Các loài ong cỡ lớn có nguy cơ biến mất do nhiệt độ tăng

Một nghiên cứu công bố ngày 20/4 cho thấy tình trạng biến đổi khí hậu có thể làm giảm số lượng ong cỡ lớn như ong vò vẽ, đồng thời cảnh báo những tác động tiềm ẩn đối với quá trình thụ phấn ở cây và trong toàn bộ hệ sinh thái do sự mất cân bằng này. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Proceedings of the Royal Society B.

Để thực hiện nghiên cứu, các nhà khoa học tại Mỹ đã bắt và nghiên cứu hơn 20.000 con ong trong 8 năm tại một khu vực ở dãy núi Rocky nhằm tìm ra sự tương tác của các loài ong khác nhau đối với các điều kiện khí hậu thay đổi. 

Các nhà khoa học phát hiện rằng các loài ong cỡ lớn giảm đáng kể do nhiệt độ tăng, trong khi các loài ong cỡ nhỏ và làm tổ trong đất lại tăng. Nhóm nghiên cứu cho biết trong khi điều kiện môi trường thay đổi theo từng năm, khu vực cận núi cao mà họ lấy mẫu là "đặc biệt dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu", với nhiệt độ vào mùa Xuân ấm lên và tuyết tan sớm hơn. Nghiên cứu cho thấy sự thay đổi về nhiệt độ, băng hay lượng mưa vào mùa Hè do khí hậu gây ra có thể ảnh hưởng rõ nét đến các loài ong. 

Nhóm nghiên cứu cho rằng những phát hiện này cho thấy sự sụt giảm về số lượng ong cỡ lớn, trong đó có loài ong vò vẽ, ong ăn lá và ong thợ, khi nhiệt độ tăng cao hơn. Sự sụt giảm đặc biệt có thể thấy rõ ở loài ong vò vẽ và các nhà khoa học nhận định tình trạng ấm lên khiến loài ong này bị đe dọa nhiều hơn so với các loài ong khác. Điều này cũng phù hợp với những nghiên cứu trước kia cho rằng ong vò vẽ - loài ong thụ phấn chiếm ưu thế trong nhiều hệ sinh thái - có khả năng chịu nhiệt độ thấp hơn so với các loài ong khác và thường di chuyển đến các vùng có khí hậu mát hơn khi nhiệt độ tăng.

Theo nhóm nghiên cứu, các phát hiện của họ còn cho thấy kích thước cơ thể ong vò vẽ và cách làm tổ của loài ong này có thể khiến chúng dễ bị tổn thương trong môi trường nhiệt độ ấm. Các tác giả cho biết những thay đổi do khí hậu đối với các cộng đồng thụ phấn có thể gây những tác động theo tầng đối với quá trình thụ phấn và hoạt động của hệ sinh thái. Ví dụ, việc mất đi những loài ong lớn, vốn có xu hướng bay xa hơn để kiếm thức ăn, có thể làm giảm khả năng thụ phấn ở những khu vực xa hơn. 

Côn trùng là loài thụ phấn hàng đầu trên thế giới với 75% trong số 115 cây lương thực hàng đầu toàn cầu phụ thuộc vào sự thụ phấn loài sinh vật này, bao gồm ca cao, cà phê, hạnh nhân và anh đào.

Trong một báo cáo vào năm 2019, các nhà khoa học cho biết gần 50% trong số loài côn trùng trên toàn thế giới đang suy giảm và khoảng 33% có thể có thể biến mất hoàn toàn vào cuối thế kỷ này. 1 trong 6 loài ong đã tuyệt chủng tại một số nơi trên thế giới. Những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này được cho là sự suy thoái môi trường sống và sử dụng thuốc trừ sâu.

Thanh Hương (TTXVN)
Đậm đà mật ong rừng U Minh Thượng
Đậm đà mật ong rừng U Minh Thượng

Sản phẩm mật ong U Minh Thượng (Kiên Giang) của hai cơ sở trên địa bàn xã An Minh Bắc đạt chứng nhận Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) 3 sao và được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2021. Đây là bước tiến góp phần phát triển sản phẩm mật ong U Minh Thượng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN