Các chuyên gia cho rằng tình trạng này là do sự phân biệt đối xử trên thị trường việc làm trong thời gian dài và càng trở nên tồi tệ do sự gián đoạn hoạt động kinh tế vì đại dịch COVID-19. Bà Kate Bahn, Giám đốc chính sách thị trường lao động của Trung tâm Tăng trưởng công bằng ở Washington, nhận định Mỹ chưa thực sự giải quyết được tình trạng bất bình đẳng tiềm ẩn trong nền kinh tế.
Theo Bộ Lao động Mỹ, sau khi tăng vọt lên 14,7% vào tháng 4/2020 khi các biện pháp hạn chế kinh doanh nghiêm ngặt nhất được áp đặt nhằm ngăn chặn dịch lây lan, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ đã giảm mạnh xuống còn 5,9% trong tháng 6 vừa qua. Tuy nhiên, lợi ích không được chia đều: tỷ lệ thất nghiệp ở người lao động da màu là 9,2% và người Hispanic là 7,4%, so với 5,2% ở người da trắng. Khoảng cách việc làm giữa các chủng tộc và sắc tộc trong nền kinh tế lớn nhất thế giới hiện diện ngay cả khi tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp kỷ lục trước khi đại dịch bùng phát.
Dữ liệu tháng 6 cũng cho thấy tỷ lệ thất nghiệp ở phụ nữ da trắng là 5%, mặc dù con số này hồi năm ngoái tương đương người lao động da màu - những người phải chờ đợi rất lâu để có việc làm trở lại. Xu hướng này cũng tương tự đối với người Hispanic. Tỷ lệ phụ nữ da màu tìm kiếm việc làm cao hơn phụ nữ da trắng, nhưng các công ty lớn và nhỏ trên toàn quốc vẫn phàn nàn rằng họ không tìm được người lao động lấp đầy các vị trí còn trống, đặc biệt là lao động có tay nghề cao. Nhà kinh tế trưởng thuộc Liên đoàn AFL-CIO William Spriggs nhấn mạnh đó là “sự phân biệt đối xử” trong tuyển dụng và lực lượng lao động, cần được giải quyết nhanh chóng.
Trong khi đó, ông Walter L. Simmons, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành tổ chức phi lợi nhuận Employ Prince George's cho biết tình trạng gián đoạn hoạt động kinh tế do đại dịch COVID-19 đang khiến một số người không thể nhận việc làm hoặc thậm chí đi tìm việc. Các dịch vụ công cộng như xe buýt vẫn chưa hoạt động trở lại bình thường, đồng nghĩa nhiều người không có phương tiện để đi tìm việc. Các dịch vụ trông trẻ cũng bị cắt giảm, gây khó khăn cho các bậc cha mẹ về việc chăm sóc con trong lúc họ đi làm. Hiện tại, những người lao động thất nghiệp có thể sống nhờ vào các khoản trợ cấp thất nghiệp mở rộng do chính phủ liên bang hỗ trợ. Tuy nhiên, khoảng 20 bang đã chấm dứt những phúc lợi này và các khoản trợ cấp này trên toàn quốc dự kiến sẽ kết thúc vào tháng 9 tới.
Vấn đề bất bình đẳng trên đang nhận được sự quan tâm của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ông chủ Nhà Trắng đã đưa ra các kế hoạch chi tiêu khổng lồ mà ông cho rằng sẽ giúp định hình lại nền kinh tế. Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã cam kết giữ lãi suất thấp trong thời gian dài hơn để thúc đẩy các doanh nghiệp tăng cường tuyển dụng người lao động thuộc cộng đồng thiểu số.
Theo kế hoạch, Bộ Lao động Mỹ sẽ công bố báo cáo việc làm mới nhất vào ngày 6/8 tới. Một số nhà kinh tế kỳ vọng báo cáo sẽ cho thấy nền kinh tế sẽ tạo ra hơn 1 triệu việc làm trong tháng 7, đưa tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 5,6% khi nhiều doanh nghiệp mở cửa trở lại.