Ai Cập nỗ lực giải quyết khủng hoảng

Ngày 7/2 (giờ Việt Nam), Phó Tổng thống Ai Cập Omar Suleiman đã đàm phán với đại diện các phe phái đối lập và lực lượng biểu tình nhằm tiến tới thiết lập một cuộc đối thoại quốc gia để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị đã khiến ít nhất 300 người thiệt mạng và hàng ngàn người khác bị thương tại nước này.

Những người biểu tình phản đối chính phủ Ai Cập nằm nghỉ bên một chiếc xe tăng bỏ không ở quảng trường Tahrir. Ảnh: AFP – TTXVN


Phóng viên TTXVN tại Cairô cho biết, nhiều đảng phái chính trị và người biểu tình đã chấp nhận ý kiến về việc Tổng thống Hosni Mubarak sẽ duy trì quyền lực cho đến hết nhiệm kỳ vào tháng 9/2011 và không tiếp tục tham gia tranh cử "nhằm đảm bảo một cuộc chuyển giao quyền lực hòa bình thông qua các cuộc bầu cử tự do và công bằng".


Một ủy ban gồm các thẩm phán và chính khách sẽ nghiên cứu và đề xuất những sửa đổi hiến pháp và luật pháp cần thiết trước tuần đầu tiên của tháng 3/2011. Các bên cũng nhất trí thành lập một ủy ban tiếp nhận những khiếu nại về tù nhân chính trị, dỡ bỏ những hạn chế đối với giới truyền thông, dỡ bỏ lệnh về tình trạng khẩn cấp khi tình hình an ninh được cải thiện, đồng thời loại bỏ bất cứ can thiệp nào từ bên ngoài.

Cuộc sống ở thủ đô Cairô bắt đầu có dấu hiệu tạm trở lại bình thường với những hàng người xếp hàng trước một số ngân hàng mới mở cửa trở lại. Bộ Nội vụ Ai Cập cho biết cảnh sát đã được triển khai thay thế quân đội vốn được huy động từ ngày 28/1 để bảo vệ tài sản nhà nước và tư nhân trong những cuộc biểu tình. Ngân hàng trung ương Ai Cập xác nhận tài khoản của khách hàng vẫn an toàn.


Tuy nhiên, đa phần người dân không thể rút tiền từ ngân hàng do phải chờ đợi quá lâu trong khi các máy rút tiền tự động luôn trong tình trạng cạn tiền hoặc bị cướp phá. Các trường học và một số cửa hàng đã mở cửa nhưng giá thực phẩm tăng vọt. Giao thông công cộng cũng bắt đầu phục vụ khách trở lại với tình trạng tắc đường nặng nề ở thủ đô.

Tuy nhiên, các nhóm thanh niên đứng đằng sau cuộc nổi dậy của phe đối lập đã thành lập một liên minh và khẳng định sẽ không chấm dứt hoạt động chiếm giữ quảng trường Tahrir cho đến khi 7 yêu sách của họ được đáp ứng, trong đó yêu sách chính là việc Tổng thống Mubarak phải từ chức.


Trong khi đó, Ngoại trưởng Ai Cập Ahmed Aboul Gheit tuyên bố nước này từ chối những lời kêu gọi thực hiện chuyển tiếp chính trị có trật tự và nhanh chóng mà nhiều nước phương Tây đưa ra.

Thanh Bình (P/v TTXVN tại Ai Cập) - Quang Minh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN