Đây là xã đầu tiên của huyện Mỹ Xuyên và là xã thứ 2 của tỉnh, cũng là một trong những xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số nhất của Sóc Trăng (với gần 85% dân số là đồng bào Khmer) được công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Theo ông Trần Chín Tâm, Chủ tịch UBND xã, Đại Tâm là vùng đất có ba dân tộc Kinh, Khmer, Hoa cùng sinh sống, có sự giao thoa văn hóa độc đáo, tạo nên sự đa dạng, phong phú của cả ba dân tộc. Trong đó, nổi bật là những lễ hội của đồng bào dân tộc Khmer mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc như: Tết cổ truyền Chôl-Chnăm-Thmây, Lễ hội Sen Đolta, Lễ Ok-om-bok hay còn được gọi là Lễ cúng trăng. Ngoài ra, trên địa bàn còn có nhiều loại hình nghệ thuật rất độc đáo và sáng tạo, điển hình là nhạc ngũ âm, múa Rô băm và các điệu múa truyền thống.
Giữ gìn tốt văn hóa truyền thống Khmer là điều kiện để hướng tới tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa mới của thời đại trong điều kiện giao lưu và hội nhập hiện nay, góp phần làm phong phú thêm văn hóa địa phương nói riêng và tỉnh Sóc Trăng nói chung. Trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu về văn hóa, nhân dân Đại Tâm, đồng bào Khmer tại địa phương đã biết khơi dậy truyền thống văn hóa, bản sắc của dân tộc mình, có sự giao thoa văn hóa với dân tộc Kinh, Hoa trên địa bàn.
Đại Tâm đã xác định và phấn đấu xây dựng nông thôn mới để đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn giàu có, thịnh vượng; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn hiện đại và kết nối chặt chẽ; xã hội nông thôn dân chủ, bình đẳng, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường, cảnh quan, không gian nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn; hệ thống chính trị ở nông thôn được tăng cường; quốc phòng và an ninh trật tự được giữ vững.
Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân xã Đại Tâm đã tranh thủ và huy động nguồn lực trên 26 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Đến cuối năm 2023, địa phương đã hoàn thành toàn bộ các tiêu chí bắt buộc, tiêu chí tự chọn và tiêu chí điều kiện để xét công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu. Trong số đó, có nhiều tiêu chí đạt và vượt khá cao so quy định như: Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt 76,18 triệu đồng/người/năm 2023 (cao hơn của tỉnh 16,18 triệu đồng), cao hơn so với mức quy định của Bộ tiêu chí; hộ nghèo toàn xã còn 1,64%…
Tại buổi lễ, ông Vương Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng chúc mừng và biểu dương những thành quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Đại Tâm đã đạt được trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc; đề nghị Đảng bộ xã Đại Tâm, trong thời gian tới, tiếp tục phát huy vai trò người đứng đầu trong xây dựng nông thôn mới, huy động cả hệ thống chính trị cùng tham gia thực hiện, nhất là cần tiếp tục phát huy vai trò chủ thể của người dân. Xã huy động các nguồn lực để giữ vững và nâng chất các tiêu chí, gắn với đẩy mạnh hoạt động văn - thể - mỹ và du lịch… nhằm giữ vững, phát huy xã nông thôn mới kiểu mẫu đặc trưng về văn hóa - du lịch của huyện Mỹ Xuyên và tỉnh Sóc Trăng.
Tại Lễ công bố, nhiều tập thể, cá nhân được trao tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh và Giấy khen của Chủ tịch huyện Mỹ Xuyên. Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh trao tặng 100 triệu đồng cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Đại Tâm để tiếp tục thực hiện nâng chất các tiêu chí kiểu mẫu trong thời gian tới. Hội Khuyến học tỉnh Sóc Trăng trao 20 suất học bổng cho học sinh trên địa bàn xã. Ban Quản lý Dự án 2 tỉnh Sóc Trăng cùng Tập đoàn Đông Đô, Công ty Cổ phần Đông Đô (Bộ Quốc phòng) tặng 2 Nhà đại đoàn kết cho xã Đại Tâm. Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Mỹ Xuyên tặng 10 phần quà cho gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn và 15 suất học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã.