Xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột trở thành đô thị thông minh

Ngày 7/12, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đắk Lắk tổ chức họp báo thông tin việc triển khai Kế hoạch chuyển đổi số tỉnh Đắk Lắk, xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Chú thích ảnh
Ông Ra Lan Trương Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông phát biểu khai mạc.

Phát biểu tại buổi họp báo, ông Ra Lan Trương Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đắk Lắk cho biết, Kế hoạch chuyển đổi số tỉnh Đắk Lắk, xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 đưa ra chỉ tiêu cụ thể trên 4 nội dung cơ bản là phát triển chính quyền số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của các cơ quan nhà nước; phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số và phát triển đô thị thông minh.

Kế hoạch được triển khai nhằm tăng cường các ứng dụng dịch vụ tương tác với người dân và doanh nghiệp, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tham gia giám sát hoạt động xử lý hành chính của các cơ quan hành chính nhà nước, tiếp cận các dịch vụ bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin giá rẻ; rút ngắn khoảng cách số giữa các vùng nông thôn với thành thị, giữa các đối tượng trong xã hội.

Kế hoạch nhằm cụ thể hóa, triển khai có hiệu quả, đầy đủ, thành công các chỉ tiêu, nhiệm vụ tại Nghị quyết 37/NQ-HĐND ngày 9/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk thông qua Đề án “Xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045”, Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 2/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk về “Chuyển đổi số tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”.

Các nhóm nhiệm vụ để thực hiện kế hoạch gồm: Tuyên truyền nâng cao nhận thức, xây dựng hoàn thiện cơ chế, chính sách, xây dựng hạ tầng chuyển đổi số và đô thị thông minh, phát triển doanh nghiệp số - kinh tế số - xã hội số, phát triển nguồn nhân lực. Các lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số gồm: Nông nghiệp, giáo dục, y tế, giao thông vận tải và logistics, công nghiệp và năng lượng, tài nguyên và môi trường, du lịch, tài chính - ngân hàng.

Chú thích ảnh
Một góc trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột hôm nay. Ảnh: Phạm Cường/TTXVN

Theo kế hoạch, tỉnh Đắk Lắk phấn đấu đến năm 2025, phát triển chính quyền số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động các cơ quan nhà nước, cụ thể như: 100% dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4; từ 90% trở lên hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 80% trở lên hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% trở lên hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng; cơ sở dữ liệu dùng chung được kết nối, chia sẻ trên toàn tỉnh.

Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GRDP; phát triển 20 doanh nghiệp số có quy mô từ 500 - 1.000 người. Tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử là trên 50%. Đắk Lắk thuộc nhóm các tỉnh được xếp loại A về an toàn, an ninh mạng theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông. Về phát triển đô thị thông minh, tỉnh hướng đến triển khai có hiệu quả các dịch vụ đô thị thông minh tại thành phố Buôn Ma Thuột như giám sát và điều hành kinh tế - xã hội, giám sát an ninh trật tự đô thị và điều hành giao thông, phản ánh hiện trường, giám sát hệ thống dịch vụ công trực tuyến…; phấn đấu đến năm 2025, chỉ số chuyển đổi số của tỉnh Đắk Lắk nằm trong nhóm 20/63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Hoài Thu (TTXVN)
Ra mắt mô hình thử nghiệm Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh thành phố Hải Phòng
Ra mắt mô hình thử nghiệm Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh thành phố Hải Phòng

Ngày 25/11, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hải Phòng tổ chức ra mắt, đưa vào vận hành mô hình thử nghiệm Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh thành phố Hải Phòng (IOC Hải Phòng).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN