Theo hãng tin Reuters, khi Nga thắt chặt nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu, các ngân hàng đang thử nghiệm xem họ có thể đối phó với tình trạng thiếu điện như thế nào. Họ cũng bố trí các nguồn năng lượng thay thế như máy phát điện để các máy ATM và ngân hàng trực tuyến không ngừng hoạt động.
Với các công ty tài chính, tình hình đặc biệt cấp bách vì liên quan tới các khoản thanh toán và giao dịch có tầm quan trọng với nền kinh tế châu Âu.
Trong khi lĩnh vực này thích ứng tốt với đợt phong tỏa vì COVID-19 thông qua làm việc từ xa, thì tình huống mất điện hoặc phải sử dụng hạn chế điện lại là một thách thức khác hẳn.
Ông Gianluca Pescaroli, Giáo sư tại trường University College London, nói: “Hệ thống ngân hàng là một phần của các hệ thống khác. Mối quan tâm chính của tôi là các tác động mạnh đối với xã hội khi không sử dụng được máy ATM hoặc không thực hiện được giao dịch không dùng tiền mặt”.
Ngân hàng JPMorgan của Mỹ có chi nhánh ở London và Frankfurt đã thực hiện tình huống mô phỏng trường hợp mất điện. Theo đó, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng, JPMorgan có thể chuyển sang sử dụng máy phát điện chạy bằng dầu diesel để duy trì hoạt động các địa điểm văn phòng quan trọng trong vài ngày. JPMorgan cho các công ty ở châu Âu vay tiền, giao dịch cổ phiếu, trái phiếu và điều hành một ngân hàng tiêu dùng của Anh.
Ngân hàng lớn thứ hai của Italy là UniCredit đã kiểm tra khả năng phục hồi hoạt động vào mùa hè này. Thử nghiệm phục hồi sau thảm họa của UniCredit tập trung vào khả năng khôi phục quá trình xử lý dữ liệu. Hai trung tâm dữ liệu cốt lõi của ngân hàng này có nguồn điện từ hai trạm điện độc lập. Không rõ điện từ các trạm này có thể được sử dụng trong bao lâu.
Euronext, công ty điều hành các sàn giao dịch chứng khoán của Pháp và Italy, cho biết họ đã đánh giá lại tình hình sử dụng năng lượng kể từ khi xảy ra xung đột Nga – Ukraine. Euronext cũng cho biết thêm rằng họ có các máy phát điện dự phòng.
Các ngân hàng cũng đang thực hiện các bước cụ thể để đối phó với khủng hoảng năng lượng, ví dụ như bỏ trống một số diện tích văn phòng và tập trung nhân viên vào một vài số tòa nhà.
Ngân hàng Deutsche Bank cho biết họ đang triển khai một loạt biện pháp tiết kiệm năng lượng với 1.400 tòa nhà ở Đức để tiết kiệm 4,9 triệu kWh điện mỗi năm. Đây là số điện đủ để cung cấp năng lượng cho khoảng 49.000 bóng đèn trong một giờ.
Deutsche Bank cũng tắt nước nóng trong phòng vệ sinh, điều chỉnh nhiệt độ nơi làm việc, tắt tất cả đèn chiếu sáng chi nhánh bên trong và chiếu sáng quảng cáo ngoài trời qua đêm. Đài phun nước trước trụ sở chính ở Frankfurt cũng sẽ bị tắt.
Các cơ quan quản lý đang cảnh giác cao độ. Cơ quan giám sát của Ngân hàng Trung ương châu Âu và Cơ quan Luật lệ An toàn (PRA), đều yêu cầu các ngân hàng có kế hoạch đối phó với tình trạng gián đoạn.
Các ngân hàng ở Anh đều phải xác định các dịch vụ kinh doanh quan trọng và các phương pháp giải quyết tình huống mất điện nếu xảy ra.
Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại rằng có rất ít ngân hàng, công ty có khả năng sẵn sàng cho tình huống mất điện kéo dài hơn một vài ngày.
Ông Avi Schnurr, Giám đốc điều hành Hội đồng An ninh Cơ sở hạ tầng Điện, cho biết: “Điều này cho thấy lỗ hổng nghiêm trọng trong lập kế hoạch xử lý”. Theo ông, các ngân hàng nên sắp xếp để đảm bảo họ có thể đối phó ngay cả khi mất điện kéo dài.
Ngân hàng lớn nhất của Pháp là BNP Paribas đang xử lý tình hình tiêu thụ điện năng của khoảng 2.750 chi nhánh, văn phòng và trung tâm dữ liệu mà ngân hàng này vận hành trên khắp Pháp, Bỉ và Italy.
Ngân hàng này đang giám sát chặt chẽ khả năng cắt giảm điện và khả năng này được đề cập trong Kế hoạch kinh doanh liên tục tại ngân hàng.
Ngân hàng NatWest cho biết họ đã giảm nhẹ một phần thiệt hại tài chính bằng cách tự bảo hiểm cho các chi phí năng lượng trong tương lai.
Các công ty bảo hiểm lớn cũng cho biết họ đang cắt giảm sử dụng năng lượng. Công ty Zurich của Thụy Sĩ sẽ giảm ánh sáng các văn phòng vào ban đêm.
Nếu cuộc khủng hoảng trở nên tồi tệ hơn, các công ty sẽ thực hiện các động thái quyết liệt hơn.