Tình trạng thiếu lao động lành nghề của Australia đang trở nên ngày càng nguy cấp hơn, đặc biệt là từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, khiến biên giới các quốc gia buộc phải đóng cửa, gây ra tình trạng gián đoạn dịch chuyển lao động quốc tế. Tuy nhiên, kể từ đầu năm nay, ngay cả khi Australia đã mở cửa trở lại với thế giới, lượng lao động nước ngoài nhập cảnh vào nước này vẫn rất “ít ỏi”. So với một thập kỷ trước, số lao động lành nghề nước ngoài hiện có tại Australia đã suy giảm một nửa.
Nguyên nhân được cho là do quá trình xử lý chậm, dẫn đến tình trạng tồn đọng “bất thường” của các đơn xin cấp thị thực vào Australia. Các chuyên gia cảnh báo đang có "sự tắc nghẽn" trong hệ thống xét duyệt thị thực và các quan chức liên bang Australia đã được yêu cầu phải nỗ lực đẩy nhanh công tác xử lý vấn đề này.
Trong tuyên bố ngày hôm nay, Bộ trưởng Giles khẳng định việc xử lý các đơn xin thị thực còn tồn đọng là một ưu tiên của chính phủ Công đảng mới nhậm chức. Ông cho biết đã nêu vấn đề với Bộ Nội vụ và đảm bảo rằng các đơn xin thị thực vào Australia sẽ được xử lý kịp thời.
Các số liệu chính thức của Australia chỉ ra rằng, trong tháng 4/2022, số lượng lao động nước ngoài có tay nghề cao rời khỏi Australia đã vượt quá số lượng mới đến nước này. Cựu phó thư ký của Bộ Di trú, Abul Rizvi, dẫn chứng 8.970 lao động nước ngoài có tay nghề cao đã đến Australia trong tháng 4/2022, nhưng 9.230 người đã rời khỏi nước này, dẫn đến thâm hụt 260 lao động thuộc diện thị thực 482 (thị thực lao động tay nghề tạm trú).
Bên cạnh đó, số lượng người có thị thực bắc cầu (những người đang ở Australia nhưng đã hết hạn thị thực cũ và đang trong quá trình chờ được cấp thị thực mới) đã tăng lên trên 300.000 người trong vòng một thập kỷ vừa qua. Đây là thước đo cho thấy số người đang ở giai đoạn chờ cấp thị thực tăng lên, đồng nghĩa với việc quá trình xử lý hồ sơ kéo dài hơn.
Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Australia (Austrade), Andrew McKellar, cho biết các nhà tuyển dụng đang báo cáo về những rào cản đáng kể trong việc tìm kiếm lao động nước ngoài có tay nghề cao, bao gồm chi phí "quá cao" đối với thị thực và thời gian xử lý "kéo dài". Ông McKellar lưu ý sự chậm trễ trong việc cấp thị thực cho lao động nước ngoài đã khiến nhiều doanh nghiệp nội địa buộc phải đóng cửa vì không đủ nhân viên và do đó không có khả năng để duy trì hoạt động.
Bên cạnh đó, vấn đề chi phí thị thực quá “tốn kém” cũng khiến nhiều doanh nghiệp Australia phàn nàn. Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Australia Innes Willox cho biết các nhà tuyển dụng có thể phải trả tới 25,000 AUD (17,500 USD) để nhận được thị thực cho một công nhân lành nghề nước ngoài. Khoảng chi phí này lớn hơn gấp đôi so với 10 năm trước đây. Tuy nhiên, do tình trạng thiếu hụt lao động địa phương, nhiều doanh nghiệp hiện vẫn phải chi trả khoản tiền “đắt đỏ” nói trên, để có thể tuyển dụng được lao động nước ngoài.
Thư ký Hội đồng Công đoàn Thương mại Australia (ACTU), Sally McManus, cho biết hệ thống cấp thị thực của Australia có nhiều "lỗ hổng". Bà McManus khuyến nghị Canberra nên ưu tiên cho nhóm đối tượng lao động di trú dài hạn, nhằm mục đích lấp đầy khoảng trống thiếu hụt lao động kỹ năng trong nước. Ngoài ra, việc ưu tiên đào tạo công nhân địa phương cần phải được chú ý tới, cũng như phải đảm bảo rằng người lao động địa phương có thể tìm được việc làm hoặc được đào tạo để làm các công việc có chuyên môn cao.
Ngày 6/6, trong chuyến thăm chính thức Indonesia, Thủ tướng Australia Anthony Albanese đã lên tiếng xác nhận về những tồn đọng đang xảy ra trong hệ thống xét duyệt thị thực và cho biết Australia nên "chào đón hơn" những người nộp đơn xin thị thực từ Indonesia, cũng như các nước khác.