Làn sóng Hàn Quốc ghi dấu ấn
Squid Game được coi là sản phẩm xuất khẩu văn hóa “đi xa nhất” từ trước đến nay của Hàn Quốc. Chỉ trong 27 ngày kể từ khi công chiếu, bộ phim nhiều tập này thu được tới 111 triệu lượt xem toàn cầu trên nền tảng dịch vụ phát trực tuyến Netflix. Squid Game lúc bấy giờ đã trở thành chương trình ăn khách nhất mọi thời đại của Netflix. Chi phí sản xuất Squid Game chỉ vào khoảng 21,4 triệu USD nhưng bộ phim này mang về cho Netflix tới 900 triệu USD.
Theo đài BBC (Anh), Squid Game đã phơi bày bất công xã hội, cuộc cạnh tranh căng thẳng trong mọi mặt của cuộc sống, chênh lệch thu nhập. Những điều này được lấy cảm hứng từ khủng hoảng kinh tế tại Hàn Quốc nhưng lại khiến người xem toàn thế giới đồng cảm.
Giáo sư dự bị Heo Chul tại Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) đánh giá: “Squid Game là bước ngoặt để làn sóng Hàn Quốc tiếp cận thêm nhiều người trên khắp thế giới”. Trước đó, ngành giải trí Hàn Quốc đã từng khiến thế giới ngỡ ngàng với Parasite - bộ phim nước ngoài đầu tiên giành giải Oscar cho hạng mục Phim nước ngoài xuất sắc nhất.
Mặc dù giá trị xuất khẩu văn hóa của Hàn Quốc vẫn còn khá nhỏ bé so với các ngành then chốt khác nhưng lĩnh vực này lại tạo tầm ảnh hưởng khó có thể đong đếm. Trong tháng 9/2021, từ điển tiếng Anh Oxford thậm chí bổ sung thêm 26 từ mới nguồn gốc từ tiếng Hàn, trong đó có “Hallyu”- làn sóng Hàn Quốc.
Theo tờ New York Times (Mỹ), trước khi Hàn Quốc có Squid Game, trước khi ban nhạc BTS được biểu diễn tại Liên hợp quốc, các bộ phim truyền hình Hàn Quốc như Bản tình ca mùa đông, Nàng Dae Jang Geum, các nhóm nhạc như Bigbang hay Girls’ Generation đã chinh phục được thị trường châu Á.
Sau đó, Hàn Quốc có ca sĩ Psy với bài hát Gangnam Style gây sốt một thời trên YouTube.
Ông Darcy Paquet, nhà phê bình phim tại Seoul, nhận định trên BBC (Anh): “Mọi người đang khám phá các nội dung Hàn Quốc ở mức độ chưa từng có tiền lệ”. Theo ông Paquet, đây là quá trình được hình thành từ 2 thập niên trước.
Chặng đường dài dẫn đến thành công
Sự trỗi dậy mạnh mẽ của Hallyu được xây dựng dựa trên làn sóng Hàn Quốc hình thành từ những năm 1990. Cách đây khoảng 2 thập niên, với mục tiêu đa dạng nền kinh tế, Chính phủ Hàn Quốc đặt tầm ngắm vào đẩy mạnh nền văn hóa. Năm 1994, sách trắng của chính phủ Hàn Quốc nhấn mạnh rằng chỉ riêng bộ phim Công viên kỷ Jura (Jurassic Park) của Hollywood đã thu về khoản lợi nhuận tương đương với việc bán 1,5 triệu xe ô tô Hyundai. Chính phủ Hàn Quốc sau đó hình thành hệ thống phát thanh truyền hình thương mại mới và tạo điều kiện về pháp luật như ban hành Đạo luật Quảng bá phim Hàn Quốc năm 1995.
Giáo sư dự bị Roald Maliangkay tại Đại học Quốc gia Australia phân tích: “Họ nhận ra rằng chỉ một sản phẩm văn hóa tốt cũng mang lại nhiều lợi nhuận và có thể duy trì được kinh tế Hàn Quốc theo cách mà việc bán xe hơi cũng không thể làm được. Do vậy, đầu tư vào văn hóa là cần thiết”.
Sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á và ông Kim Dae-jung nhậm chức Tổng thống năm 1998, Hàn Quốc đã ban hành Luật cơ bản quảng bá ngành văn hóa vào năm 1999 đồng thời dành 148,5 triệu USD cho dự án này. Từ đó đến nay, Chính phủ Hàn Quốc đã “nâng đỡ” lĩnh vực văn hóa bằng giảm thuế, hỗ trợ tài chính, pháp lý…
Nhưng Giáo sư Jin Dal Yong tại Đại học Simon Fraser (Canada) cho rằng không chỉ Chính phủ Hàn Quốc tạo ra Hallyu. Theo ông, Chính phủ Hàn Quốc đã “xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết cho Hallyu phát triển”, còn các nhà sáng tạo và lĩnh vực tư nhân đã đóng vai trò chủ chốt trong phát triển nội dung thu hút. Hai đài truyền hình lớn nhất Hàn Quốc là MBC và KBS đã thành lập bộ phận riêng để phụ trách xuất khẩu các bộ phim mà mình sản xuất ra nước ngoài. Một số tập đoàn lớn của Hàn Quốc như Samsung, Hyundai và Lotte đều đã bắt tay đầu tư vào phim ảnh.
Ca sĩ Lee Soo-man thành lập SM Studio năm 1989 sau đó đổi tên thành SM Entertainment vào đầu năm 1995. Đây được coi là công ty giải trí đã góp phần thay đổi bức tranh âm nhạc Hàn Quốc với những danh ca, nhóm nhạc nổi danh châu lục như BoA, TVXQ, Super Junior, Girls› Generation, Shinee, EXO, Red Velvet… Sauđó, Hàn Quốc có thêm nhiều công ty âm nhạc nổi tiếng như JYP và YG, góp phần không nhỏ cho sự bùng nổ của K-pop với các nhóm nhạc như Wonder Girls, Twice, Big Bang, iKon, Blackpink…
Vào cuối những năm 2000, với sự bùng nổ của mạng xã hội, YouTube đã trở thành lực lượng chính kích hoạt làn sóng Hàn Quốc phát triển và gần đây có thêm vai trò của Netflix.
Thúc đẩy kinh tế, quyền lực mềm
Thành công của Hallyu đã đem nhiều lợi thế về cho Hàn Quốc. Riêng việc xuất khẩu các nội dung văn hóa như phim ảnh, âm nhạc… đã tăng 6,3% và đạt 10,8 tỷ USD trong năm 2020 khi dịch COVID-19 hoành hành nhiều nơi.
Báo cáo vào tháng 10/2020 của Quỹ Giao lưu văn hóa quốc tế Hàn Quốc (KOFICE) cho thấy giá trị xuất khẩu văn hóa nhờ Hallyu năm 2019 đạt 6,4 tỷ USD và tăng gấp đôi so với 3 năm trước.
Ngành du lịch Hàn Quốc cũng được hưởng lợi với lượng du khách nước ngoài đến xử sở kim chi luôn theo chiều hướng tăng trước khi dịch COVID-19 bùng phát. Bên cạnh đó là ngành mỹ phẩm, thời trang và thực phẩm Hàn Quốc cũng được quốc tế biết đến nhiều hơn.
Sau kinh tế, Hàn Quốc còn hưởng lợi về quyền lực mềm nhờ Hallyu. Giáo sư Jin Dal Yong nói: “Hàn Quốc đã có thể xây dựng danh tiếng là nơi thú vị và có văn hóa tiên tiến, thu hút thêm du khách nước ngoài cũng như đầu tư”.