Dân là chủ thể
Toàn huyện Ngọc Hồi có 8 xã, thị trấn. Hiện, 7 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, thị trấn Plei Kần là đô thị văn minh.
Xã Đăk Kan, huyện Ngọc Hồi có 8 thôn, trong đó có 3 thôn là người đồng bào dân tộc thiểu số. Khi bắt tay xây dựng nông thôn mới, một bộ phận người dân chưa tự giác, còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đăk Kan Ngô Thị Bích Hường cho biết: “Khi xây dựng nông thôn mới, Đăk Kan xác định dân là chủ thể, người hưởng lợi trực tiếp. Nhà nước đóng vai trò định hướng, hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện. Vì vậy, từng việc làm cụ thể, người dân, cộng đồng đều bàn bạc công khai, dân chủ quyết định thực hiện. Vai trò của người dân là quan trọng, quyết định thành công của chương trình”.
Tại thôn 4, xã Đăk Kan, người dân nơi đây đã có cách làm riêng để cộng đồng cùng chính quyền xây dựng thôn, làng ngày một xanh, sạch, đẹp. Ông Nguyễn Công Hoàn, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn 4 xã Đăk Kan cho biết: "Khi xây dựng nông thôn mới, người dân chung tay cùng chính quyền. Người dân xác định, với hộ khó khăn, neo đơn, không có công, tiền góp, có thể chung tay cùng thôn thực hiện nông thôn mới bằng hình phá bỏ cây cỏ dại, cải tạo khuôn viên vườn, trồng xây xanh, góp phần hoàn thành tiêu chí cảnh quan, môi trường. Ngoài ra, người dân góp của, công cùng chính quyền thực hiện các công trình như: đường làng, nhà văn hóa, điện thắp sáng. Giờ việc đi lại của dân không còn khó khăn, lầy lội khi mưa. Đường sáng, đẹp...".
Ông Đào Tuấn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đăk Xú khẳng định: “Chúng tôi tập trung tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm. Các tổ chức chính trị, đoàn thể cùng vào cuộc tuyên truyền cho các hội viên để mọi người tự nguyện tham gia mua bảo hiểm y tế. Việc xóa nhà tạm, kêu gọi người dân cùng chính quyền chung tay hỗ trợ nhau. Ngoài ra, chúng tôi phối hợp với 3 lực lượng công an, dân sự, biên phòng tổ chức tuyên truyền, tuần tra, kiểm tra tạm trú, tạm vắng nhằm đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông. Nhờ vậy, đến nay Đăk Xú đã hết thành điểm “nóng” về các tiêu chí trên”.
Theo tính toán, tiền và công góp của dân chiếm khoảng 30% giá trị các công trình khi xây dựng nông thôn mới. Ông Nguyễn Chí Tường, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ngọc Hồi cho biết, xây dựng nông thôn mới cần phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Vai trò của người dân là cực kỳ quan trọng, quyết định sự thành công trong xây dựng nông thôn mới.
Không ngừng xây dựng nông thôn mới
Năm 2025, chính quyền và người dân ở Ngọc Hồi đã chủ động xây dựng kế hoạch riêng để quyết tâm xây dựng quê hương đạt mức nâng cao, kiểu mẫu…
Tại thôn 4, xã Đăk Kan, người dân đã sớm xác định sẽ xây dựng thành thôn, làng kiểu mẫu. “Chúng tôi làm chủ động, sáng tạo, phù hợp thực tiễn, không rập khuôn, máy móc. Đến nay đời sống vật chất của dân cơ bản ổn định và ngày một nâng cao. Cùng đó, người dân sẽ chú trọng giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng dân cư ở địa phương, xóa bỏ hủ tục. Đây là động lực cho sự phát triển nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc của Việt Nam hiện nay”, ông Nguyễn Công Hoàn, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn 4, xã Đăk Kan khẳng định.
Cô Hoàng Thị Tưởng, Trưởng thôn Ngọc Yên Phúc, xã Đăk Kan cho biết, từ khi xây dựng nông thôn mới, cơ sở hạ tầng, bộ mặt thôn có nhiều khởi sắc, người dân được thụ hưởng. Trước mắt, người dân chủ động, quan tâm đào tạo, giáo dục con cháu tiếp tục học tốt, học lên đại học, học nghề để cùng chính quyền chung tay xây dựng quê hương ngày một phát triển.
Với 7 xã đã đạt chuẩn bộ tiêu chí quốc gia xã nông thôn mới, huyện Ngọc Hồi xác định phải giữ vững thành tích, đồng thời mở rộng thôn, làng vùng dân tộc thiểu số đạt nông thôn mới, đạt chuẩn khu dân cư kiểu mẫu (hiện 7 làng đạt). Các xã tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các bộ tiêu chí, phấn đấu có thêm nhiều xã đạt nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
Ông Nguyễn Chí Tường, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ngọc Hồi cho biết: “Huyện sẽ tiếp tục đầu tư hạ tầng vùng biên, đảm bảo phục vụ người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa cũng như phục vụ công tác tuần tra, kiểm soát thuận lợi. Mở rộng khu dân cư ở biên giới để mỗi người dân là một “cột mốc” sống. Với Ngọc Hồi, xây dựng nông thôn mới không có điểm kết thúc. Chính quyền và người dân đang nỗ lực duy trì và nâng cao các tiêu chí. Chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền để phát huy tính làm chủ của nhân dân. Huyện xác định phải tiếp tục phát triển sản xuất, tăng thu nhập, đảm bảo cuộc sống của người dân ngày một tăng. Đây là nguồn lực lớn, đóng góp cho xây dựng nông thôn mới, góp phần cho sự phát triển Ngọc Hồi trong tương lai”.
Một mùa Xuân mới với nhiều kỳ vọng về tương lai tươi sáng cho mảnh đất vùng biên Ngọc Hồi đang đến.