Tại sự kiện này, các nhà lãnh đạo Nhật Bản và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã nhất trí về việc mở rộng quan hệ trong lĩnh vực kinh tế và an ninh. Đồng thời, các nhà lãnh đạo hai bên cũng công bố việc khởi động sáng kiến mới cho ngành công nghiệp ô tô thế hệ tiếp theo nhằm vạch ra các chiến lược giúp ASEAN tiếp tục là trung tâm lớn về sản xuất và xuất khẩu ô tô.
Kết thúc hội nghị, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và các đối tác ASEAN đã đưa ra "Tuyên bố tầm nhìn chung" và kế hoạch thực hiện các lĩnh vực hợp tác trong tương lai. Trong “Tuyên bố tầm nhìn chung”, các nhà lãnh đạo cam kết tăng cường hợp tác về an ninh hàng hải, đảm bảo chuỗi cung ứng, thúc đẩy các hoạt động sử dụng năng lượng bền vững và mở rộng giao lưu nhân dân trong nhiều lĩnh vực.
ASEAN và Nhật Bản cũng nhấn mạnh hợp tác trong lĩnh vực an ninh hàng hải. Nội dung tuyên bố chung nêu rõ: "Tăng cường đối thoại và hợp tác để duy trì an ninh, an toàn hàng hải, trật tự hàng hải trên cơ sở thượng tôn pháp luật, bao gồm tự do, an toàn hàng hải, hàng không và thương mại không bị cản trở". Hai bên sẽ "nâng cao nhận thức về lĩnh vực hàng hải cũng như hợp tác giữa lực lượng bảo vệ bờ biển và các cơ quan thực thi pháp luật liên quan, tăng cường hợp tác xây dựng năng lực hàng hải và đảm bảo giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực theo các nguyên tắc được công nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế".
Bên cạnh đó, hai bên nhất trí hợp tác giải trừ vũ khí và không phổ biến vũ khí hạt nhân, hướng tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân.
Trong các lĩnh vực kinh tế và xã hội, trọng tâm của việc hợp tác sẽ là "cùng tạo dựng". Cả hai bên sẽ tăng cường "kết nối thông qua đầu tư cơ sở hạ tầng chất lượng, phát triển và trao đổi thể chế và nguồn nhân lực", đồng thời sẽ thực hiện các nỗ lực để cải thiện tính bền vững của chuỗi cung ứng.
Giao lưu nhân dân sẽ được tăng cường trên nhiều lĩnh vực, trong đó có văn hóa, thể thao. Trong giáo dục, các chương trình học bổng và trao đổi sinh viên/giáo viên sẽ được mở rộng.
Thúc đẩy số hóa và hợp tác trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, cũng như hỗ trợ đổi mới trong các doanh nghiệp, bao gồm các công ty vừa và nhỏ và các công ty khởi nghiệp, cũng là những lĩnh vực hợp tác được đẩy mạnh. Đây là một sáng kiến nhằm thúc đẩy hơn nữa nền kinh tế ở khu vực được đánh giá phát triển nhanh và hỗ trợ các công ty khởi nghiệp kỹ thuật số cũng như thúc đẩy đầu tư công và tư nhân để đạt được mục tiêu trung hòa carbon.
Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh Tokyo đang tăng cường mối quan hệ với các nước đang phát triển và mới nổi được gọi chung là “Nam bán cầu”, bao gồm các thành viên ASEAN. Nhật Bản coi mối quan hệ với ASEAN là quan trọng về mặt chiến lược. Khu vực này có vị trí tiếp giáp với Biển Đông, nơi có những tuyến đường biển nhộn nhịp nhất thế giới.
Phát biểu trong cuộc họp báo sau khi kết thúc hội nghị, Thủ tướng Kishida khẳng định: “Dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau mạnh mẽ, Nhật Bản và ASEAN sẽ giải quyết những thách thức mới”, đồng thời cho biết thêm ông rất vui vì Nhật Bản và ASEAN sẽ thực hiện “bước tiến mới trong 50 năm tới”.
Trước đó, trong bài viết gửi cho truyền thông ASEAN, Thủ tướng Kishida nhấn mạnh: “Tôi mong muốn được hợp tác chặt chẽ hơn bao giờ hết với người dân ASEAN dựa trên “niềm tin” mạnh mẽ để “cùng tạo dựng” một thế giới hòa bình và ổn định, nơi mọi người có thể sống đúng phẩm giá cũng như có một tương lai bền vững và thịnh vượng”.
Tại cuộc họp báo, Tổng thống Indonesia Joko Widodo, người giữ vai trò đồng chủ tịch hội nghị, cho biết ASEAN và Nhật Bản sẽ duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực đồng thời tuân thủ luật pháp quốc tế.