Các quan chức an ninh Libya cho biết ngày 27/7, khoảng 1.200 tù nhân đã trốn thoát khỏi một nhà tù gần thành phố Benghazi ở miền đông nước này.Xe cảnh sát xuất hiện tại nơi người dân Libya tụ tập ngày 14/1 tại Benghazi. Ảnh: AFP |
Vụ việc trên đây xảy ra tại nhà tù Koyfiya trong bối cảnh nhiều người biểu tình tấn công các văn phòng của các chính đảng thuộc phe Hồi giáo ở các thành phố lớn của Libya. Các nhân chứng cho biết một số tay súng giấu mặt đã tấn công vào nhà tù từ bên ngoài trong khi một số tù nhân quá khích đã phóng hỏa từ bên trong gây ra tình trạng náo loạn tại đây trước khi các tù nhân trốn thoát.
Một quan chức an ninh giấu tên tại nhà tù Koyfiya đã xác nhận vụ việc và cho biết hầu hết các phạm nhân bị giam giữ tại nhà tù này đã bị kết án với các tội danh nghiêm trọng, nhiều người trong số đó có liên hệ với chính quyền của cựu Tổng thống Muammar Gaddafi bị lật đổ hồi năm 2011. Nguồn tin cảnh sát xác nhận họ được lệnh không bắn vào những kẻ vượt ngục, bao gồm cả một số người nước ngoài, và đã truy bắt được một số tù nhân sau khi vụ việc xảy ra. Một nhân viên an ninh giấu tên xác nhận có ba kẻ vượt ngục đã bị thương trong các cuộc truy bắt.
Trong khi đó, truyền thông địa phương cùng ngày cho rằng vụ tấn công có thể bắt nguồn từ việc một số người dân sinh sống trong khu vực này trước đó đã phản đối hoạt động của nhà tù nằm quá gần với các khu dân cư. Tuy nhiên, phía chính quyền hiện chưa đưa ra bình luận nào về nguyên nhân vụ việc.
Phát biểu trên truyền hình ngay sau vụ vượt ngục trên đây xảy ra, Thủ tướng Libya Ali Zeidan tuyên bố tất cả các tù nhân trốn thoát sẽ bị truy nã trên toàn quốc, đồng thời ông đã ra lệnh đóng cửa biên giới nước này với Ai Cập.
Cũng trong ngày 27/7, hàng nghìn người biểu tình đã tập trung tại hai thành phố Benghazi và Tripoli của Libya để phản đối vụ giết hại nhà hoạt động chính trị Adessalem al-Mesmari, một luật sư chống Hồi giáo và đấu tranh cho một nhà nước Libya dân chủ, tại thành phố Benghazi hôm 26/7. Những người biểu tình cáo buộc Tổ chức Anh em Hồi giáo đứng sau vụ ám sát nói trên và gây ra làn sóng bạo lực ở miền đông nước này, đồng thời cho rằng chính quyền đã không phản ứng kịp thời trước tình trạng bạo lực gần đây leo thang. Hàng trăm người đã xông vào đập phá trụ sở của hai đảng thuộc phe Hồi giáo là đảng Công bằng và Xây dựng (PJC) và đảng Lực lượng liên minh quốc gia (NFA) tại hai thành phố này.
Gần hai năm sau khi Tổng thống Gaddafi bị lật đổ, Libya vẫn chưa khôi phục được ổn định và phát triển do sự yếu kém của bộ máy chính phủ trong khi nhiều nhóm vũ trang chống đối địa phương tìm mọi cách gây ra tình trạng bất ổn trên khắp đất nước.
TTXVN/Tin tức