Ngày 24/4, Liên minh châu Phi (AU) tuyên bố ấn định trong vòng 3 tháng Xuđăng và Nam Xuđăng phải đạt được một thỏa thuận hòa bình, nếu không sẽ phải đối mặt với "những biện pháp thích đáng".Ủy ban an ninh của AU hối thúc hai bên giải quyết tranh cãi đối với các vấn đề về dầu mỏ và công dân, chấm dứt giao tranh và thỏa thuận phân định biên giới.
Động thái trên của AU diễn ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang nghiêm trọng giữa Xuđăng và Nam Xuđăng. Các nguồn tin cho biết ngày 24/4, máy bay của quân đội Xuđăng đã ném bom xuống khu vực biên giới với Nam Xuđăng, khiến một số người bị thương. Tổng thống Nam Xuđăng Salva Kiir đang ở thăm Bắc Kinh đã phản ứng mạnh về hành động ngày của Khắctum. Trong cuộc hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào cùng ngày, ông Salva Kiir cho rằng "Khắctum đã tuyên chiến với Nam Xuđăng".
Binh sĩ Xuđăng tại sân bay ở trung tâm dầu mỏ Heglig ngày 23/4. Ảnh: AFP/TTXVN |
Nam Xuđăng tuyên bố độc lập khỏi Xuđăng từ năm ngoái trong khuôn khổ Hiệp định hòa bình năm 2005 nhằm chấm dứt hàng thập kỷ nội chiến từng cướp đi sinh mạng của 2 triệu người. Tuy nhiên, vài tuần gần đây, Xuđăng và Nam Xuđăng lại đứng trước nguy cơ chiến tranh toàn diện liên quan đến những tranh chấp chưa giải quyết được về biên giới cũng như nguồn lợi từ dầu mỏ.
Ngày 22/4, quân đội Nam Xuđăng đã hoàn tất việc rút quân khỏi khu vực mỏ dầu Heglig ở Xuđăng mà lực lượng này đã chiếm đóng hơn một tuần qua, tạm chấm dứt cuộc tranh cãi đổ máu giữa hai nước khiến hàng nghìn dân thường phải đi sơ tán. Tuy nhiên, căng thẳng và bạo lực vẫn chưa lắng dịu mà mới nhất là hành động không kích của quân đội Xuđăng.
Trong một phản ứng từ Oasinhtơn, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cho rằng các cuộc không kích của Xuđăng là hành động "khiêu khích và không thể chấp nhận được". Ngoại trưởng Mỹ kêu gọi hai bên nhanh chóng nối lại đối thoại, nhất là trong bối cảnh Nam Xuđăng đã rút khỏi Heglig tạo ra một cơ hội đàm phán.
TTXVN/Tin tức