Theo tờ Pravda châu Âu của Ukraine mới đây, Hà Lan hiện cùng với một số nước châu Âu đã thay đổi đáng kể lập trường của họ đối với cuộc xung đột ở Ukraine. Hà Lan trước đây có truyền thống hoài nghi về sự hội nhập an ninh của Ukraine vào các cấu trúc EU, nhưng đến nay bất ngờ trở thành một trong những nhà tài trợ chính cho lực lượng vũ trang Ukraine và hộ việc Kiev gia nhập EU.
Chính xác hơn, sự hỗ trợ này đến từ Chính phủ của Thủ tướng Mark Rutte, người đã thể hiện rõ lập trường ủng hộ Ukraine. Ông cũng đã đưa ra quyết định gửi máy bay chiến đấu F-16 của Hà Lan cho Kiev.
Tuy nhiên, Chính phủ của Thủ tướng Rutte hiện sắp mãn nhiệm sau cuộc bầu cử mới vào mùa thu. Liệu sự thay đổi này có ảnh hưởng đến tất cả các thỏa thuận, bao gồm cả việc chuyển giao máy bay F-16 cho Kiev?
Tờ Pravda châu Âu của Ukraine đã đặt câu hỏi trên với Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan, Kajsa Ollongren, người đã đến thăm Kiev vào cuối tuần qua. Theo bà Ollongren, việc chuyển giao máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine trong vòng 6 đến 8 tháng là thực tế, nhưng một số điều kiện tiên quyết phải được đáp ứng trước đó.
"Việc huấn luyện phi công đã bắt đầu, nhưng chúng tôi cần tăng cường để có đủ nhân lực được đào tạo cho việc sử dụng máy bay chiến đấu F-16 trong chiến đấu. Điều quan trọng là phải giải quyết vấn đề cơ sở hạ tầng, vì vậy ở Ukraine, các bên liên quan phải đồng thời nỗ lực xây dựng cơ sở hạ tầng phù hợp cho máy bay hiện đại này hoạt động cũng như bảo đảm cho hệ thống vũ khí rất tiên tiến của chúng", bà Ollongren nói.
Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan cũng bày tỏ nghi ngờ việc chuyển giao máy bay F-16 cho Ukraine vẫn có thể thực hiện được trong năm nay. "Về phía Hà Lan, trước tiên chúng tôi đòi hỏi là cần phải đáp ứng tất cả các điều kiện tiên quyết. Cụ thể là để phi hành đoàn được huấn luyện, cơ sở hạ tầng đã sẵn sàng, đồng thời phải đảm bảo các bộ phận, trang thiết bị, vũ khí dự phòng cho máy bay cùng những thứ liên quan khác. Xét đến thực tế này, chúng tôi cho rằng việc chuyển giao chỉ có thể diễn ra vào năm tới", Bộ trưởng Ollongren nêu rõ.
Ngoài ra, bà Ollongren lưu ý rằng các điều kiện chính xác để chuyển giao F-16 vẫn đang được thảo luận. Bà nói: “Chúng tôi vẫn chưa quyết định các điều kiện chính xác và điều đó không chỉ phụ thuộc vào chúng tôi. Đây cũng là vấn đề mà Mỹ có tiếng nói quan trọng. Và tiếng nói của Ukraine cũng quan trọng”.
Như đã đưa tin, Hà Lan và Đan Mạch ngày 18/8 cho biết Mỹ đã mở đường cho phép tái xuất khẩu máy bay chiến đấu F-16 sang Ukraine sau khi một số phi công của họ được đào tạo để lái chúng, giúp khôi phục động lực cho một cuộc phản công dường như đang bị đình trệ.
Bộ trưởng Ollongren cho biết nước này hoan nghênh quyết định của Mỹ “dọn đường cho việc chuyển giao máy bay F-16 cho Ukraine”, điều sẽ cho phép liên minh “thực hiện quá trình đào tạo phi công Ukraine”. Về phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch Jakob Ellemann-Jensen nêu rõ việc viện trợ máy bay F-16 là “bước tiếp theo tự nhiên” sau khi khóa đào tạo phi công hoàn tất.
Hiện các phi công Ukraine đã bắt đầu huấn luyện trên máy bay chiến đấu F-16 ở Đan Mạch, nhưng trước đó việc bắt đầu chương trình huấn luyện liên tục bị trì hoãn. Với những bình luận của Hà Lan và Đan Mạch cho thấy không có sự chấp thuận chính thức của Mỹ là một trong những yếu tố cản trở quy trình huấn luyện F-16 cho phi công Ukraine.