Quyết định nhằm bảo vệ cấp bách đoạn đê biển Đông đoạn từ K0+046 đến cầu Chiên Túp 1 (giáp ranh với tỉnh Sóc Trăng), thuộc địa bàn xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu; đảm bảo ổn định cuộc sống, tình hình sản xuất, an toàn tính mạng và tài sản của một số hộ dân bên trong đoạn đê.
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu quản lý, thực hiện xây dựng công trình trong thời gian 4 tháng, với kinh phí khoảng 1,5 tỷ đồng; yêu cầu đơn vị này huy động ngay các đơn vị có đủ điều kiện năng lực về hoạt động xây dựng để thực hiện thi công công trình.
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm hướng dẫn các cơ quan liên quan thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật về xây dựng công trình khẩn cấp và các quy định khác.
Trước đó, vào chiều 7/8, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều đã ký Quyết định số 1420/QĐ-UBND về việc công bố tình huống khẩn cấp sạt lở đê biển Đông đoạn từ Km0+046 đến cầu Chiên Túp 1 (giáp ranh với tỉnh Sóc Trăng), thuộc địa bàn xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu. Chiều dài khu vực sạt lở và có nguy cơ sạt lở là 474m.
Hiện trạng sạt lở trên là do tại khu vực bờ biển trước đoạn đê này, rừng phòng hộ đã mất hoàn toàn, không còn rừng phòng hộ để chắn gió, chắn sóng bảo vệ chân đê, sóng biển đã đánh trực tiếp vào mái và thân đê gây ra sạt lở.
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cơ quan Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh) chịu trách nhiệm tổ chức ngay việc kiểm tra, khoanh vùng khu vực bị sạt lở, thiết lập hành lang an toàn; lắp đặt biển báo cho khu vực sạt lở, ngăn không cho người, phương tiện vào khu vực sạt lở; huy động ngay các lực lượng, phương tiện để xử lý khẩn cấp bước đầu, hạn chế sạt lở và các biện pháp cần thiết khác để đảm bảo an toàn đê khu vực này.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, những năm gần đây và nhất là từ đầu năm 2024 đến nay, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình hình thiên tai (nhất là sạt lở và sụt lún) xảy ra ngày càng nhiều, gây thiệt hại rất lớn về người, nhà ở, tài sản, công trình... tại tỉnh.
Từ đầu năm 2024 đến nay, tại thị xã Giá Rai, huyện Hồng Dân, huyện Đông Hải và thành phố Bạc Liêu đã xảy ra các đợt lún đất, sạt lở. Hiện, Bạc Liêu có 77 khu vực sạt lở bờ sông, 6 khu vực sạt lở bờ biển cần có biện pháp khắc phục trước mắt cũng như lâu dài.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều, để giảm thiểu các tác động do sụt lún gây ra, tỉnh đã đưa ra các giải pháp để phòng, chống sụt lún đất, sạt lở bờ sông, bờ biển và đầu tư xây dựng các công trình phòng, chống sạt lở. Tuy nhiên, do ngân sách tỉnh còn nhiều khó khăn, Bạc Liêu kiến nghị Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, hỗ trợ cho tỉnh hơn 3.400 tỷ đồng để thực hiện dự án đầu tư với 5 khu vực sạt lở xung yếu, cấp bách và phòng, chống triều cường, bảo vệ sản xuất, với tổng chiều dài gần 80 km (trong đó: kè chống sạt lở dài 13,674 km; xây dựng hệ thống đê sông và công trình để phòng, chống triều cường dài 66 km).
Dự báo tình hình sạt lở còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cũng đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố cập nhật thường xuyên diễn biến sạt lở, sụt lún đất, chủ động xử lý và khắc phục hậu quả tại chỗ, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản và đời sống, sinh hoạt của người dân tại các vùng bị ảnh hưởng.