Ngày 7/8, Chính phủ Nhật Bản cho biết ước tính mỗi ngày có ít nhất 300 tấn nước ngầm nhiễm phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 có thể đã chảy ra vùng biển Thái Bình Dương gần nhà máy.Ít nhất 300 tấn nước ngầm nhiễm phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 có thể đã chảy ra vùng biển Thái Bình Dương. Ảnh: Internet. |
Phát biểu trong một cuộc họp báo, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho rằng chính phủ cần xúc tiến hỗ trợ tài chính cho kế hoạch của Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) làm "đóng băng" vùng đất quanh khu lò phản ứng tại nhà máy Fukushima số 1 nhằm ngăn chặn nước nhiễm xạ ứ đọng nhiều hơn.
Theo kế hoạch này, các ống dẫn chất lỏng làm nguội sẽ được lắp quanh lò phản ứng số 1 và số 4 để làm "đóng băng" vùng đất quanh các lò bị rò rỉ. Dự án ước tính tiêu tốn hàng chục tỉ USD.
Theo một quan chức thuộc Cơ quan Năng lượng và Tài nguyên Thiên nhiên Nhật Bản, nếu kế hoạch trên được thực hiện cùng với các biện pháp khác, lượng nước nhiễm xạ chảy ra biển có thể giảm xuống còn 60 tấn/ngày.
Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đang xem xét chi phí cho kế hoạch này trong đề xuất ngân sách năm tài khóa 2014. Nếu đề nghị được thông qua, đây sẽ là khoản hỗ trợ đầu tiên của chính phủ giúp TEPCO giải quyết vấn đề nước ngầm bị nhiễm xạ rò rỉ tại khu lò phản ứng trong nhà máy.
Đến nay, chính phủ Nhật Bản chỉ hỗ trợ tài chính cho việc nghiên cứu và phát triển liên quan tới việc ngừng hoạt động những lò phản ứng bị rò rỉ phóng xạ trong nhà máy Fukushima do hậu quả của thảm họa động đất, sóng thần gây ra hồi tháng 3/2011.
Vài tuần ngay sau khi thảm họa này, Chính phủ Nhật Bản đã cho phép TEPCO xả hàng chục nghìn tấn nước nhiễm phóng xạ ra Thái Bình Dương trong một hành động khẩn cấp, nhưng việc này đã gây dư luận chỉ trích từ các nước láng giềng cũng như ngư dân. Kể từ đó, TEPCO cam kết sẽ không cho thải nước bị nhiễm phóng xạ chảy ra ngoài nếu không được cư dân địa phương cho phép.
T.N