Sóc Trăng: Khai thác lợi thế cho phát triển công nghiệp

Xuất phát điểm từ một tỉnh thuần nông, hiện nay, Sóc Trăng có nhiều lợi thế trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Ngành công nghiệp Sóc Trăng đã và đang đóng góp trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cũng như của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Nhiều dư địa phát triển

Chú thích ảnh
Trụ turbin điện gió thuộc Nhà máy Điện gió số 6 tại ấp Mỹ Thanh, xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng). Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN

Sóc Trăng có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư phát triển; trong đó, lợi thế khác biệt của Sóc Trăng là tiềm năng phát triển kinh tế biển. Với chiều dài bờ biển hơn 72 km, tốc độ gió trung bình là 6 - 6,4 m/giây và số giờ nắng trung bình năm là khoảng 2.500 giờ, bức xạ năng lượng mặt trời khoảng 4,8 - 5 kWh/m2/ngày. Sóc Trăng không chỉ có lợi thế về nông nghiệp mà còn có điều kiện thuận lợi để phát triển năng lượng sạch, kinh tế biển…

Tỉnh còn phát huy cao nhất lợi thế về điều kiện tự nhiên, nguồn lực kinh tế - xã hội của từng vùng sinh thái để ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp cụ thể như: dự án khu nông nghiệp công nghệ cao; sản xuất tôm giống chất lượng cao; sản xuất nông nghiệp sạch kết hợp du lịch sinh thái…

Từ năm 2016 đến nay, qua việc thu hút được nhiều dự án đầu tư vào Khu công nghiệp An Nghiệp (Khu công nghiệp đầu tiên của tỉnh), làm tăng kết quả giá trị sản xuất công nghiệp, đạt khoảng 10.000 - 12.000 tỷ đồng/năm, với tốc độ tăng trưởng bình quân 24%/năm.

Hoạt động sản xuất tại khu công nghiệp phát triển không chỉ góp phần tiêu thụ nguồn nguyên liệu nông, thủy sản trong tỉnh mà còn trực tiếp tạo việc làm ổn định cho trên 27.000 lao động và hàng nghìn lao động gián tiếp của địa phương với mức thu nhập bình quân của lao động hiện nay vào khoảng 6,5 triệu đồng/người/tháng.

Phát huy những lợi thế sẵn có, cùng với việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng, Sóc Trăng đang tập trung các nguồn lực thu hút đầu tư trong các lĩnh vực công nghiệp chế biến, phát triển khu cụm công nghiệp, phát triển kinh tế biển và năng lượng tái tạo… nhằm thực hiện 1 trong 3 nhiệm vụ đột phát theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIV của tỉnh, nhiệm kỳ 2020 - 2025 là: “Tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông, thủy lợi trọng điểm; đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư năng lượng, cảng biển, khu logistics, khu, cụm công nghiệp, các đô thị, hạ tầng du lịch, hạ tầng công nghệ thông tin, phát triển kinh tế số”.

Chính vì vậy, trong năm 2022, Sóc Trăng đã tiếp và làm việc với 150 lượt nhà đầu tư tìm hiểu cơ hội đầu tư trên địa bàn tỉnh, chấp thuận chủ trương đầu tư cho 8 dự án; trong đó, đã cấp quyết định chủ trương đầu tư và chấp thuận nhà đầu tư cho 4 dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 2.434 tỷ đồng.

Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2022, tỉnh đã trao 4 quyết định chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 12.000 tỷ đồng, ký kết 18 biên bản ghi nhớ nghiên cứu, khảo sát đầu tư với tổng số vốn đầu tư khoảng 212.000 tỷ đồng trong các lĩnh vực giao thông, xây dựng, đô thị, logistics, chuyển đổi số. Đã có 11/18 nhà đầu tư tham gia ký bản ghi nhớ có đề xuất dự án cụ thể.

Trong quý I/2023, Sóc Trăng đã và đang khẩn trương tập trung thực hiện các công việc để thúc đẩy nhanh việc triển khai đầu tư kết cấu hạ tầng, trọng tâm là Dự án Cảng biển Sóc Trăng tại Trần Đề - cảng cửa ngõ của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và quốc tế. Dự án kết hợp hạ tầng giao thông đồng bộ được đầu tư như cầu Đại Ngãi, tuyến đường bộ ven biển kết nối Trà Vinh - Bạc Liêu, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, kết nối thông suốt cho hệ thống giao thông của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Địa phương đã và đang đa dạng hóa các hình thức đầu tư nhằm phát triển cơ sở hạ tầng tại 3 khu công nghiệp và 9 cụm công nghiệp; phát triển hạ tầng theo định hướng phát triển đô thị thông minh, xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời khai thác lợi thế hành lang kinh tế ven sông Hậu kết nối khu vực kinh tế biển, từng bước đô thị hóa ven biển…

Phát triển lợi thế

Chú thích ảnh
Dây chuyền sản xuất bánh Pía tại Công ty Tân Huê Viên (Sóc Trăng). Ảnh tư liệu: Trung Hiếu/TTXVN

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Lâm Hoàng Nghiệp cho biết tỉnh đã và đang triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp đầu tư, phát triển công nghiệp nhanh, hiệu quả, bền vững từ lợi thế có sẵn của địa phương để làm động lực thúc đẩy phát triển các lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh, theo kịp đà phát triển chung của quốc gia và trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Cụ thể, Sóc Trăng phấn đấu đến năm 2025, tỉnh cường kêu gọi để tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng 3 khu công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2020, gồm khu công nghiệp Đại Ngãi (200 ha), Sông Hậu (286 ha) và Mỹ Thanh (217 ha). Mặt khác, tỉnh đang tích hợp đưa vào quy hoạch đầu tư phát triển 3 khu công nghiệp mới: Khu công nghiệp Trần Đề 2 (400 ha), Đại Ngãi 2 (250 ha), Khánh Hòa (350 ha) và lập đề án nghiên cứu, thành lập khu kinh tế ven biển với quy mô dự kiến 30.000 ha trong giai đoạn 2021 - 2030.

Riêng năm 2023, Sóc Trăng phấn đấu hoàn thành 3 dự án đầu tư kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp (Xây Đá B, An Lạc Thôn 1, An Lạc Thôn 2) và sớm thu hút, triển khai các dự án thứ cấp; kêu gọi đầu tư đối với các cụm cống nghiệp Ngã Năm, Long Đức 1, Long Đức 2, Xây Đá B mới. Đồng thời, triển khai có hiệu quả Chương trình khuyến công tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2021 - 2025, phân kỳ năm 2023; trong đó, tích cực, chủ động thực hiện tư vấn hướng dẫn, tư vấn hỗ trợ, trợ giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn; tăng cường hỗ trợ áp dụng sản xuất sạch hơn trong sản xuất công nghiệp, sử dụng năng lượng tiết kiệm, tăng hiệu quả trong sản xuất, góp phần thực hiện định hướng phát triển nền sản xuất bền vững.

Ngoài ra, tỉnh đẩy nhanh việc triển khai các dự án sản xuất điện (nhiệt điện, điện gió, điện mặt trời và điện sinh khối) và các dự án phát triển lưới điện trên địa bàn, trọng tâm tranh thủ để dự án Nhà máy nhiệt điện Long Phú thi công trở lại, đi vào vận hành trong thời gian sớm nhất.

Cùng đó, tiếp tục hỗ trợ các nhà đầu tư hoàn thành các dự án điện gió đưa vào vận hành thương mại (cuối năm 2023, lũy kế có 9 dự án điện gió vận hành thương mại 100% công suất và 4 dự án khởi công, thi công); sớm hoàn chỉnh thủ tục để kêu gọi, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án điện mặt trời, dự án điện sinh khối; thực hiện Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, giai đoạn 2019 - 2030; tranh thủ nguồn vốn của ngành điện để thực hiện các dự án lưới điện và kế hoạch xóa hộ câu phụ, hộ chưa có điện.

Theo ông Lâm Hoàng Nghiệp, Sóc Trăng tăng cường kêu gọi, thu hút đầu tư phát triển các cụm công nghiệp tại các địa phương trong tỉnh. Những khu, cụm công nghiệp của tỉnh Sóc Trăng tập trung phát triển theo hướng hành lang kinh tế ven sông Hậu và ven biển, ở những địa điểm có lợi thế về giao thông và hạ tầng kinh tế - xã hội sẵn có.

Trong định hướng phát triển, Sóc Trăng chủ yếu thu hút các ngành công nghiệp để hỗ trợ phát triển ngành nông nghiệp bền vững, công nghệ cao. Các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu là khu công nghiệp đa ngành, đa lĩnh vực; trong đó, ưu tiên thu hút ngành công nghiệp chế biến, công nghiệp nhẹ, những ngành thu hút nhiều lao động và thân thiện với môi trường. Riêng khu công nghiệp ven biển (Trần Đề) sẽ thu hút thêm ngành công nghiệp đóng tàu và sửa chữa tàu biển.

Cùng đó, tỉnh tập trung phát triển một số ngành, sản phẩm công nghiệp mũi nhọn có lợi thế cạnh tranh về nguyên liệu tại chỗ, như chế biến nông sản, thủy sản; phát huy lợi thế cạnh tranh của từng địa phương, về lao động và các sản phẩm truyền thống đặc thù của tỉnh.

Mặt khác, tranh thủ cơ hội thu hút đầu tư để phát triển một số ngành công nghiệp có hàm lượng kỹ thuật cao như cơ khí, thiết bị điện, điện tử tin học, công nghiệp hỗ trợ; tăng cường hợp tác giữa Sóc Trăng với các tỉnh trong việc phát triển công nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long, phù hợp với quy hoạch tổng thể vùng và quy hoạch ngành công nghiệp.

Đặc biệt, Sóc Trăng còn đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng các cụm công nghiệp nhằm tạo mặt bằng sạch cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghiệp; chú trọng công tác quản lý, kiểm tra tình hình thực hiện an toàn thực phẩm trong sản xuất công nghiệp, song song với đẩy mạnh tuyên truyền bảo vệ môi trường công nghiệp đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, thực hiện những giải pháp đồng bộ về vốn, đất đai, công nghệ, nguồn nhân lực, cơ chế chính sách... với những hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp nhằm tạo lòng tin cho các nhà đầu tư yên tâm đến với địa phương đầu tư…

Nhật Bình (TTXVN)
Kết nối cung cầu giữa TP Hồ Chí Minh và vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Kết nối cung cầu giữa TP Hồ Chí Minh và vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Trong khuôn khổ Hội nghị tổng kết Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long, chiều 10/3, UBND tỉnh Bến Tre đăng cai tổ chức Hội nghị kết nối giao thương giữa các tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước và doanh nghiệp các tỉnh, thành thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN