10 ứng viên tranh cử Tổng thống Pháp

Giai đoạn đầu quan trọng trong cuộc đua giành chiếc ghế Tổng thống Pháp đã kết thúc tối 16/3 với việc các ứng cử viên hoàn tất quy trình nộp danh sách gồm 500 chữ ký ủng hộ của các chính khách, quan chức chính quyền theo luật định. Danh sách chính thức các ứng cử viên tham gia tranh cử Tổng thống Pháp sẽ được công bố ngày 19/3 sau khi được Hội đồng Hiến pháp xem xét, kiểm tra tính hợp pháp của danh sách chữ ký cử tri.

Tính đến nay đã có 10 ứng cử viên nộp đủ danh sách 500 chữ ký ủng hộ. Trong đó, 9 ứng cử viên thuộc các đảng phái truyền thống như Liên minh vì phong trào nhân dân (UMP) là Tổng thống đương nhiệm Nicolas Sarkozy, đảng Xã hội (PS) với ứng cử viên François Hollande, đảng Mặt trận dân tộc (FN) với đại diện là ông Marine Le Pen cùng các chính đảng khác là Phong trào Dân chủ (Modem), Mặt trận cánh tả, đảng Sinh thái châu Âu-đảng Xanh (EEVL), phong trào Thức tỉnh nền Cộng hòa, Công nhân đấu tranh (LO), đảng Chống chủ nghĩa tư bản mới (NPA). Ứng cử viên thứ 10, Jacques Cheminade, được xem là nhân vật có đường lối cánh tả, từng là ứng cử viên Tổng thống Pháp năm 1995. Các ứng cử viên còn lại gồm cựu Thủ tướng Dominique de Villepin và Jean-Marc Governatori thuộc Liên minh sinh thái độc lập do không tập hợp đủ số phiếu ủng hộ nên đã tuyên bố từ bỏ cuộc đua.

Dư luận Pháp hiện vẫn tập trung quan tâm đến cuộc đua tranh cử Tổng thống giữa hai ứng cử viên hàng đầu François Hollande và Tổng thống đương nhiệm Nicolas Sarkozy.


Ông François Hollande (giữa), ứng cử viên của Đảng Xã hội cho cuộc bầu cử tổng thống năm 2012, trả lời phỏng vấn báo chí. Ảnh: AFP/TTXVN .



Trong ngày 16/3, ông Hollande đã đến Strasbourg để nói về chính sách liên quan đến các đô thị và vùng ngoại ô. Tại đây, ông Hollande đã đề nghị thành lập Bộ Bình đẳng lãnh thổ, với một loạt các biện pháp được đưa ra như áp dụng hình thức thực tập bắt buộc đối với các bác sĩ đang trong quá trình đào tạo tại các khu vực nghèo khó; miễn giảm thuế đối với các doanh nghiệp tuyển dụng lao động trẻ ở các khu vực ngoại ô gặp khó khăn; phổ cập hóa chính sách ưu đãi sử dụng phương tiện công cộng cho người nghèo; đánh thuế cao đối với các loại nhà không có người ở nhằm tránh hiện tượng đầu cơ và thuế nhằm vào các giao dịch chuyển nhượng đất xây dựng.

Trong khi đó, Tổng thống đương nhiệm Sarkozy đã đến thành phố Meaux, ngoại ô Pari, vận động tranh cử và bảo vệ chính sách của ông trong lĩnh vực đổi mới đô thị và có cuộc trao đổi trên đài truyền hình Canal + về chủ đề văn hóa, gia đình.

Theo kết quả thăm dò dư luận do tổ chức OpinionWay-Fiducial thực hiện công bố ngày 16/3, ông Sarkozy sẽ giành số phiếu ngang bằng với ông Hollande trong vòng một, với tỉ lệ phiếu ủng hộ 27,5%. Còn trong vòng hai, ông Hollande có khả năng giành 55% phiếu bầu so với tỷ lệ 45% của ông Sarkozy. Kết quả một cuộc thăm dò khác của Viện CSA cho thấy 51% người dân Pháp tỏ ý nghi ngờ về độ tin cậy trong chính sách kinh tế của ông Sarkozy, trong khi 44% dân Pháp cho rằng chương trình kinh tế của ông Hollande là đáng tin cậy, còn 5% không bày tỏ ý kiến về chương trình kinh tế của hai ứng cử viên.

TTXVN/Tin Tức

Ông Sarkozy gọi nhà báo là “thằng đần”
Ông Sarkozy gọi nhà báo là “thằng đần”

Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã gọi một nhà báo là “thằng đần” ngay trong chuyến thăm chính thức của ông tới vùng Chalons-sur-Marne. Đối thủ Francois Hollande đã ngay lập tức chỉ trích nhà lãnh đạo Pháp là khiếm nhã và thiếu đứng đắn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN