Hệ thống nhãn mác thương mại của Trung Quốc có thể ví như một… “bãi mìn” mà ngay cả những công ty hàng đầu thế giới với những luật sư tài giỏi cũng khó mà vượt qua.
Facebook chưa trở lại được Trung Quốc nhưng đã có tới 60 biến thể thương hiệu này bằng tiếng Trung được đăng ký. |
Apple và Facebook là những công ty mới nhất “thấm thía” điều này. Apple thì vướng vào cuộc chiến bản quyền xung quanh thương hiệu iPad, trong khi Facebook thì đối mặt với hơn 60 “biến thể” của cái tên Facebook khi họ đang tìm cách xâm nhập thị trường Trung Quốc.
Những cuộc “vượt mìn” của các công ty phương Tây đã vấp phải trở ngại giống như trường hợp của Ben Walters. Năm 2007, doanh nhân người gốc New Jersey (Mỹ) đã tung ra sản phẩm giày chơi quần vợt thương hiệu OSPOP, dựa trên một thiết kế giày phổ biến với các công nhân Trung Quốc.
Sau khi gây tiếng vang với giới truyền thông quốc tế và địa phương, năm 2010, Ben Walters quyết định xâm nhập thị trường tiêu dùng tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Nhưng Walters phát hiện ra rằng, những sản phẩm giày OSPOP nhái đã đầy rẫy trên thị trường này, và 4 công ty Trung Quốc đang tranh giành nhãn hiệu của anh.
“Người Trung Quốc đã chộp lấy những tài sản trí tuệ (IP) mà không có lợi ích nào liên quan ngay lập tức, họ chỉ giành quyền sở hữu IP như một khoản đầu tư”, Walters nói và cho biết một công ty thực phẩm ở Quảng Châu đã đòi 1 triệu nhân dân tệ để nhượng lại quyền sử dụng nhãn hiệu OSPOP tiếng Trung Quốc.
Theo các luật sư, “chiếm dụng nhãn hiệu” là một vấn đề lớn tại Trung Quốc, nơi có những cá nhân hoặc tổ chức đăng ký hàng trăm nhãn hiệu với hy vọng trong tương lai nó sẽ chuyển thành lợi nhuận.
Công ty tư vấn sở hữu trí tuệ East IP của Trung Quốc cho biết, họ đã phát hiện vô số biến thể của tên “Facebook” theo tiếng Anh và tiếng Trung, kể từ khi được Facebook thuê xử lý vấn đề bản quyền nhãn hiệu tại Trung Quốc. “Chúng tôi nhận ra rằng, rất nhiều trong số các nhãn hiệu thương mại thế giới bằng tiếng Trung Quốc đã được đăng ký”, Giám đốc điều hành East IP cho biết. “Chúng tôi hiện đang thu thập bằng chứng và hy vọng sẽ giành được các quyền sở hữu nhãn hiệu thương mại đối với thương hiệu Facebook”.
Ông Kenny Wong, Giám đốc công ty sở hữu trí tuệ Mayer Brown tại Hồng Công thì cho hay: “Chúng tôi đã tiếp cận với một loạt cá nhân và công ty đăng ký tới trên 100 nhãn hiệu thương mại, thậm chí có một người đã đăng ký tới hơn 400 nhãn hiệu. Người ta có thể chỉ trích họ, nhưng việc đó là hợp pháp”.
Các chuyên gia pháp lý cho rằng, nhiệm vụ của các công ty đang muốn làm ăn tại Trung Quốc là tìm hiểu quy định về nhãn hiệu của nước này, bởi nó khác rất xa so với tại Mỹ. Trung Quốc sử dụng hệ thống “nộp đơn trước” (first to file), có nghĩa, những cá nhân hoặc tổ chức đăng ký đầu tiên sẽ nhận được quyền sở hữu nhãn hiệu. Trong khi đó, người Mỹ lại áp dụng hệ thống “sử dụng trước” (first to use), có nghĩa là người nộp đơn đăng ký nhãn hiệu thương mại phải chứng tỏ rằng nó được sử dụng trong hoạt động kinh doanh của người đó, hoặc định sử dụng nhãn mác đó để kinh doanh trong tương lai.
Sự khác biệt lớn này có thể khiến cho hoạt động bản quyền nhãn mác ở Trung Quốc khó khăn ngay cả với những tập đoàn lớn của nước ngoài. Chẳng hạn, tập đoàn dược phẩm Pfizer đã theo đuổi một “cuộc chiến” dai dẳng tại các tòa án Trung Quốc xung quanh thương hiệu Viagra bằng tiếng Trung Quốc, vốn được đăng ký đầu tiên bởi một công ty Trung Quốc. Pfizer cuối cùng đã thua kiện.
Apple cũng đang đau đầu với tranh chấp bản quyền nhãn hiệu iPad tại Trung Quốc sau khi một tòa án của nước này bác đơn kiện của “Quả táo” và cho rằng, bị đơn của họ, công ty Thâm Quyến Proview vẫn giữ bản quyền nhãn hiệu này tại Trung Quốc. Nhà chức trách Trung Quốc gần đây đã tiến hành tịch thu máy tính bảng iPad tại nhiều địa phương theo đề nghị của Thâm Quyến Proview.
Thu Hằng