Ấn Độ cân nhắc nối lại xuất khẩu vaccine ngừa COVID-19

Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, Ấn Độ đang xem xét sớm nối lại công tác xuất khẩu vaccine COVID-19, chủ yếu là sang thị trường châu Phi, trong bối cảnh đa số người trưởng thành ở nước này đã hoàn tất tiêm chủng ngừa COVID-19 và nguồn cung vaccine đã gia tăng.

Chú thích ảnh
Nghiên cứu viên bào chế vaccine phòng COVID-19 tại phòng thí nghiệm của Viện sản xuất vaccine lớn nhất Ấn Độ ở Pune. Ảnh tư liệu: REUTERS/TTXVN

Ấn Độ - nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới - đã ngừng xuất khẩu vaccine từ tháng 4 vừa qua để tập trung cho chiến dịch tiêm chủng trong nước, trong bối cảnh làn sóng thứ hai của dịch COVID-19 bùng phát. Chính phủ Ấn Độ đặt mục tiêu tiêm chủng cho toàn bộ 944 triệu người trưởng thành vào tháng 12 tới. Tính đến thời điểm hiện tại, 61% dân số Ấn Độ đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa COVID-19. 

Trước khi ngừng xuất khẩu vaccine, Ấn Độ đã tặng hoặc bán 66 triệu liều vaccine cho gần 100 quốc gia. Nước này đã đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng từ tháng trước, đặc biệt là khi nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, Viện Huyết thanh Ấn Độ, đã tăng hơn gấp đôi sản lượng vaccine của AstraZeneca NSE 0,33% lên 150 triệu liều một tháng so với mức tháng 4.

Việc Ấn Độ cân nhắc nối lại xuất khẩu vaccine ngừa COVID-19 diễn ra trước thềm chuyến thăm của Thủ tướng Narendra Modi tới Washington vào tuần tới, nơi chủ đề vaccine có thể sẽ được thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm QUAD (gồm Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia). Theo một số nguồn tin, Ấn Độ muốn hỗ trợ châu Phi trong vấn đề vaccine và mô hình hoạt động phòng ngừa COVID-19.

Liên minh châu Phi (AU) ngày 14/9 chỉ trích các nhà sản xuất đã không cho châu lục này cơ hội công bằng để mua vaccine, đồng thời hối thúc các quốc gia sản xuất vaccine - đặc biệt là Ấn Độ - dỡ bỏ các hạn chế về xuất khẩu vaccine.

Số liệu thống kê cho thấy châu Phi chỉ chiếm 2% trong số 5,7 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 được tiêm phòng trên thế giới tính đến thời điểm này. 

* Cũng liên quan công tác tiêm phòng, Bộ Y tế Bồ Đào Nha ngày 15/9 thông báo đã tiêm chủng đầy đủ cho 80% dân số, cụ thể là 8,2 triệu người trên tổng dân số trên 10 triệu người. 

Trong bối cảnh Bồ Đào Nha hiện là một trong những nước có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới, chính quyền nước này đã dần dần loại bỏ hầu hết các hạn chế phòng ngừa dịch COVID-19. Kể từ ngày 14/9, người dân nước này không bắt buộc đeo khẩu trang khi ra ngoài trời.

Tuy nhiên, Tổng cục Y tế Bồ Đào Nha vẫn khuyến cáo nên đeo khẩu trang trong trường hợp tụ tập đông người hoặc khi không thể tuân thủ giãn cách xã hội. Các cửa hàng, nhà hàng và rạp hát được mở cửa trở lại. Làm việc tại nhà sẽ không còn bị bắt buộc. Lệnh giới nghiêm ban đêm ở những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất sẽ được dỡ bỏ.

Quốc gia Nam Âu này triển khai tiêm chủng ngừa COVID-19 cho đối tượng trên 12 tuổi. Theo Bộ Y tế Bồ Đào Nha, hầu như 100% số người trên 65 tuổi và 50% những người trong độ tuổi 12-17 ở nước này đã được tiêm phòng đầy đủ.

Tiến Hiến - Thanh Phương (TTXVN)
Hãng hàng không quốc gia Indonesia sẽ cắt giảm mạnh đội máy bay
Hãng hàng không quốc gia Indonesia sẽ cắt giảm mạnh đội máy bay

Hãng hàng không quốc gia Indonesia Garuda được cho là đang lên kế hoạch cắt giảm một lượng lớn máy bay thân rộng khỏi đội máy bay của mình, đồng thời giữ lại hàng chục máy bay thân hẹp để tập trung vào hãng bay giá rẻ Citilink.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN