Tại hội nghị, Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố khu vực Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên đã biểu quyết phương án ký kết Quy chế phối hợp mới nhằm tăng cường công tác phối hợp ngành Quản lý thị trường các tỉnh trong khu vực nhằm thực hiện tốt kiểm tra, kiểm soát thị trường.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương đánh giá cao công tác phối hợp giữa Cục Quản lý thị trường trong khu vực Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên cũng như với cơ quan chức năng của các tỉnh. Qua đó, thực hiện tốt kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý kịp thời nhiều vụ việc vi phạm, góp phần ngăn chặn có hiệu quả các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, đặc biệt ở khu vực biên giới.
Ông Nguyễn Thanh Bình đề nghị, Cục Quản lý thị trường các tỉnh Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên cần tiếp tục triển khai và thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm, nhất là từ nay đến cuối năm 2020, khi tình hình dịch bệnh COVID-19 ở trong nước đang được kiểm soát tốt và có dấu hiệu lắng xuống. Đối với tuyến Quốc lộ 1A cần được tăng cường tuần tra, kiểm soát để ngăn ngừa tình trạng thuốc lá nhập lậu, hàng điện tử; tăng cường kiểm tra, kiểm soát tình trạng buôn lậu hàng giả, hàng kém chất lượng trên môi trường mạng internet; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng như công an, biên phòng để phát hiện sớm và xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm.
Cũng tại Hội nghị, Cục Quản lý thị trường các tỉnh khu vực Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên đã trình bày các tham luận về kiểm tra, kiểm soát thị trường gắn với các sản phẩm đặc thù, thường xuyên đối mặt với hoạt động kinh doanh trái phép.
Tại Kon Tum, các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh gặp nhiều khó khăn, thách thức do việc phát triển một số vùng nguyên liệu nhỏ lẻ, tự phát; việc trồng, thu hái dược liệu chưa có hồ sơ chứng minh nguồn gốc, chất lượng. Đặc biệt, nạn kinh doanh các loại củ sâm không rõ nguồn gốc nhưng có hình dạng giống sâm Ngọc Linh như dùng củ tam thất hoặc dùng các loại sâm khác kém chất lượng trộn chung với sâm Ngọc Linh.
Trước tình hình đó, Cục Quản lý thị trường tỉnh Kon Tum đã chủ trì, phối hợp các Sở, ban ngành của tỉnh thường xuyên kiểm tra, kiểm soát nhiều cơ sở kinh doanh, chế biến các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh. Kết quả, từ năm 2017 đến tháng 6/2019, các đơn vị đã phát hiện, xử lý 3 vụ vi phạm liên quan đến kinh doanh các sản phẩm có nguồn gốc từ sâm Ngọc Linh, với số tiền xử phạt 96,5 triệu đồng; tiêu hủy số hàng hóa có giá trị gần 300 triệu đồng.
Trong khi đó, tại Quảng Trị, đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá trên địa bàn cũng gặp nhiều khó khăn. Trên tuyến Quốc lộ 1A, thuốc lá điếu nhập lậu được ngụy trang, cất giấu lẫn với các loại hàng hóa khác, vận chuyển trên phương tiện vận tải lớn, container, xe khách,… gây khó khăn cho kiểm tra, kiểm soát.
Trước thực trạng đó, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Trị đã xây dựng kế hoạch phòng, chống, đấu tranh ngăn chặn tình trạng buôn bán, vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu trên địa bàn toàn tỉnh một cách quyết liệt. Tính từ tháng 6/2019 đến tháng 5/2020, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Trị đã kiểm tra, xử lý 33 vụ, với tổng số tiền xử phạt trên 330 triệu đồng, tịch thu 4.127 bao thuốc lá lậu.
Trong thời gian từ tháng 6/2019 đến hết tháng 5/2020, Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố khu vực Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý vi phạm trong hoạt động buôn bán hàng cấm, vi phạm an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là phòng, chống dịch COVID-19. Trong năm, lực lượng Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố khu vực Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên thực hiện trên 21.000 vụ kiểm tra, phát hiện và xử lý gần 12.000 vụ vi phạm với tổng số tiền thu phạt gần 38,5 tỷ đồng, tịch thu số tang vật có giá trị 42,8 tỷ đồng.
Về phối hợp giữa các Cục Quản lý thị trường trong khu vực, Cục Quản lý thị trường ở các địa phương đã thường xuyên duy trì trao đổi thông tin về những vướng mắc, phát sinh trong việc triển khai các văn bản quy phạm pháp luật, kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính, đặc biệt là các địa phương giáp ranh. Một số vụ việc điển hình trong phối hợp như: Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Trị đã phối hợp trực tiếp xác minh thông tin liên quan đến ba vụ việc bắt giữ mặt hàng đường kính với Cục Quản lý thị trường Quảng Bình, Bình Định; Cục Quản lý thị trường tỉnh Kon Tum phối hợp, trao đổi thông tin với các Cục Quản lý thị trường tỉnh Gia Lai, Hà Tĩnh để xử lý 5 vụ vi phạm hành chính, xử phạt số tiền hơn 56 triệu đồng;...