Australia công bố chiến lược quốc gia đầu tiên về chứng tự kỷ

Ngày 14/1, chính phủ Australia đã đưa ra Chiến lược quốc gia đầu tiên về chứng tự kỷ, kèm theo kế hoạch hành động nhằm hỗ trợ cho những người mắc chứng tự kỷ.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: Getty images

Kế hoạch hành động có trị giá 42,3 triệu AUD và sẽ có hiệu lực đến năm 2031.

Bệnh tự kỷ, còn được gọi là rối loạn phổ tự kỷ, là một tình trạng phát triển thần kinh ảnh hưởng đến cách cư xử và tương tác của người bệnh với người khác.

Theo cục thống kê Australia, đây là một trong những tình trạng gia tăng nhanh nhất với 290.900 người Australia mắc chứng tự kỷ, tăng 41,8% so với năm 2018 (205.200).

Theo dịch vụ tư vấn sức khỏe quốc gia của Australia, Health Direct, các triệu chứng của chứng tự kỷ được chia thành hai lĩnh vực: khó khăn trong tương tác xã hội và giao tiếp, cũng như các hành vi, sở thích hạn chế và lặp đi lặp lại.

Trong khi chứng tự kỷ là do khác biệt trong cách não bộ phát triển ở trẻ em trong thời kỳ sơ sinh, y học hiện đại vẫn chưa hiểu đầy đủ tại sao những khác biệt này lại xảy ra.

Chính phủ cho biết chiến lược và kế hoạch hành động sẽ tập trung vào bốn nhiệm vụ chính: hòa nhập xã hội, hòa nhập kinh tế, chẩn đoán và hỗ trợ, cũng như sức khỏe và sức khỏe tâm thần.

Bộ trưởng Dịch vụ Xã hội Amanda Rishworth cho biết chính phủ cam kết cải thiện cuộc sống của 300.000 người Australia mắc chứng tự kỷ.

Bà cho biết trong một tuyên bố: “Việc giải quyết những rào cản mà người tự kỷ gặp phải trong các lĩnh vực như giáo dục, việc làm và chẩn đoán đã quá chậm và chúng tôi tự hào đưa ra một chiến lược mới sẽ thay đổi cuộc sống theo hướng tốt đẹp hơn”.

Bà đồng thời cho biết, chiến lược này được xây dựng thông qua một quá trình tham vấn và tìm hiểu từ những người tự kỷ sinh sống tại Australia.

Bà Clare Gibellini, đồng Chủ tịch Hội đồng giám sát, người đã giúp phát triển chiến lược, nhấn mạnh tầm quan trọng của chiến lược trong việc giải quyết những thách thức của người dân.

Trong khi đó, thành viên Hội đồng giám sát, Phó Giáo sư Josephine Barbaro, cho biết đã có những thay đổi trong cách nhìn nhận về chứng tự kỷ. Bà nói: “Trong lịch sử, người ta quá chú trọng vào việc sửa chữa những người mắc chứng tự kỷ, như thể họ vốn đã bị 'hỏng hóc'. Bây giờ chúng ta biết rằng bản thân bộ não của người tự kỷ không phải là thứ cần phải sửa chữa hay phải xấu hổ”.

Theo kế hoạch hành động đầu tiên, chính phủ sẽ dành ra 19,9 triệu AUD trong bốn năm để tư vấn dựa trên kinh nghiệm sống cho những người mắc chứng tự kỷ thông qua chương trình hỗ trợ.

Khoảng 12,2 triệu AUD sẽ được chi trong 5 năm để thành lập một cơ quan “chuyển giao kiến ​​thức” chịu trách nhiệm nghiên cứu về sự đa dạng thần kinh và cải thiện các chính sách tác động đến những người mắc chứng tự kỷ.

3,7 triệu AUD bổ sung sẽ được phân bổ để đánh giá các chương trình hỗ trợ hiện tại dành cho người tự kỷ, trong khi 2,8 triệu AUD sẽ tài trợ cho một nghiên cứu dịch tễ học toàn diện để xác định mức độ phổ biến của chứng tự kỷ.

Các khoản chi khác bao gồm 915.000 AUD cho các sáng kiến ​​nhằm nâng cao hiểu biết của cộng đồng, 445.000 AUD để tăng cường quy trình chẩn đoán bệnh và 915.000 AUD khác để thúc đẩy cơ hội việc làm dành cho người mắc bệnh.

Phúc Toàn/Báo Tin tức (Theo ABC/SBS)
Singapore tăng cường hỗ trợ giáo dục cho trẻ tự kỷ các trường học tại TP. Hồ Chí Minh
Singapore tăng cường hỗ trợ giáo dục cho trẻ tự kỷ các trường học tại TP. Hồ Chí Minh

Dự án giáo dục đặc biệt của Quỹ Quốc tế Singapore (Singapore International Foundation - SIF) đã tăng cường chất lượng giáo dục về Rối loạn Phổ Tự kỷ (ASD) tại TP Hồ Chí Minh, bằng cách nâng cao năng lực cho 170 giáo viên với chuyên môn giáo dục đặc biệt từ 15 trường học và một bệnh viện.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN