Thêm một mùa sắn “đắng”

Tỉnh Kon Tum đang bước vào vụ ép sắn mới gần 2 tháng nay, tuy nhiên, việc giá sắn xuống thấp khiến nhiều nông dân trồng mì đang đối mặt với việc lỗ vốn. Điệp khúc “được mùa mất giá” đang tiếp tục tái diễn với nhiều nông dân trồng sắn ở tỉnh Kon Tum.

So với năm ngoái, vụ sắn năm nay của gia đình ông Lê Văn Thanh, thôn 2, xã Sa Bình, huyện Sa Thầy, năng suất cao hơn bởi được đầu tư, chăm sóc bài bản. Năm ngoái giá sắn ở mức 1.700 - 1.800 đồng/kg và ít dao động nên với 4 sào mì của gia đình ông cũng cho thu nhập được trên chục triệu đồng, trừ chi phí hết cũng có chút để mua sắm những thứ cần thiết và đầu tư cho vụ mùa sau. Thế nhưng, năm nay, dù vườn sắn của ông củ to, đều, năng suất cao hơn năm trước khoảng 20% nhưng với giá hiện tại, gia đình ông chỉ mong hòa vốn. 
    
“Năm nay giá sắn đang ở mức hơn 1.400 đồng/kg với chỉ số tinh bột đạt mức 30 độ, tuy nhiên, ít có vườn nào đạt được mức này lắm. Như vườn nhà đang thu hoạch, cao nhất cũng chỉ được 23, 24 độ. Với giá sắn như hiện tại thì không mong có lãi mà chỉ mong hòa vốn, không phải bù lỗ”, ông Thanh cho biết. 
   

Năm nay giá sắn đang ở mức hơn 1.400 đồng/kg với chỉ số tinh bột đạt mức 30 độ, tuy nhiên, ít có vườn nào đạt được mức này. Ảnh: Lê Đức Hoảnh - TTXVN

Với những hộ trồng sắn nơi điều kiện thuận lợi về đường đi, vùng đất tốt, sắn phát triển tốt và năng suất cao, vụ năm nay còn có chút lãi đề đầu tư cho vụ sau. Còn những hộ nằm ở vùng bán ngập, đường đi khó khăn; sắn chưa vào độ thu hoạch và đạt chỉ số tinh bột thì với giá như hiện nay chắc chắn sẽ lỗ.   

Trước tình trạng giá sắn đang xuống thấp, nhiều hộ có diện tích ở những khu vực cao, không chịu ảnh hưởng của lũ ngập thì tự tìm cho mình giải pháp chưa thu hoạch để đợi giá lên. Chị Phạm Thị Thúy Diễm, xã Krong, huyện Sa Thầy, cho biết gia đình vừa rồi mới thu hoạch 1,5 sào ở vùng bán ngập nhưng giá lúc đó còn ở mức 1.500 - 1.600 đồng/kg và do không thuê công thu hoạch nên còn có chút lãi. Còn hơn 4 sào mì ở trên cao gia đình để khi nào giá sắn lên cao mới thu hoạch. Còn bây giờ mà thu hoạch thì trừ tiền công, tiền vận chuyển, đầu tư thì chắc chắn sẽ lỗ, nếu có lãi thì cũng không được bao nhiêu.    

Tình trạng tồn đọng sản phẩm tại các nhà máy tinh bột sắn hiện nay ở Kon Tum cũng đang rất lớn. Ông Nguyễn Minh Thu, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tinh bột sắn Kon Tum cho biết, ở thời điểm này năm ngoái giá sắn công ty thu mua ở mức 2.150 đồng/kg, còn bây giờ chỉ nằm ở mức 1.430 đồng/kg. Nguyên nhân giá mì thấp như hiện nay là do nguồn thành phẩm của các nhà máy đang bị tồn đọng rất nhiều, không xuất đi được. Chỉ tính từ đầu vụ ép mới đến nay khoảng gần 2 tháng, nhưng nhà máy đang tồn đọng hơn 4.000 tấn bột sắn, chưa kể 360 tấn bột sắn của vụ ép trước vẫn chưa bán được. Dự báo trong thời gian tới nếu tình trạng không bán được sản phẩm thì giá nông sản còn hạ xuống thấp nữa.    

Theo ông Nguyễn Minh Thu, với điệp khúc “được mùa mất giá”, có lẽ đã đến lúc tỉnh Kon Tum cần tính đến giải pháp quy hoạch vùng nguyên liệu, thực hiện chuyển đổi sang mô hình “cánh đồng mẫu lớn” để các nhà máy có những kế hoạch ký hợp đồng bảo tiêu sản phẩm với giá ổn định, giúp người dân “sống được với trồng mì”.  

“Nếu thực hiện được mô hình cánh đồng mẫu lớn, quy hoạch cho nhà máy một diện tích nguyên liệu cố định thì nhà máy sẽ thực hiện được việc ký kết, bao tiêu sản phẩm cho người dân trồng mì. Dù giá sắn xuống mức thấp, nhưng khi đã ký kết bao tiêu sản phẩm với giá hợp lý ngay từ đầu vụ thì người dân sẽ yên tâm hơn với việc đầu tư vào trồng sắn”, ông Nguyễn Minh Thu cho hay.
Quang Thái
Cây sắn thừa đầu ra,  thiếu đầu vào
Cây sắn thừa đầu ra, thiếu đầu vào

Thời gian qua, sắn được tỉnh Cao Bằng xác định là cây sản xuất hàng hóa và chỉ đạo các địa phương tập trung phát triển vùng nguyên liệu. Tuy nhiên, đến nay, việc phát triển vùng nguyên liệu sắn của tỉnh vẫn gặp nhiều khó khăn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN