Tình hình sạt lở ở huyện Cù Lao Dung cặp sông Hậu diễn biến phức tạp. Ảnh: Tuấn Phi/TTXVN
Theo lãnh đạo UBND huyện Cù Lao Dung, huyện nằm tách biệt đất liền xung quanh bao bọc bờ sông Hậu và biển Đông. Đê sông Tả Hữu với chiều dài hơn 80 km, chiều cao trên 2 m, bao bọc xung quanh huyện; đây là tuyến đê trọng yếu phòng chống triều cường dâng cao ảnh hưởng đến sản xuất của người dân. Từ đầu năm đến nay, đoạn đê này xảy ra 6 điểm sạt lở với chiều dài trên 350m tại 2 xã An Thạnh Đông và Đại Ân 1; trong đó, có 4 điểm sạt lở nghiêm trọng chiều dài trên 250 m đe dọa đến sinh hoạt và sản xuất của người dân.
Ông Nguyễn Văn Đắc, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Cù Lao Dung cho biết, một số điểm sạt lở lấn vào chân đê 1m, đáy 4 m và sâu 2,5 m, có điểm sạt lở sâu vào lộ nông thôn 1,5 m và một số điểm sạt lở còn xuất hiện vết nứt lấn sâu vào đất liền trên 100 m. Hiện ở 6 đoạn sạt lở có 255 hộ đang sinh sống, diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên 365 ha. Ngay khi xảy ra sạt lở, địa phương đã huy động các lực lượng gia cố tạm thời phần sạt lở; giăng dây, treo biển cảnh báo để phương tiện giao thông và người dân lưu thông qua điểm sạt lở an toàn.
Thủy triều và sóng to đã làm xói mòn thân đê sông Tả Hữu. Ảnh: Tuấn Phi/TTXVN
Cũng theo ông Đắc, trước tình hình biến đổi khí hậu, triều cường và dòng chảy trên sông Hậu như hiện nay, nguy cơ sạt lở trong thời gian tới khó tránh khỏi. Do đó, ngành chức năng huyện thường xuyên tuần tra trên đê Tả Hữu cũng như sớm có phương án khắc phục, gia cố các điểm sạt lở vừa qua nhằm đảm bảo sản xuất và sinh hoạt của người dân địa phương.
Một số điểm sạt lở trước đó trên đê Tả Hữu được ngành chức năng khắc phục. Ảnh: Tuấn Phi/TTXVN
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Sóc Trăng, nguyên nhân sạt lở là do đoạn sông (sông Hậu) trên uốn cong, dòng chảy ép sát bờ, kết hợp nền đất yếu nên gây sạt lở. Hiện tại, Sở đang khẩn trương làm các thủ tục trình UBND tỉnh phê duyệt gia cố các điểm sạt lở trên thuộc dự án Nâng cấp đê cửa sông tả, hữu Cù Lao Dung.