75 năm chiến thắng phát xít: Những bài ca vượt qua lửa đạn - Bài cuối: Niềm tin xua đi 'Đêm tối'

Rất nhiều bộ phim về chiến tranh của Liên Xô là bối cảnh để những bài hát thực sự lay động lòng người xuất hiện.

Chú thích ảnh
Bản viết tay bài thơ “Đêm tối” và nhà thơ Vladimir Agatov. 

Một sáng tác như vậy là bài hát “Đêm tối” trong bộ phim “Hai người bạn chiến đấu” ra đời năm 1943. Thậm chí, vượt ra ngoài bộ phim, bài hát vẫn sống mãi trong lòng người dân Nga như một bản ballad trữ tình bất hủ mà người lính dành cho những người thân yêu. Đó cũng là biểu tượng của tình yêu, của niềm tin trong những ngày chiến tranh ác liệt nhất.

Giữa năm 1942, thành phố Kiev bị Đức chiếm đóng, xưởng phim Kiev phải chuyển về Tashkent. Tại trường quay ở Tashkent, các đạo diễn và đội ngũ làm phim có nhiệm vụ sáng tạo những tác phẩm ca ngợi người lính nơi tiền tuyến. Trong bối cảnh những cảnh quay súng nổ, đạn réo và các trận chiến, bỗng nhiên xuất hiện một ý tưởng phim hoàn toàn mới. Đạo diễn Leonid Lukov muốn sản xuất bộ phim nói về các mối quan hệ, tình cảm của người lính ngoài mặt trận. Và bộ phim “Hai người bạn chiến đấu” được khởi quay năm 1943. 

Trong quá trình quay phim, đạo diễn Leonid Lukov đã gặp khó khăn khi thể hiện cảnh quay người lính viết một lá thư về nhà. Sau nhiều nỗ lực không thành công, ông nảy ra ý tưởng rằng một bài hát do diễn viên trong phim thực hiện sẽ truyền tải tốt nhất cảm xúc người lính viết thư cho người thân. Ngay lập tức, ông  liên hệ với bạn nối khố, nhạc sĩ Nikita Bogoslovsky và nhà thơ Vladimir Agatov. Nhà soạn nhạc Bogoslovsky sau này kể lại rằng đạo diễn Lukov đến gặp ông vào buổi tối và nói: “Cậu hiểu không, không thể thực hiện được cảnh quay trong căn hầm mà thiếu một bài hát”. 

Và với người đạo diễn đầy tính nghệ thuật, với những màu sắc diễn tả cảnh phim và bài hát trong đầu, điều kỳ diệu đã xảy ra: nhạc sĩ Bogoslovsky ngồi xuống cây đàn piano và chơi toàn bộ giai điệu tác phẩm chưa ra đời này. Đây là trường hợp thực sự độc đáo trong sự nghiệp của nhạc sĩ vì chỉ trong vài phút, ông đã sáng tác xong giai điệu trong tương lai sẽ được người dân toàn Liên Xô yêu thích. Ngay lập tức, hai người gọi điện cho nhà thơ Vladimir Agatov, người cũng đến ngay lập tức và ngồi xuống bàn, đến sáng, Agatov đã viết song những vần thơ không phải sửa một từ cho giai điệu đã chuẩn bị sẵn.

Diễn viên Mark Bernes trong vai nhân vật chính của bộ phim Arkady Dzyubin, vốn là người thường khó học thuộc và thể hiện nhiều bài hát, chỉ mất 15 phút để chuẩn bị bài “Đêm tối”, sau một đêm quay phim không ngủ. Trước khi thu âm bài hát, một sự cố đã xảy ra: dù cả nhóm thực hiện đã tập trung đầy đủ song không thể vào phòng thu âm vì cửa bị khóa. Không nghĩ nhiều, họ phá khóa cửa phòng thu và ghi bản hit mà cho đến tận ngày nay vẫn vang lên đầy xúc động. Ngay sáng hôm sau, cảnh trong căn hầm được quay trong tiếng nhạc của bài hát mới và hoàn tất ngay trong đúp quay đầu tiên.

Diễn viên Bernes thể hiện “Đêm tối” trong bối cảnh ban đêm với cây đàn guitar, trong một căn hầm ở tiền phương dưới trời mưa nặng hạt, xung quanh anh là các đồng đội cùng chung chiến hào và nó trở thành bài hát được yêu thích và phổ biến nhất sáng tác trong những năm tháng Chiến tranh Thế giới thứ Hai. Bài hát chuyển tải chính xác những cảm xúc sâu đậm mà những người lính đã trải qua trong năm tháng chiến tranh khốc liệt: cảm giác yêu thương dành cho gia đình, cũng như cảm giác biết ơn vô hạn đối với người thân tại hậu phương luôn kiên nhẫn ủng hộ họ với niềm tin ngày chiến thắng, họ sẽ trở về. Chất giọng của Mark Bernes trong bài hát thực sự đã đi vào lòng người, thể hiện cảm xúc sâu lắng, chân thành.

Ngôn từ và mô típ trong “Đêm tối” khá đơn giản, và có lẽ đó là lý do nó chạm đến trái tim hàng triệu người. Sau khi bộ phim được chiếu trên màn ảnh, bài hát này đã vang lên trên các chiến tuyến, chiến hào, trong quân y viện và tại các địa điểm hát ngẫu hứng ngoài tiền phương. Tại hậu phương, vợ những người lính ru con bằng giai điệu này, lặp đi lặp lại lời ước trong bài hát:  “Ôi anh yêu đôi mắt sâu thẳm dịu dàng của em. Và mong ước có thể đặt bờ môi lên đó" khi nghĩ về những người cha, người con và người chồng  ngoài chiến tuyến. Còn ở tiền tuyến, những người lính trước mỗi trận đấu sinh tử, lòng lại ngân lên:
    " Anh tin em, người bạn đường thân yêu của anh
      Niềm tin đó che chở cho anh trong đêm tối trước lửa đạn 
      Anh hân hoan, bình thản bước vào trận chiến sinh tử,
      Vì biết em và tình yêu vẫn chờ anh, dù điều gì xảy ra"... 

Với vai diễn trong bộ phim “Hai người bạn chiến đấu", diễn viên Bernes đã được Chính phủ Liên Xô trao tặng Huân chương Sao đỏ cao quý, trong khi thành phố Odessa vinh danh ông là "Công dân danh dự thành phố". Với ông, "Đêm tối" không chỉ là giây phút đỉnh cao nghệ thuật và không chỉ là chiến thắng nghệ thuật, mà nó đã giành được chiến thắng trong trái tim mọi người. Ngoài phần trình diễn nguyên bản trong bộ phim “Hai người bạn chiến đấu”, ông còn thực hiện thêm 5 bản ghi âm bài hát, bản ghi âm cuối cùng được thực hiện năm 1967.

Câu chuyện thú vị với bài hát “Đêm tối” không dừng lại ở đó. Khi bài hát được ghi đĩa, lô đĩa đầu tiên đã có lỗi do tiếng sột soạt trong bản ghi mà trên thực tế là những giọt nước mắt của một nhân viên phòng thu, người đã không thể kiềm chế nổi xúc động khi nghe hát. Mặc dù thực tế đã gây ra thiệt hại, cô gái trong phòng thu âm đã không bị buộc tội làm hỏng việc vì tác giả Nikita Bogoslovsky rất hài lòng khi bài hát đã chạm vào trái tim nhiều người.

Chú thích ảnh
Áp phích phim “Hai người bạn chiến đấu”.

“Đêm tối” là một trong những bài hát kinh điển nhất về cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại và nó không hề bị lãng quên. Trong những năm qua, hàng loạt  nghệ sĩ Nga nổi tiếng đã thể hiện bài hát này. Theo kết quả của một cuộc khảo sát được tạp chí “Phóng viên Nga” thực hiện năm 2015, lời bài hát “Đêm tối” xếp thứ 25 trong danh sách 100 bài thơ nổi tiếng nhất ở Nga và là một trong những bài thơ kinh điển không chỉ của Nga mà của thế giới.

Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại đã lùi xa 75 năm, cùng với "Cuộc chiến tranh thần thánh" hay "Đêm tối", rất nhiều bài hát thời kỳ ấy, thậm chí, những bài hát không được sáng tác đúng trong thời kỳ 1941-1945 nhưng viết về cuộc chiến đấu thiêng liêng bảo vệ Tổ quốc của quân và dân Liên Xô, vẫn được các thế hệ ngày nay hát mãi, để cùng nhớ lại và suy nghĩ. Đó là "Đàn sếu", "Trận đánh cuối cùng", "Kachiusa", "Tổ quốc bắt đầu từ đâu"... - những giai điệu vượt qua chiến tranh, những giai điệu như những bản hùng ca, nhắc nhở về quá khứ đầy tự hào của một thời mà không ai và không điều gì có thể bị lãng quên.

Bài và ảnh: Duy Trinh (Phóng viên TTXVN tại LB Nga)
Chiến dịch Berlin - Đòn kết liễu của Hồng quân Liên Xô đối với phát xít Đức
Chiến dịch Berlin - Đòn kết liễu của Hồng quân Liên Xô đối với phát xít Đức

Quân đội Liên Xô đã mở chiến dịch tấn công vào sào huyệt của Đức Quốc xã trong khi phần còn lại của lực lượng Đồng minh vẫn ở cách Berlin trên 100km.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN