Ankara tạm ngừng tham gia Công ước châu Âu về Nhân quyền

Thổ Nhĩ Kỳ sẽ theo gương Pháp tạm ngừng tham gia Công ước châu Âu về Nhân quyền sau khi nước này đập tan vụ đảo chính quân sự vừa qua.

Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ trong lễ tang các nạn nhân thiệt mạng trong vụ đảo chính vừa qua tại Ankara ngày 17/7. Ảnh: AFP/TTXVN

Đây là tuyên bố của Phó Thủ tướng Numan Kurtulmus ngày 21/7 trên đài truyền hình NTV. Ông Kurtulmus cũng cho biết tình trạng khẩn cấp ban bố tại Thổ Nhĩ Kỳ kéo dài 3 tháng, nhưng có thể kết thúc sau 45 ngày.

Trước đó, Bộ trưởng Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ Bekir Bozdag cho biết tình trạng khẩn cấp mà nhà chức trách nước này ban bố là nhằm tránh nguy cơ xảy ra một vụ đảo chính quân sự thứ hai.

Phát biểu trước Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ, ông Bozdag cho biết công dân nước này sẽ không cảm thấy bất kỳ sự xáo trộn nào trong đời sống của họ trong thời gian hiệu lực của tình trạng khẩn cấp, đồng thời khẳng định cơ chế này sẽ không tác động tiêu cực tới kinh tế hay vốn đầu tư.

Tối 20/7, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã ban bố tình trạng khẩn cấp, nhấn mạnh rằng lệnh này sẽ cho phép giới chức trách hành động nhanh chóng và hiệu quả hơn trong quá trình đưa những kẻ chịu trách nhiệm về âm mưu đảo chính vừa qua ra xét xử. Ông Erdogan cũng đang có ý định khôi phục án tử hình tại Thổ Nhĩ Kỳ nhằm trừng phạt những kẻ tham gia cuộc đảo chính.

* Ngày 21/7, tòa án thành phố Alexandroupolis, miền Bắc Hy Lạp, đã tuyên phạt hai tháng tù án treo đối với 8 quân nhân Thổ Nhĩ Kỳ đã vượt biên và xin tị nạn chính trị ở nước này sau vụ đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ hồi tuần trước.

Theo hãng tin AFP, các quân nhân này tạm thời vẫn sẽ bị cảnh sát Hy Lạp giam giữ cho đến khi đơn xin tị nạn của họ được tòa án ra phán quyết.

Trong một diễn biến liên quan, tại phiên tòa nói trên, một trong số 8 quân nhân nói rằng người này không muốn trở về Thổ Nhĩ Kỳ do lo ngại về sự an toàn của bản thân, cũng như các vụ bắt giữ của chính quyền Ankara.

Trước đó, ngày 19/7, Thổ Nhĩ Kỳ đã hối thúc Hy Lạp nhanh chóng dẫn độ 8 quân nhân nói trên về nước này để đưa ra xét xử tại một tòa án quân sự, đồng thời cảnh báo vụ việc này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ song phương giữa hai nước. LHQ cũng bày tỏ lo ngại vụ đảo chính vừa qua sẽ ảnh hướng đến tiến trình đàm phán hòa bình trên đảo Síp giữa cộng đồng người Síp gốc Hy Lạp và người Síp gốc Thổ Nhĩ Kỳ.

Một ngày sau vụ đảo chính bất thành hôm 15/7 vừa qua, 8 quân nhân Thổ Nhĩ Kỳ trên một máy bay trực thăng quân sự đã hạ cánh xuống sân bay thành phố thành phố Alexandroupolis, gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Hiện cả 8 người này, gồm 3 thiếu tá, 3 đại úy và 2 trung sĩ, đều nộp đơn xin tị nạn tại Hy Lạp. Chính phủ Hy Lạp cho biết sẽ xem xét kỹ vụ việc, đồng thời khẳng định tiến trình sẽ diễn ra theo đúng luật pháp quốc tế và các hiệp ước về quyền con người.

TTXVN/Tin Tức
Hé lộ nguyên nhân Thổ Nhĩ Kỳ ban bố tình trạng khẩn cấp
Hé lộ nguyên nhân Thổ Nhĩ Kỳ ban bố tình trạng khẩn cấp

Tình trạng khẩn cấp mà giới chức Thổ Nhĩ Kỳ ban bố là nhằm tránh nguy cơ xảy ra một vụ đảo chính quân sự thứ hai.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN