Bộ Dầu mỏ và Tài nguyên Khoáng sản Ai Cập cho biết, nước này đã bắt đầu triển khai kế hoạch mở rộng cảng dầu El-Hamra - nằm bên bờ Địa Trung Hải thuộc vùng El-Alamein, cách thành phố Alexandria 120km - bằng cách bổ sung 4 bể chứa dầu, với mỗi bể có dung tích 630.000 thùng. Kế hoạch mở rộng sẽ đưa tổng công suất chứa dầu của cảng El-Hamra lên 5,3 triệu thùng.
Theo Bộ trưởng Dầu mỏ và Tài nguyên Khoáng sản Ai Cập Tarek El Molla, kế hoạch mở rộng này là nhằm đưa cảng dầu El-Hamra trở thành trung tâm lưu thông dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ chiến lược trên bờ Địa Trung Hải. Cảng El Hamra hiện có 6 bể chứa và một phao neo tàu duy nhất để bốc dỡ hàng hóa. Cảng được xây dựng để xử lý dầu thô được khai thác từ khu vực Sa mạc phía Tây của Ai Cập.
Cảng dầu El-Hamra có vị trí đắc địa trên bờ Địa Trung Hải, do đó nó có thể trở thành một lựa chọn thay thế của Nga giữa lúc Moskva đang đối mặt các lệnh trừng phạt của phương Tây. Theo dữ liệu theo dõi tàu của Bloomberg, một tàu vận chuyển khoảng 700.000 thùng dầu của Nga đã cập cảng El Hamra của Ai Cập vào sáng sớm 24/7. Vài giờ sau đó, một tàu khác đã tới tiếp nhận lô hàng này từ cảng El Hamra, trong đó có thể bao gồm một số hoặc toàn bộ lượng dầu nói trên của Nga. Bloomberg cho rằng động thái bất thường này khiến điểm đến cuối cùng của lô hàng khó được theo dõi hơn, và hoạt động của các tàu vận chuyển dầu Nga ngày càng được khó được xác định hơn, giữa lúc các khách hàng châu Âu bắt đầu xa lánh dầu mỏ của Nga sau khi nổ ra cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Lệnh cấm của Liên minh châu Âu (EU) đối với dầu mỏ của Nga sẽ có hiệu lực vào cuối năm nay, làm gia tăng áp lực đối với Moskva trong việc xác định và tìm kiếm các cách thức thay thế để vận chuyển dầu tới khách hàng. Trang web "Oil Price" của Mỹ cho hay cảng dầu El Hamra bên bờ Địa Trung Hải của Ai Cập đã trở thành tuyến đường vận chuyển dầu mới của Nga, đồng thời cho rằng Ai Cập đang muốn biến cảng El Hamra thành "trung tâm kinh doanh dầu mỏ toàn cầu".
Bên cạnh đó, Ai Cập cũng đang quyết tâm trở thành nhà sản xuất và xuất khẩu năng lượng xanh chủ chốt trong khu vực. Thông qua các thỏa thuận có tổng trị giá lên tới 40 tỷ USD ký với các công ty quốc tế, nhiều dự án sản xuất hydro xanh dự kiến sẽ được triển khai trong Khu Kinh tế Kênh đào Suez của Ai Cập vào năm 2030.