Những đổi thay trên vùng đất khó

Tỉnh Trà Vinh có tổng dân số trên 1 triệu người, trong đó, đồng bào dân tộc Khmer chiếm gần 32%. Chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc Khmer là nhiệm vụ trọng tâm luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Trà Vinh ưu tiên thực hiện. Nhờ vậy, đời sống của đồng bào Khmer không ngừng được nâng lên, phum sóc ở Trà Vinh “thay da, đổi thịt” từng ngày.

Thay đổi nếp nghĩ, cách làm để nâng cao đời sống

Chú thích ảnh
Ruộng khoai môn sáp 2.500 m2 của gia đình bà Trì Thị Hiệu (xã Đại An, huyện Trà Cú).

Trở lại huyện vùng sâu Trà Cú, địa phương có trên 62% đồng bào dân tộc Khmer, diện mạo vùng quê nghèo ngày nào như khoác trên mình chiếc áo mới. Đường giao thông nông thôn được nhựa hóa, bê tông hóa vào tận phum sóc. Các công trình phúc lợi như trường học, trạm y tế, nhà văn hóa được đầu tư khang trang; nhiều ngôi nhà mới kiên cố “mọc” lên…

Người dân Khmer địa phương đã có nhiều thay đổi trong nếp nghĩ, cách làm, áp dụng hiệu quả việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để tăng thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích. Hầu hết các mô hình chuyển đổi đều cho lợi nhuận tăng gấp nhiều lần, giúp đời sống đồng bào Khmer cải thiện đáng kể. Thu nhập bình quân đầu người của huyện hiện đạt 45,5 triệu đồng/người/năm, tăng 5,31 triệu đồng so với năm 2019 và tăng gần 23 triệu đồng/người/năm so với 5 năm trước.

Nền kinh tế của huyện Trà Cú chủ yếu là sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, đây là địa phương bị ảnh hưởng biến đổi khí hậu nặng nhất tỉnh. Hạn, mặn thường xuyên xâm nhập nội đồng vào mùa khô khiến nhiều diện tích sản xuất bị thiếu nước tưới. Do vậy, huyện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng để thích ứng, nhất là những diện tích trồng lúa, mía kém hiệu quả.

Gia đình chị Sơn Thị Dân, ấp Giồng Lớn A, xã Đại An, huyện Trà Cú có 3 công đất canh tác (1 công = 1.000 m2) trước đây trồng 3 vụ lúa, nhưng năng suất đạt rất thấp, chỉ khoảng 450 kg/công. Năm 2016, gia đình chị được chính quyền địa phương vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Từ nguồn vốn vay ưu đãi 17 triệu đồng của Ngân hàng chính sách xã hội, chị Dân đầu tư mô hình trồng luân canh lúa - ngô - khoai môn sáp và nuôi bò sinh sản. Kết quả, mô hình luân canh cho lợi nhuận mỗi năm trên 20 triệu đồng/công, tăng khoảng 5 lần so với độc canh cây lúa. Cùng với nguồn thu từ nuôi bò, năm 2018, gia đình chị Sơn Thị Dân đã thoát nghèo.

Ở ấp Giồng Lớn A này, có rất nhiều hộ Khmer chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả và thoát nghèo như gia đình chị Sơn Thị Dân. Bí thư Chi bộ ấp Giồng Lớn A Thạch Long cho biết, đồng bào Khmer địa phương chủ yếu sống bằng nghề nông. Cùng với việc vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhà nước đã đầu tư hạ thế điện để phục vụ chuyển đổi. Nhờ có điện sản xuất nên việc tưới tiêu thuận lợi, giảm đáng kể chi phí phí nhân công; năng suất tăng từ 1,5 - 2 lần so với trước kia. Năm 2012, ấp có gần 200 hộ nghèo thì hiện nay chỉ còn 8 hộ nghèo. Thu nhập bình quân đầu người của ấp hiện đạt 48 triệu đồng/người/năm, tăng 30 triệu đồng/người/năm so với 5 năm trước.

Những năm qua, huyện Trà Cú đã huy động nhiều nguồn lực để thực hiện công tác giảm nghèo bền vững. Các xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang, ven biển được đầu tư xây dựng, duy tu, bảo dưỡng cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện cho đồng bào vùng sâu, vùng xa đi lại, mua bán, trao đổi hàng hóa thuận lợi. Đồng bào Khmer nghèo trên địa bàn còn được hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, được vay vốn tín dụng, cấp phát thẻ bảo hiểm y tế, được hỗ trợ nhà ở, đất ở, tiền điện, miễn giảm học phí…

Chỉ tính riêng năm 2020, huyện đã huy động tổng số tiền hơn 266 tỷ đồng để thực hiện công tác giảm nghèo bền vững. Nhờ vậy, đời sống của người dân địa phương được nâng lên đáng kể. Tỷ lệ hộ nghèo được kéo giảm từng năm; năm 2020, huyện tiếp tục xóa được hơn 700 hộ nghèo. Đến nay, Trà Cú đã có 9/15 xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững

Chú thích ảnh
Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng để tăng hiệu quả sản xuất, nhiều nông dân ở Trà Vinh đã trồng luân canh 1 vụ lúa 2 vụ màu cho thu nhập tăng nhiều lần so với độc canh cây lúa.

Với mục tiêu đưa Trà Cú trở thành huyện nông thôn mới trước năm 2023, Đảng bộ và chính quyền huyện Trà Cú tập trung nhiều giải pháp. Để nâng cao hiệu quả sản xuất của người dân, địa phương phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất.

Ông Dương Văn Triệu, Bí thư Huyện ủy Trà Cú cho biết, nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ huyện quyết tâm phát triển vượt bậc về kinh tế - xã hội, đưa Trà Cú phát triển nhanh và bền vững. Bên cạnh chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả, địa phương cũng đang xây dựng kế hoạch hỗ trợ nông dân chuyển đổi diện tích trồng mía kém hiệu quả sang cây trồng khác và nuôi thủy sản. Cùng với việc hướng dẫn nông dân về khoa học kỹ thuật trên những cây trồng, vật nuôi mới, huyện Trà Cú đang tích cực tìm kiếm các doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực nông nghiệp để liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, giúp đầu ra nông sản ổn định, nông dân địa phương yên tâm chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Theo ông Hà Thanh Sơn, Phó trưởng ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh, việc thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào Khmer đã và đang tạo nên diện mạo mới ở nhiều vùng quê trên địa bàn tỉnh. Các chính sách đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo đã tạo sự chuyển biến rõ nét, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào Khmer. Đến nay, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã, 100% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế, 100% trạm y tế xã có đủ điều kiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; 100% xã có mạng lưới trường mầm non, phổ thông, trung tâm học tập cộng đông; 76% công trình thủy lợi nhỏ đáp ứng nhu cầu tưới tiêu cho diện tích cây trồng hàng năm...

Phum sóc từng ngày đổi mới. Mùa Xuân 2021, cùng với người dân cả nước, đồng bào Khmer Trà Vinh cũng tuân thủ quy định phòng, chống dịch COVID-19, nên không khí những ngày giáp Tết ở phum sóc không tất bật, rộn ràng như mọi năm; nhưng sắc Xuân đang tràn ngập trên những nét mặt phấn khởi của bà con Khmer, hứa hẹn một năm mới sung túc, ấm no, đủ đầy.

Bài và ảnh: Thanh Hòa (TTXVN)
Hỗ trợ, động viên người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số dịp Tết
Hỗ trợ, động viên người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số dịp Tết

Thực hiện công tác hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021, các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Cao Bằng đã có nhiều hoạt động thiết thực như hỗ trợ thăm hỏi, động viên, tặng quà cho các hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN