Thứ nhất, Bộ Tài chính sẽ khẩn trương thúc đẩy phục hồi kinh tế thông qua tăng tốc giải ngân ngân sách và chi tiêu nhà nước. Bộ cũng sẽ hợp lý hóa cơ cấu thuế để phù hợp với sự thay đổi kinh tế và xã hội.
Thứ hai, Bộ Tài chính sẽ điều chỉnh cơ cấu kinh tế đất nước bằng cách tìm kiếm những cách thức thúc đẩy đầu tư vào các công nghệ mới, như ô tô thế hệ mới, kinh doanh kỹ thuật số và kinh doanh y tế toàn diện. Điều này sẽ tạo điều kiện cho Thái Lan chuyển sang cung cấp các sản phẩm và dịch vụ có giá trị kinh tế cao.
Cuối cùng, Bộ Tài chính cũng sẽ thúc đẩy việc sửa đổi các quy tắc để tăng hiệu quả hoạt động của cơ quan này trong việc cung cấp dịch vụ cho công chúng.
Người phát ngôn Bộ Tài chính kiêm quyền Tổng giám đốc Văn phòng Chính sách Tài khóa (FPO) Kulaya Tantitemit cho biết một thách thức trong năm nay là làm thế nào để khôi phục tăng trưởng kinh tế của Thái Lan về thời kỳ trước COVID-19. Bước tiếp theo của việc điều hành chính sách kinh tế vĩ mô sẽ phải tính đến việc ngăn chặn đợt bùng phát COVID-19 thứ hai và phân phối công bằng vaccine ngừa COVID-19.
Kinh tế Thái Lan được cho là sẽ tăng trưởng trong năm 2021, sau khi ước tính giảm gần 10% trong năm 2020. Năm 2021, nền kinh tế Thái Lan dự kiến sẽ tăng 3-4% so với năm trước nhờ sự phục hồi của hai động lực chính là xuất khẩu và du lịch. Tuy nhiên, nếu có một làn sóng COVID-19 khác ở Thái Lan, hoặc nếu các vaccine ngừa COVID-19 hiệu quả bị trì hoãn, sự phục hồi có thể chậm hơn dự đoán.
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Y tế Thái Lan Anutin Charnvirakul cho biết Thái Lan sẽ được cung cấp ít nhất 2 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 trong khoảng thời gian từ tháng 2-4/2021. Ông Anutin nói rằng Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đã chỉ đạo thảo luận về việc mua sắm với các nhà sản xuất khác nhau để nhanh chóng có được vaccine nhằm giúp đối phó với sự bùng phát của dịch bệnh.
Trước sự gia tăng của các ca lây nhiễm trong cộng đồng, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đã ban hành một loạt những hạn chế mới có hiệu lực từ 4/1 tại 28 tỉnh thuộc vùng đỏ, kể cả thủ đô Bangkok.