Bài trắc nghiệm hóc búa

Lãnh đạo 27 nước Liên minh châu Âu (EU) ngày 21/7 đã đạt được thỏa thuận về gói phục hồi kinh tế trị giá 750 tỷ euro  (tương đương 860 tỷ USD) trong giai đoạn hậu đại dịch COVID-19, sau 4 ngày đêm thương lượng đầy khó khăn.

Chú thích ảnh
Toàn cảnh Hội nghị thượng đỉnh EU về quỹ phục hồi kinh tế hậu COVID-19 tại Brussels, Bỉ ngày 18/7/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Thỏa hiệp vào phút cuối, dù "cứu" cho EU khỏi một thất bại có thể coi là "đòn giáng mạnh" vào uy tín của tổ chức này, song không che giấu được những bất đồng, mâu thuẫn và sự chia rẽ giữa Bắc và Nam cũng như giữa Đông và Tây của châu Âu.

Hội nghị thượng đỉnh EU đã nóng lên ngay từ ngày họp đầu tiên 17/7 với các cuộc thảo luận về quỹ phục hồi 750 tỷ euro, được hình thành trên cơ sở một khoản vay chung của EU, nhằm vực dậy nền kinh tế khu vực sau những tổn thất nặng nề do dịch bệnh. Bất đồng không thể hóa giải giữa các nước thành viên xung quanh gói cứu trợ buộc Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel phải liên tục đưa ra một loạt đề xuất mới nhằm tái khởi động  các cuộc đàm phán, với một số nội dung chính như giảm số tiền trợ cấp, giảm đóng góp của các nước phát triển, thay đổi phương thức phân bổ hay áp dụng các điều kiện chặt chẽ hơn về giải ngân...

Cuộc tranh luận diễn ra căng thẳng và giằng co giữa đề xuất ban đầu về phần dành để trợ cấp lên tới 500 tỷ euro - giới hạn mà hai nước lớn trong EU là Pháp và Đức sẵn sàng chấp nhận, với con số chỉ 350 tỷ euro được các nhà lãnh đạo của 5 nước phát triển là Hà Lan, Thụy Điển, Đan Mạch, Áo và Phần Lan kiên quyết bảo vệ. Thủ tướng Luxembourg, ông Xavier Bettel, thừa nhận trong 7 năm tham dự các cuộc họp của EU, chưa khi nào ông phải chứng kiến những quan điểm khác xa nhau như lần này cũng như các buổi làm việc căng thẳng như vậy. Trong khi đó, Thủ tướng Latvia, Krišjāni Kariņš đánh giá các cuộc đàm phán đã diễn ra vô cùng gay cấn, có lẽ là một trong những lần khó khăn nhất mà ông từng tham gia, dù tinh thần thỏa hiệp vẫn chưa hoàn toàn biến mất.

Ban đầu, Ủy ban châu Âu đề xuất 2/3 quỹ phục hồi kinh tế, tương đương 500 tỷ euro, sẽ được triển khai dưới dạng các khoản tài trợ, chủ yếu dành cho các nước suy yếu nhất về kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra, 250 tỷ euro còn lại là để cho vay. Với cơ cấu như vậy, ngay lập tức dự án lớn chưa từng có này đã bộc lộ những bất đồng rõ rệt giữa các nhóm nước trong EU.

Các quốc gia miền Nam, đi đầu là Đức, chủ trương ủng hộ phương án trợ cấp nhiều hơn "vì tình đoàn kết tương hỗ sâu sắc hơn" giữa các quốc gia thành viên. Trong khi đó, các quốc gia giàu có phía Bắc (gồm Hà Lan, Thụy Điển, Đan Mạch, Áo và Phần Lan) muốn việc tiếp cận tiền hỗ trợ phải được gắn với các điều kiện nghiêm ngặt. Còn nhóm Visegrad với CH Séc, Hungary, Ba Lan và Slovakia lại đặc biệt thận trọng để đảm bảo quỹ phục hồi không làm giảm ngân sách dài hạn và chính sách gắn kết, do nhóm này nằm trong số các quốc gia thụ hưởng nhiều nhất.

Theo đánh giá của các nước Bắc Âu, các quốc gia miền Nam đã không quản lý tốt nền tài chính, bởi vậy, một khi được vay tiền mà không phải chịu các biện pháp kiểm soát, các quốc gia này sẽ không sử dụng đúng cách. Các nước Bắc Âu cũng cho rằng việc Anh rời khỏi EU không phải là để lại "lỗ hổng" phải bù đắp trong ngân sách, mà chính EU phải thu vén với những gì có trong tay. Cuối cùng, các nước Bắc Âu cảnh báo ngân sách EU không theo kịp thời đại và được sử dụng để tài trợ cho những "chính sách đã lỗi thời" như hỗ trợ ngành nông nghiệp và chương trình gắn kết phải được thu hẹp.

Thực tế thì hội nghị dự kiến chỉ diễn ra 2 ngày đã kéo dài tới 4 ngày, trở thành một trong những hội nghị thượng đỉnh EU dài nhất từ trước tới nay. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đã phải đưa ra đề xuất mang tính thỏa hiệp, là cắt giảm phần trợ cấp của gói phục hồi và tăng phần cho vay lên, nhằm thu hẹp khác biệt giữa các nước thành viên. Cuối cùng, đề xuất mang tính "được ăn cả, ngã về không" của ông Charles Michel về quỹ phục hồi 750 tỷ euro, trong đó 390 tỷ euro dưới hình thức trợ cấp và phần còn lại (360 tỷ) là cho vay, đã được lãnh đạo 27 nước thành viên chấp thuận. Như đánh giá của Chủ tịch Hội đồng châu Âu thi thỏa thuận này gửi một tín hiệu cụ thể về  sức mạnh hành động của EU, cho thấy EU có thể thành công trong một “nhiệm vụ bất khả thi”.

Ngoài thỏa hiệp về gói phục hồi kinh tế, lãnh đạo các nước EU cũng đạt đồng thuận về đề xuất ngân sách lớn chưa từng thấy lên tới 1.047 tỷ euro (gần 1.200 tỷ USD) cho 7 năm tới. Đây là bước tiến lớn sau thất bại của hội nghị thượng đỉnh về ngân sách hồi tháng 2. Ngân sách EU là xương sống cho các chính sách, cũng là yếu tố đảm bảo cho những tham vọng to lớn cả về kinh tế cũng như địa chính trị của liên minh. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 khiến EU lâm vào tình trạng khó khăn trầm trọng hơn, kinh tế ước tính sẽ sụt giảm tới 8,3% trong năm 2020, việc thông qua được ngân sách dài hạn phù hợp giai đoạn 2021-2027 là vô cùng cấp thiết để EU có thể vượt qua những thách thức, bất luận là thực hiện mục tiêu về khí hậu, tạo việc làm hay gắn kết xã hội.

Nhiều quan chức đánh giá EU đã đạt thỏa thuận lịch sử, đặc biệt khi đây là lần đầu tiên lãnh đạo các nước EU gặp mặt trực tiếp trong vòng 5 tháng qua kể từ đầu đại dịch COVID-19. Tìm được đồng thuận về kế hoạch chấn hưng kinh tế trị giá 750 tỷ euro được coi là thách thức sống còn với 27 nước EU, khi nhiều quốc gia EU đang rơi vào khủng hoảng kinh tế trầm trọng. Khu vực sử dụng đồng tiền chung euro (Eurozone) có nguy cơ tan vỡ nếu các nước EU không đạt đồng thuận.

Thời gian đầu, EU đã lúng túng trong việc đối phó với sự bùng phát của đại dịch COVID-19. Mặc dù nguy cơ bị ảnh hưởng bởi đại dịch đã được cảnh báo từ lâu, nhưng EU phần nào mất cảnh giác, thiếu tinh thần đoàn kết, thiếu hiệu quả trong phối hợp cũng như tổ chức..., khiến EU bị thiệt hại cả về con người lẫn vật chất. Khoảng 200.000 người dân các nước EU đã tử vong do COVID-19. Nền kinh tế rơi vào tình trạng "chết lâm sàng" do các biện pháp hạn chế tiếp xúc xã hội, đẩy EU vào một cuộc khủng hoảng chưa từng có trong gần một thế kỷ qua.

Bởi vậy, kết quả của hội nghị này được cho là mang ý nghĩa biểu tượng, phần nào chứng tỏ các nhà lãnh đạo  EU đã cùng nhau nỗ lực hết sức nhằm đối phó với tình thế vô cùng nghiêm trọng do đại dịch COVID-19 gây ra. Trên thực tế thì EU vẫn đang hứng chịu những dư âm của một thập niên đầy biến động, từ cuộc khủng hoảng nợ tại các nước Nam Âu, bất ổn của nền kinh tế Eurozone, làn sóng người tị nạn và cú sốc gây ra do việc nước Anh rời khỏi "mái nhà chung". Bất luận còn rất nhiều khác biệt và mâu thuẫn giữa các quốc gia thành viên EU trong những quyết sách về ngân sách dài hạn và quỹ phục hồi, ở một mức độ nào đó, EU đã thể hiện tinh thần trách nhiệm khi mà quỹ phục hồi hậu COVID-19 được coi như một bài toán trắc nghiệm cho sự đoàn kết của EU.

Kim Chung (Phóng viên TTXVN tại EU)
EU đạt đồng thuận về quỹ phục hồi hậu COVID-19
EU đạt đồng thuận về quỹ phục hồi hậu COVID-19

Tại một trong những hội nghị thượng đỉnh kéo dài nhất từ trước tới nay, ngày 20/7, cuối cùng các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) cũng đã vượt qua những khác biệt để cùng đồng thuận về đề xuất ngân sách lớn chưa từng thấy lên tới hơn 1.000 tỷ euro (gần 1.200 tỷ USD) cho 7 năm tới và quỹ phục hồi kinh tế trong giai đoạn hậu đại dịch COVID-19, trị giá 750 tỷ euro. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN