Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng đây mới chỉ là sự khởi đầu một nhiệm kỳ được đánh giá là vô cùng khó khăn với chính trị gia cánh tả kỳ cựu này khi mà tình hình nội bộ Brazil đang chia rẽ sâu sắc, cùng với ảnh hưởng từ những biến động khó lường của tình hình thế giới.
Sức hút và tầm ảnh hưởng của ông Lula da Silva trong suốt nhiều năm qua là điều không phải bàn cãi. Ông luôn nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ mọi tầng lớp trong xã hội, cũng như tạo được uy tín lớn trên trường quốc tế với những thành tựu nổi bật trong hai nhiệm kỳ liên tiếp hồi những năm 2000.
Mặc dù vậy, trong nhiệm kỳ này, nhà lãnh đạo Lula da Silva sẽ phải tiếp quản một đất nước Brazil với nhiều thể chế nhà nước đã bị suy yếu trong 4 năm vừa qua dưới thời của chính quyền cực hữu, từ các cơ quan bảo vệ môi trường cho tới hệ thống y tế công. Cùng với đó, việc chính quyền của người tiền nhiệm Jair Bolsonaro cắt giảm ngân sách chi cho các trường đại học cũng gián tiếp khiến cho chất lượng giáo dục tại quốc gia đông dân nhất Mỹ Latinh suy giảm trong những năm gần đây.
Tổng thống Lula da Silva cam kết sẽ đầu tư mạnh vào giáo dục và hệ thống y tế phổ quát, khôi phục lại dự án hỗ trợ nhà ở cộng đồng giá rẻ, những lĩnh vực được cho là hết sức quan trọng đối với đời sống của đại đa số người dân Brazil. Nhà lãnh đạo cánh tả này khẳng định ưu tiên hàng đầu sau khi nhậm chức sẽ là tiếp tục cuộc đấu tranh chống đói nghèo và bất bình đẳng xã hội.
Cùng với đó, ông Lula da Silva cũng chú trọng tới việc phát triển bền vững và bảo vệ môi trường, đặc biệt là quyết tâm chấm dứt tình trạng tàn phá rừng nhiệt đới Amazon, vốn được coi là “lá phổi xanh” của hành tinh. Trong suốt hai nhiệm kỳ trước đây của ông Lula da Silva và sau đó là bà Dilma Rousseff, Brazil luôn được coi là hình mẫu trong các chính sách bảo vệ môi trường khi đạt được nhiều thành công trong việc giảm đáng kể tình trạng tàn phá rừng, cũng như đưa ra được cam kết cụ thể trong việc giảm phát thải khí carbon xuống 37% vào năm 2025. Tuy nhiên, khi ông Bolsonaro theo đường lối cánh hữu lên nắm quyền, các vấn đề liên quan tới bảo vệ môi trường của Brazil đã đảo chiều nhanh chóng khiến cho nước này bị quốc tế chỉ trích mạnh mẽ, đặc biệt là từ Liên minh châu Âu. Trong bối cảnh đó, việc ông Lula da Silva quay trở lại nắm quyền được dư luận hy vọng sẽ giúp cho Brazil lấy lại được hình ảnh và quay trở lại quỹ đạo phát triển bền vững.
Hồi giữa tháng 11, ông Lula da Silva đã tham dự Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) tại thành phố Sharm El-Sheikh của Ai Cập, thể hiện quyết tâm đưa Brazil trở lại trung tâm thảo luận các vấn đề về môi trường và biến đổi khí hậu. Ông cũng khẳng định sẽ thành lập bộ về các các dân tộc thổ dân, vốn là những cộng đồng phải chịu ảnh hưởng nhiều nhất tác động của tình trạng tàn phá rừng và các loại tội phạm môi trường khác, để chính họ là những người đưa ra đề xuất với chính phủ về những chính sách bảo vệ các khu vực họ sinh sống. Ông Lula da Silva cũng bày tỏ hy vọng sẽ tăng cường liên minh giữa Brazil, CHDC Congo và Indonesia, 3 quốc gia sở hữu tới 53% diện tích rừng nhiệt đới trên Trái Đất, để cùng nhau tìm kiếm cơ chế tài trợ bền vững cho các chương trình bảo vệ thiên nhiên.
Mặc dù vậy, giới quan sát cho rằng nhà sáng lập đảng Lao động Brazil nhậm chức trong một bối cảnh hoàn toàn khác so với hai nhiệm kỳ trước đây (giai đoạn 2003 - 2010). Giám đốc phụ trách châu Mỹ của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) Ryan Berg nhận định, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Brazil đã chậm lại đáng kể trong những năm gần đây, trong khi xuất khẩu được dự báo sẽ giảm trong năm 2023. Cùng với đó, nếu không có sự bùng nổ về giá nguyên liệu thì chính phủ mới ở Brazil sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện những cải cách đã hoạch định, cũng như những cam kết về chi tiêu xã hội.
Không những vậy, chính quyền mới của Tổng thống Lula da Silva đang phải đối mặt với sự chống phá mạnh mẽ của nhóm cực hữu vốn ủng chính quyền tiền nhiệm. Sau khi nhà lãnh đạo cánh tả này thắng cử, những nhóm ủng hộ trung thành nhất của ông Bolsonaro liên tục có những hành động phản kháng, thậm chí gây rối. Hàng nghìn người vẫn liên tục tổ chức các cuộc biểu tình trước các doanh trại quân đội kêu gọi lực lượng vũ trang can thiệp, không cho ông Lula da Silva được nhậm chức. Trong khi đó, bản thân ông Bolsonaro vẫn chưa hề công khai thừa nhận thất bại, khiến cho một bộ phận những người ủng hộ càng trở nên cực đoan hơn.
Chưa hết, với việc đảng Tự do cực hữu của ông Bolsonaro nắm quyền kiểm soát quốc hội, giới phân tích cho rằng chính quyền sắp tới của ông Lula da Silva sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc thông qua các dự luật để có thể triển khai chương trình hoạt động của mình nếu không tìm được tiếng nói chung với một số đảng trung hữu trong cơ quan lập pháp. Thượng nghị sỹ Eduardo Girão thuộc đảng Podemos ủng hộ ông Bolsonaro tại Quốc hội từng thẳng thừng tuyên bố: “Chúng tôi sẽ trở thành một lực lượng đối lập cứng rắn với chính quyền mới trong những năm tới đây”.
Về đối ngoại, việc ông Lula da Silva quay trở lại nắm quyền cũng đem lại một luồng gió lạc quan hơn cho phong trào cánh tả ở Mỹ Latinh bởi chính ông là một trong những đầu tàu thúc đẩy hội nhập khu vực khi nắm quyền trong hai nhiệm kỳ trước. Với vị thế và vai trò của mình, dư luận kỳ vọng nhà lãnh đạo cánh tả này sẽ cùng với các nước khác trong khu vực thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các chương trình hợp tác và hội nhập tại Mỹ Latinh thông qua các cơ chế như Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latinh và Caribe (CELAC), hồi sinh tổ chức Cộng đồng các quốc gia Nam Mỹ (UNASUR) và tạo ra sự đồng thuận trong các chính sách chung của khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR).
Trong bối cảnh tình hình thế giới nhiều biến động hiện nay, Tổng thống Lula da Silva đã phải thừa nhận, ngoài việc thúc đẩy hội nhập giữa các nước trong khu vực, ông và các chính phủ tiến bộ khác ở Mỹ Latinh cần phải chú trọng hơn trong giải quyết những vấn đề mang tính cấu trúc của nền kinh tế, thúc đẩy đầu tư và tăng cường sản xuất trong nước nhằm hướng tới một sự phát triển bền vững hơn. Chuyên gia nghiên cứu chính trị Mauricio Santoro, trường Đại học Rio de Janeiro, đánh giá ông Lula da Silva sẽ có nhiều lợi thế trong thúc đẩy các mối quan hệ quốc tế nhờ những dấu ấn từ các nhiệm kỳ trước và Brazil sẽ dần lấy lại được vị thế của mình trên các diễn đàn quốc tế, cũng như thể hiện được vai trò quan trọng tại LHQ cùng một số cơ chế hợp tác khác như Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS).
Rõ ràng sự quay trở lại lần này của ông Lula da Silva đang được dư luận đặt nhiều kỳ vọng để có thể giúp Brazil quay trở lại con đường phát triển. Hy vọng rằng với kinh nghiệm thực tiễn trên chính trường, nhà lãnh đạo cánh tả này sẽ tạo được sự đoàn kết, đồng thuận trong xã hội để thực hiện được những cam kết đã đưa ra, đáp ứng những đòi hỏi về một xã hội công bằng và phát triển bền vững, cũng như hòa nhập với xu hướng hội nhập ở Mỹ Latinh.