Tuy nhiên, tuyên bố ngày 28/1 của Alstom cho biết hiện chưa rõ gói đề xuất mới có đủ để xóa bỏ nghi ngại của giới chức Liên minh châu Âu (EU) hay không.
Ngày 27/1, Ủy viên phụ trách vấn đề cạnh tranh của EU Margrethe Vestager cho biết các văn phòng chức năng đang xem xét những đề xuất do Siemens và Alstom đưa ra trong văn bản mới gửi lên. Quyết định cuối cùng có thể đưa ra vào ngày 6/2 tới, trước thời hạn chót 18/2.
Kế hoạch sáp nhập của Alstom và Siemens nhằm tạo ra công ty đường sắt lớn thứ hai thế giới, với tổng doanh thu lên tới 15,6 tỷ euro (khoảng 17,8 tỷ USD)/năm. Tuy nhiên, thỏa thuận này vấp phải những quan ngại từ giới chức châu Âu cho rằng sự xuất hiện của một "người khổng lồ" như vậy có thể ảnh hưởng tới tính cạnh tranh của thị trường.
Siemens và Alstom đã lập luận rằng thương vụ sáp nhập sẽ giúp hai bên có thể dễ dàng "tập hợp lực lượng" để cạnh tranh với đối thủ đến từ Trung Quốc - công ty quốc doanh CRRC, hiện là tập đoàn đường sắt lớn nhất thế giới. Dù vậy, giới chức EU nhấn mạnh họ quan tâm tới lợi ích của người tiêu dùng hơn là một cuộc ganh đua giữa các "ông lớn" trên thị trường.
Các cơ quan phụ trách vấn đề cạnh tranh tại Đức, Anh, Tây Ban Nha, Hà Lan và Bỉ đã đồng loạt cảnh báo về vụ sáp nhập. Tuy nhiên, chính phủ Đức và Pháp lại ủng hộ bước đi này và cho rằng ngăn cản thương vụ của Siemens - Alstom sẽ là một "sai lầm chiến lược".
Theo một nguồn tin giấu tên, để giúp kế hoạch sáp nhập trở nên "hấp dẫn" hơn trong mắt giới chức châu Âu, hai công ty đang dự định tăng thời hạn chia sẻ công nghệ tàu cao tốc của Siemens tại châu Âu lên 10 năm thay vì 5 năm như tính toán ban đầu.