13 nghị sĩ châu Âu ‘bất cẩn’ bấm nhầm nút khi bỏ phiếu sửa đổi luật

Một cuộc bỏ phiếu cân nhắc sửa đổi Điều 11 và 13 trong Luật bản quyền đã thất bại tại Nghị viện châu Âu bởi số phiếu chống chỉ nhỉnh số phiếu ủng hộ có 5.

Chú thích ảnh
Thành viên Nghị viện châu Âu tham gia cuộc bỏ phiếu cải cách luật bản quyền EU ngày 26/3. Ảnh: REUTERS

Theo kênh truyền hình RT, các thành viên thuộc Nghị viện châu Âu (EP) ngày 26/3 đã bỏ phiếu bác bỏ những sửa đổi gây tranh cãi có thể dẫn đến việc cắt giảm hoặc thậm chí loại bỏ hoàn toàn Điều 11 và Điều 13 khỏi Luật bản quyền mới cập nhật của Liên minh châu Âu (EU).

Kết quả được công bố có 317 phiếu chống và 312 phiếu ủng hộ sửa đổi.

Tuy nhiên, sau đó, đã có tổng cộng 13 nghị sĩ lên tiếng hiệu chỉnh việc bỏ phiếu của mình. Theo quy định hướng dẫn bỏ phiếu của Nghị viện châu Âu, các nhà lập pháp có thể hiệu chỉnh lá phiếu của mình, song điều này sẽ không thay đổi kết quả thực sự mà đã được công bố ngay sau khi hoàn thành bỏ phiếu.

13 nghị sĩ “bấm nhầm” đều cho biết họ không có ý chọn phương án mà mình đã bấm nút. 10 người bày tỏ họ muốn bỏ phiếu ủng hộ sửa đổi, nhưng đã bấm nhầm thành nút phản đối, trong khi đó hai thành viên thì ngược lại và một nhà lập pháp muốn bỏ phiếu trắng.

Bà Marietje Schaake, nghị sĩ thuộc Đảng Liên minh Dân chủ và Tự do cho châu Âu, đã bày tỏ những tiếc nuối về sự bất cẩn của 13 thành viên EP nói trên. Bà cho rằng những “lá phiếu” mới cần phải được phép tính vào, cho phép cuộc thảo luận sửa đổi luật được diễn ra, và từ đó có thể mở đường cho việc điều chỉnh hoặc xóa bỏ Điều 11 – Điều 13 ra khỏi Luật bản quyền.

Đảng Dân chủ Thụy Điển, có hai nhà lập pháp ấn nhầm nút phản đối sửa đổi, đã ra một tuyên bố về tình huống này. Đảng này cho hay các nghị sĩ đã bị sự đổi mới trong cách thức bỏ phiếu làm cho bối rối trong phiên họp.

“Hôm nay, chúng tôi có 3 lần bỏ phiếu bấm nút liên quan tới cải cách Luật bản quyền. Trong một lần bỏ phiếu, chúng tôi đã bấm nhầm nút. Đáng nhẽ chúng tôi có thể chọn bỏ phiếu xóa bỏ Điều 13”, Đảng Dân chủ Thụy Điển đề cập trong một tuyên bố.

Tuy nhiên, một vài người cho rằng thật khó tin khi có nhiều nghị sĩ bất cẩn như vậy trong một cuộc bỏ phiếu quan trọng. Họ cho rằng rất có thể các nghị sĩ không muốn bị chỉ trích quá nhiều với sự lựa chọn ban đầu của mình.

Luật mới được thông qua đã nhận được sự hưởng ứng từ các nhà xuất bản và hãng thu âm lớn, song lại không được lòng cộng đồng mạng. Nhiều cư dân mạng lo ngại các điều luật được giữ nguyên trong Luật bản quyền sẽ “giết chết” sự tự do sáng tạo trên các nền tảng như Facebook, Youtube, Twitter… vì nội dung có thể bị xóa do vi phạm bản quyền.

Cụ thể, Điều 11 còn có tên gọi khác là “thuế đường dẫn” (link tax) yêu cầu các blogger hoặc một website giám sát truyền thông muốn chia sẻ đường dẫn hay lấy nguồn phải xin phép chủ tác quyền.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức
Mất quyền kiểm soát Brexit, Thủ tướng Anh sẽ hành động gì tiếp theo?
Mất quyền kiểm soát Brexit, Thủ tướng Anh sẽ hành động gì tiếp theo?

Tối 25/3, Thủ tướng Anh Theresa May phải chịu một cú giáng nặng vào quyền lực, khi cuối cùng bà bị mất quyền kiểm soát Brexit vào tay Hạ viện.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN