Người dân Tây Bắc chờ cao su cho mủ

Tây Bắc trồng cây cao su từ năm 2008, đến nay đã có nhiều diện tích cao su đến thời kỳ cho mủ, nhưng các công ty chỉ khai thác thử nghiệm. Người dân góp đất trồng cao su trông ngóng từng ngày vườn cây “mở miệng” để có thu nhập, đời sống đỡ phần khó khăn.

Mong mỏi “vàng trắng”


Người dân góp đất trồng cao su được hứa hẹn ký hợp đồng với công ty và được hưởng 10% sản phẩm khi cạo mủ. Tuy nhiên, nhiều diện tích cây cao su vùng Tây Bắc đã quá thời gian cho mủ một đến hai năm, nhưng do giá mủ giảm sâu và chưa xây dựng nhà máy chế biến nên các công ty chỉ cạo thử với số lượng nhỏ. Người dân đã góp đất trồng cao su, còn rất ít đất sản xuất, nên chỉ trông ngóng vườn cao su cho mủ bán, lấy tiền chi phí sinh hoạt của gia đình. 

 

Công ty CP Cao su Điện Biên tập huấn cạo mủ cao su cho công nhân. Tiền công thấp, công nhân Công ty CP Cao su Sơn La phải vay nợ để đóng bảo hiểm.


Các hộ dân đội 12 thuộc bản Mền, xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên (Điện Biên) góp 13 ha đất vào Công ty CP Cao su Điện Biên và được giao khoán trồng, chăm sóc. Cây cao su bén rễ từ năm 2008, theo chu kỳ phát triển thì sáu đến bảy năm sau sẽ cho mủ, nhưng đến nay vườn cao su vẫn “ngậm miệng”. Trưởng bản Lò Văn Tịnh cho biết: “Các hộ dân nghèo góp đất trồng cao su mong có thu nhập để thoát nghèo. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hợp đồng ký kết đã làm xong, nhưng vườn cao su mãi không cạo mủ. Mọi người cứ đến nhà tôi hỏi lý do tại sao vẫn chưa thấy công ty tiến hành cạo mủ. Có người còn đòi chặt cây để lấy đất trồng hoa màu. Tôi sốt ruột lắm!”.

Đứng ở ngôi nhà sàn, ông Lò Văn Tịnh chỉ tay về đồi cao su xanh bạt ngàn, nói: “Trước về vận động người dân góp đất trồng, họ nói chỉ 7 năm là có ăn chia sản phẩm mủ cao su để bán, có tiền thoát nghèo. Bản có 43 hộ, mà chỉ còn 12 ha ruộng trồng lúa thì sao đủ ăn. Dân bản bức xúc cũng không trách được”. 

Ông Đinh Quế Hải, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc: Đảm bảo sinh kế cho dân Cây cao su là cây trồng mới ở vùng Tây Bắc, chính sách phát triển loại cây này là đúng chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước nhưng phải rất thận trọng, không nên phát triển ồ ạt. Trong tình hình hiện nay, các địa phương có cây cao su cần tập trung đầu tư và chăm sóc vườn cây đã trồng; đặc biệt là giải quyết những vướng mắc khi người dân góp đất, quan tâm hỗ trợ người trồng cao su... Đồng bào dân tộc thiểu số Tây Bắc đời sống khó khăn, doanh nghiệp xác định vườn cao su đến tuổi thu hoạch thì phải xây dựng nhà máy để tiến hành khai thác mủ. Có nhà máy, giá thành sản phẩm sẽ được nâng lên, lợi tức của cả doanh nghiệp và người dân cao hơn. Chính quyền địa phương và Tập đoàn Cao su Việt Nam phải vào cuộc mạnh mẽ, tháo gỡ những vướng mắc, tiến hành khai thác diện tích vườn cây đã cho mủ, để người dân sớm có lợi tức, đảm bảo sinh kế lâu dài.


Tại xã Nậm Tăm, huyện Sìn Hồ (Lai Châu), cả chính quyền và người dân cũng đang nóng lòng từng ngày chờ cây cao su cho mủ. Cả xã có 400 hộ dân góp 1.600 ha trồng cao su, trong đó khoảng 600 ha đã quá thời gian cạo mủ. Theo chủ tịch UBND xã Cà Văn Nguyên, diện tích đã cho mủ thì công ty cao su phải tiến hành khai thác, để người dân có thu nhập. Đồng bào đời sống khó khăn, chỉ dựa vào mấy mảnh ruộng nương để mưu sinh trồng cây ngắn ngày như: lúa, ngô, sắn... bảo đảm lương thực cho gia đình. Lấy đất sản xuất góp trồng cao su, phải chờ đợi một thời gian dài không thu nhập, người dân lo bữa ăn từng ngày mong vườn cây cao su sớm cho mủ.


Gia đình ông Quàng Văn Uấn, dân tộc Thái ở bản Pá Khôm 1, xã Nậm Tăm, huyện Sìn Hồ (Lai Châu) góp 5 ha đất để trồng cao su. Đưa chúng tôi thăm vườn cao su sau nhà, ông Sanh thở dài nói: “Gia đình tôi góp hết đất cho công ty để trồng cao su. Gần 10 năm, gia đình phải xoay sở kiếm ăn từng ngày. Cây đã đến thời kỳ cho mủ nhưng công ty không khai thác. Các thành viên trong nhà bảo chặt đi để trồng cây ngắn ngày, nhưng giờ bỏ thì thương mà vương thì tội”. Cùng hoàn cảnh, 50 hộ dân ở bản Pá Khôm 1 góp đất trồng cây cao su, giờ đây họ không còn mặn mà với loại cây này.


Trước tình hình giá mủ cao su giảm và nhà máy chế biến chưa được xây dựng, các địa phương chủ trương không trồng diện tích mới để tập trung chăm sóc, bảo vệ vườn cây cũ và tiến hành cạo mủ. Ông Hà Văn Quân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên cho biết: “Tôi không đồng ý việc giá mủ thấp, chưa xây dựng được nhà máy chế biến mà các công ty trì hoãn cạo mủ diện tích đã quá thời gian thu hoạch. Mặc dù trong tình hình này, công ty đứng trước nhiều khó khăn, nhưng đã hứa với dân thì phải nghĩ cách để cạo mủ đại trà, giúp bà con có thu nhập, ổn định đời sống”. Theo ông Quân, tỉnh Điện Biên đang suy tính việc thu lại một số diện tích đất trồng cao su không hiệu quả, giao lại cho người dân để sản xuất.


“Đổ nợ” vì trồng cao su


Theo thống kê của Công ty CP Cao su Sơn La, hiện tại công nhân phải vay nợ công ty 7,8 tỷ đồng để đóng bảo hiểm, vì tiền lương không đủ sống. Từ năm 2015 đến 2016, công ty có gần 200 công nhân và cán bộ bỏ việc. Cả tỉnh Sơn La có 6.200 hộ góp đất trồng, tổng diện tích trồng cao su là hơn 6.000 ha, trong đó gần 200 ha đã đến thời gian cho mủ. 

Theo Ban Chỉ đạo Tây Bắc, quy hoạch phát triển cây cao su ở Tây Bắc gồm các tỉnh: Điện Biên, Lai Châu, Sơn La. Hiện nay, các địa phương này có khoảng 1.000 ha đã đến kỳ thu mủ, nhưng các công ty cũng chỉ cạo thử nghiệm hơn 200 ha.


Hộ ông Cà Văn Bọm, dân tộc Thái ở bản Ka, xã Chiềng Khoang, huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) góp 1 ha đất để trồng cao su. Làm công nhân từ năm 2013, hiện nay ngày công và lương giảm, mỗi tháng phải vay mượn 200.000 đồng để đóng bảo hiểm. Gia đình chỉ còn 500 m2 đất trồng lúa, mỗi năm thu được 5 tạ thóc, nhà có 5 khẩu sẽ không đủ ăn. Hàng ngày vợ chồng phải đi làm thuê, được trả công 60.000 đồng mua gạo và thức ăn. Ông Bọm cho rằng, dân bản nghèo, góp đất và tham gia trồng, chăm sóc, vườn cây cao su đến thời kỳ cho mủ thì công ty phải khai thác để bảo đảm sinh kế cho bà con.


Ông Lù Văn Đỉnh, Trưởng bản Huổi Cuổi, xã Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) đưa chúng tôi đi thăm hỏi một số hộ dân góp đất trồng cao su. Ông Đỉnh chia sẻ: “Bà con dân bản góp đất trồng cao su khó khăn lắm! Nhiều hộ không còn đất phải vào rừng sâu chiếm đất, vỡ hoang để trồng trọt, chăn nuôi. Chính quyền cấm, nhưng họ vẫn cứ làm”. 

Ông Phan Văn Lợi, Tổng Giám đốc Công ty CP Cao su Điện Biên: Cần hỗ trợ công ty xây dựng nhà máy chế biến Điện Biên nói riêng và các tỉnh Tây Bắc nói chung do địa hình đồi núi dốc, suất đầu tư cao, lao động là người dân tộc thiểu số, nên quá trình trồng, chăm sóc và khai thác cây cao su gặp nhiều khó khăn. Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, UBND tỉnh cần nhanh chóng có chính sách hỗ trợ mặt bằng để xây dựng nhà máy chế biến mủ cao su. Có mặt bằng sạch, công ty sẽ xây dựng nhà máy và tiến hành cạo mủ đại trà, tạo việc làm, nâng cao đời sống người dân góp đất trồng cao su. Theo kế hoạch, công ty sẽ xây dựng nhà máy chế biến công suất hơn 8.000 tấn/năm, tổng mức đầu tư trên 100 tỷ đồng. Nếu công ty phải chi trả tiền bồi thường giải phóng mặt bằng gần 10 tỷ đồng thì rất khó khăn trong thời điểm Tập đoàn Cao su Việt Nam cắt giảm suất đầu tư. Hai tỉnh Sơn La, Lai Châu có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, bàn giao mặt bằng sạch để công ty lập kế hoạch khởi động xây dựng nhà máy chế biến. Xây dựng nhà máy chế biến mủ cao su, vừa giúp tiêu thụ lượng mủ của người dân, vừa nâng cao lợi nhuận và tạo việc làm cho con em đồng bào dân tộc địa phương. Công ty chưa xây dựng được nhà máy chế biến, chính là nguyên nhân chậm cạo mủ đại trà diện tích đến thời điểm khai thác. Mặc dù công ty đã đề xuất ý kiến nhiều lần với lãnh đạo tỉnh Điện Biên, nhưng chưa có câu trả lời rõ ràng. Nếu kéo dài ngày chờ khai thác, đời sống của người dân sẽ gặp khó khăn hơn.


Vào hộ ông Lò Văn Pánh, nhà trống không có người. Hàng xóm cho biết cả gia đình ông Pánh chuyển vào trong rừng để làm nương, vài tháng mới về một lần. Trưởng bản Lù Văn Đỉnh cho biết: “Gia đình ông Pánh góp 4.000 m2 trồng cao su, còn lại ít đất ruộng, làm không đủ ăn nên cả gia đình vào rừng chiếm đất sản xuất để trồng trọt. Chính quyền thông báo tới gia đình cấm được chiếm đất, ông Pánh trả lời ở nhà không có đất sản xuất thì chết đói”.


Chưa có cơ sở pháp lý ăn chia


Người dân góp đất trồng cao su sẽ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) và nộp cho công ty cao su, hai bên sẽ ký hợp đồng thỏa thuận tỷ lệ ăn chia sản phẩm. Tuy nhiên, thực tế tại các địa phương, việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ tiến hành chậm nên việc ký hợp đồng giữa công ty cao su và người dân góp đất rất hạn chế. Người dân lo lắng, thiếu cơ sở pháp lý khi tiến hành khai thác mủ. 

 

Tiền công thấp, công nhân Công ty CP Cao su Sơn La phải vay nợ để đóng bảo hiểm.


Theo thống kê từ Công ty CP Cao su Điện Biên, hiện nay mới ký hợp đồng đạt hơn 20% với các hộ dân. Khó khăn đặt ra là giữa Công ty CP Cao su Điện Biên và người dân chưa có hợp đồng về mặt pháp lý, vì hầu hết các hộ chưa được cấp giấy chứng nhận QSDĐ nên rất khó để thực hiện cạo mủ. Anh Lò Văn Khánh, Trưởng thôn 13, bản Mền, xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên (Điện Biên) cho biết: “Người dân không được biết số lô, thửa, tỷ lệ phần trăm được chia khi thu hoạch mủ. Như vậy, dù người dân đã góp đất trồng cao su nhưng lại chưa có sự ràng buộc pháp lý với công ty”.

Công ty CP Cao su Điện Biên cho biết, diện tích đất người dân góp đang bị vướng ở việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ. Công ty vừa kiến nghị với tỉnh Điện Biên sớm chỉ đạo các ban, ngành, địa phương liên quan hoàn thiện hồ sơ, cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho người dân, từ đó có cơ sở pháp lý để công ty ký hợp đồng liên kết. Công ty sẽ thực hiện theo hướng địa phương nào hoàn thiện thủ tục sẽ ký hợp đồng với địa phương đó. Công ty sẽ kéo dài thời gian tiến hành thu hoạch và có chính sách hỗ trợ người dân, đảm bảo cuộc sống. 

Ông Quàng Văn Sanh, dân tộc Thái ở bản Pá Khôm, xã Nậm Tăm, huyện Sìn Hồ (Lai Châu): Chờ lâu, dân sẽ mất lòng tin Điều kiện kinh tế của đồng bào dân tộc thiểu số rất khó khăn, tham gia góp đất trồng cao su, có hộ mất hết đất sản xuất. Theo chu kỳ sinh trưởng của cây cao su, 7 - 8 năm mới cho khai thác mủ, vì vậy người dân cần Nhà nước hỗ trợ để đảm bảo sinh kế. Diện tích cao su đến thời kỳ cho mủ nhưng chưa tiến hành khai thác, chính quyền và các công ty cao su cần có cơ chế chính sách hỗ trợ, ổn định đời sống của những người trồng cao su. Đồng bào khó khăn, chờ mãi chưa được ăn chia sản phẩm sẽ mất lòng tin vào loại cây này, sinh ra chán nản và chặt bỏ, gây ra nhiều hệ lụy. Đặc biệt, chính quyền địa phương và công ty cao su cần phối hợp chặt chẽ, tháo gỡ vướng mắc cấp giấy chứng nhận QSDĐ, ký hợp đồng tỷ lệ ăn chia để người dân yên tâm.


Ông Lù Văn Đỉnh, Trưởng bản Huổi Cuổi, xã Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) cũng cho biết: “Bản có 48 hộ góp đất trồng cao su, nhưng trồng từ năm 2008 đến nay vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận QSDĐ và ký hợp đồng thống nhất tỷ lệ ăn chia sản phẩm với công ty cao su. Bà con dân bản không biết đất mình ở đâu, lo lắng cây cao su đến ngày khai thác mủ mà chưa ký hợp đồng thì căn cứ đâu để được ăn chia sản phẩm?”.


Lãnh đạo Công ty CP Cao su Sơn La cho biết, chưa ký hợp đồng với các hộ dân góp đất nên khó khăn về cơ sở pháp lý khi tiến hành khai thác mủ. Tuy nhiên, công ty đang gấp rút để hoàn thiện các thủ tục để ký kết hợp đồng với các hộ góp đất, thống nhất phương án ăn chia sản phẩm trước khi khai thác mủ.

Việt Hoàng
Băn khoăn với cây cao su Tây Bắc - Bài 3
Băn khoăn với cây cao su Tây Bắc - Bài 3

Gần 8 năm góp đất trồng cây cao su, nhiều hộ dân vẫn chưa được chính quyền cấp giấy Quyền sử dụng đất (sổ đỏ) và ký hợp đồng góp đất với công ty cao su. Người dân lo lắng sẽ bị mất đất và boăn khoăn vườn cây cao su sắp mở miệng thì dựa cơ sở nào để được ăn chia lợi nhuận?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN