trữ từ SPR. Gần đây nhất là trong chiến tranh tại Libya năm 2011 với chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama xả 30 triệu thùng dầu. Trước đó là lần xả kho khác do chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991 và cơn bão Katrina năm 2005.
Mỹ hiện chịu trách nhiệm cho một nửa lượng dự trữ dầu chiến lược của thế giới. Mỹ cùng một số nước thành viên Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) bao gồm Đức, Nhật Bản, Australia và Anh được yêu cầu giữ kho dự trữ dầu khẩn cấp tương đương với 90 ngày nhập khẩu ròng dầu.
Trong khi đó, Nhật Bản sở hữu một trong những kho dự trữ dầu lớn nhất, chỉ sau Trung Quốc và Mỹ. Trung Quốc là nhà tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới, đã tự thành lập SPR của riêng nước này từ 15 năm trước.