Ngăn chặn sạt trượt đất đá

Đến hẹn lại lên, vào mùa mưa bão nhiều đồi núi lại cựa mình quẳng xuống hàng nghìn, hàng vạn mét khối đất đá, cướp đi nhiều sinh mạng, chôn vùi các ngôi nhà, phá nát hoa màu, chặn lấp những con đường huyết mạch.

Nỗi đau thảm họa

Theo thống kê của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, từ năm 2000 đến năm 2015, cả nước ghi nhận trên 250 đợt lũ quét, sạt trượt đất, làm chết và mất tích hơn 646 người, hơn 9.700 ngôi nhà bị hư hỏng, nhiều công trình dân sinh, giao thông, thủy lợi bị hư hại, thiệt hại về kinh tế trên 3.300 tỷ đồng. Chỉ tính riêng đợt mưa lũ lịch sử diễn ra đầu tháng 10 vừa qua, đã cướp đi sinh mạng của gần 50 người, nâng tổng số người chết do sạt lở, lũ quét từ đầu năm 2017 đến nay lên hơn 100 người. 

Sạt trượt đá làm nhiều tuyến đường ở vùng núi bị tắc nghẽn.

Trước đó, trong 2 ngày 2 và 3/8/2017, mưa lũ, sạt lở đất, lũ quét tại 4 tỉnh Sơn La, Yên Bái, Điện Biên, Lai Châu đã khiến 42 người chết và mất tích; 239 ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi, 398 hộ dân phải di dời, trên 1.400 tỷ đồng, tương đương với 62 triệu USD đã bị lũ quét nhấn chìm. Tại Sơn La, những cơn mưa lớn từ tháng 6 đến ngày 15/8/2017, đã gây sạt lở đất, lũ ống, lũ quét làm 17 người chết, 3 người mất tích, 23 người bị thương, 297 nhà bị sập đổ, 1.561 nhà bị hư hỏng, 28 điểm trường học bị thiệt hại... Tổng thiệt hại vật chất của địa phương này lên đến 905 tỷ đồng. 

Tại Yên Bái, lũ quét đã khiến 8 người chết, 6 người bị mất tích, 9 người bị thương, hàng trăm ngôi nhà bị cuốn trôi, hư hỏng, nhiều công trình bị tàn phá. Tổng thiệt hại vật chất lên tới trên 546,7 tỷ đồng. Theo nghiên cứu của Viện Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Việt Nam có 4 vùng được xác định có nguy cơ trượt lở lớn về đồi núi như vùng Lai Châu - Điện Biên; vùng Hoàng Liên Sơn bao gồm các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang... và các tỉnh Trung Trung Bộ như Quảng Nam, Quảng Ngãi. Ngoài các khu vực trên, tỉnh Bắc Kạn cũng là địa bàn thường xuyên xảy ra trượt lở, trong đó tập trung chủ yếu ở các huyện Chợ Đồn, Ba Bể...

Từ năm 2000 đến nay trung bình mỗi năm ở vùng núi phía Bắc có khoảng 47 người chết do loại hình thiên tai lũ ống, lũ quét và sạt lở đất.

Những năm qua, cùng với tiến trình xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển kinh tế - xã hội, nạn trượt lở đất đá ở vùng núi cao, sườn dốc xuất hiện ngày càng nhiều trên địa bàn các tỉnh miền núi, kéo theo lũ bùn đất vùi lấp nhiều nhà cửa, đất canh tác và cướp đi sinh mạng của hàng chục người. Nguyên nhân là do các hiện tượng tai biến địa chất liên quan đến sự dịch chuyển của vật liệu đất, đá, mảnh vụn từ sườn dốc đổ xuống phía dưới vì tác động của trọng lực. Các hiện tượng này có thể xảy ra trên bất kỳ địa hình nào khi mà các điều kiện về vật chất, độ ẩm và độ dốc của sườn đồi núi.

PGS.TS Vũ Mạnh Lợi, nguyên Phó Viện trưởng Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhận định, các vùng miền núi nước ta có đặc điểm chung là địa hình chia cắt, độ dốc lớn, dân cư thường sống tập trung ở chân đồi, núi. Dưới tác động của nhiều hoạt động nhân sinh của con người như xây dựng giao thông, các công trình thủy điện, thủy lợi, các hoạt động chặt phá rừng. Do đó hiện tượng trượt lở đất đá luôn rình rập, đe dọa cuộc sống và tính mạng của người dân. Tại 10 tỉnh miền núi phía Bắc đang có khoảng 10.266 điểm nguy cơ sạt lở đất, trong đó 2.110 điểm nguy cơ khối lượng trượt lớn, rất lớn và đặc biệt lớn.

Ứng phó với sạt trượt đất đá

Theo các nhà khoa học, sạt - trượt đất xảy ra bởi các yếu tố như mưa xói bề mặt, biến đổi mực nước ngầm, động đất... Mái đất đã tồn tại hàng trăm, hàng ngàn năm không dễ gì tự nhiên sạt xuống, nên hiện tượng sạt - trượt có thể diễn tiến rất chậm, là kết quả tác động lâu dài của nước ngầm thấm, phong hóa bề mặt do gió mưa, nắng... Tuy nhiên, trượt đất cũng phát sinh khi chịu tác động trực tiếp của con người kết hợp với các yếu tố thiên nhiên như mưa lớn, lũ lụt, động đất... khiến khối đất đá nằm trên mái dốc hoặc sườn đồi, núi bị mất ổn định cơ học, tự tách ra thành một hoặc nhiều khối chuyển động tự do xuống phía dưới. 

Mùa mưa, lực lượng chức năng thường xuyên phải ứng trực để san ủi đất đá.

Thời gian qua, Chính phủ đã dành nhiều kinh phí cho các nghiên cứu nền địa chất, thu thập số liệu, xây dựng bản đồ cảnh báo, lắp đặt trạm quan trắc... song giới chuyên môn nhận định, mức đầu tư vẫn chưa đủ bởi thiệt hại do trượt lở, bão lũ gây ra vô cùng lớn. Vì vậy, khi bàn về một giải pháp tổng thể, vĩ mô để phòng chống sạt - trượt, các chuyên gia đều cho rằng thay vì chạy theo xử lý sự cố, cần đầu tư vào các giải pháp ngăn chặn - tuy cần lượng kinh phí rất lớn nhưng hiệu quả kinh tế thực ra lại cao hơn rất nhiều, chưa tính đến số sinh mạng và tài sản - trong đó có các di sản văn hóa quý giá - mà chúng ta cứu được nhờ ngăn “con quái vật” trượt lở đất “thức giấc”.

Khi xảy ra sạt - trượt, người có thể chạy nhưng nhà cửa, đường sá, di tích, chùa chiền không di chuyển. Bởi vậy, bên cạnh việc lập quy trình cảnh báo và sơ tán, cần xử lý nguyên nhân gây sạt - trượt và gia cố chống lại việc gây sạt - trượt bằng các giải pháp công nghệ. Trong đó, các giải pháp giá rẻ, làm tạm vài năm lại phải sửa chưa chắc đã kinh tế bằng làm giá cao nhưng bền vững. Đó là chia sẻ của tiến sỹ Nghiêm Minh Quang - chuyên gia Ủy ban Sạt - Trượt đất thuộc Tổng hội Xây dựng Nhật Bản, điều phối dự án Việt Nam của Tổng hội Sạt - Trượt đất quốc tế - với Khoa học và Phát triển. TS Đinh Văn Tiến, Viện Khoa học Công nghệ và Giao thông vận tải, cho rằng để có giải pháp phòng chống hiệu quả, cần cái nhìn tổng quan ở tầm vĩ mô, có các công cụ hữu hiệu để quản lý, như xây dựng cơ sở dữ liệu vùng nguy cơ; xây dựng hệ thống quan trắc tại các địa phương; lập bản đồ cơ bản như nhận dạng trượt đất, đánh giá khu vực nhạy cảm, đánh giá rủi ro các điểm từng trượt lở, khu vực ảnh hưởng khi trượt đất.

Giải pháp đối phó khi có sạt lở đất là thiết lập hệ thống thông tin công cộng để dự báo và cảnh báo cho cộng đồng, lập hệ thống giám sát khu vực, có kế hoạch sơ tán dựa trên bản đồ tích hợp, thiết lập hệ thống cảnh báo sớm... Theo PGS Nguyễn Bá Kế, nhiều nước có chương trình quản lý sạt trượt rất tốt, bố trí các điểm dân cư tránh vùng nguy hiểm. Các điểm dân cư trong vùng nguy hiểm được củng cố, gia cường. Như Thụy Điển chỉ dự báo sạt lở ở những vùng quan trọng bằng hệ thống tự động. Hệ thống trị giá 200 - 300 triệu USD này thông báo về độ ẩm, nguy cơ sạt trượt. Còn Nhật Bản có hệ thống quan trắc từ máy bay và vệ tinh, thống kê các điểm cảnh báo, kết nối với vệ tinh và gửi về trung tâm. Thiên tai là bất định, thiệt hại là vô cùng, chỉ khi chú trọng vào những biện pháp phòng chống và cảnh báo sớm, chúng ta mới không còn phải chứng kiến những mất mát như hiện nay. 

PGS.TS Nguyễn Bá Kế, nguyên Viện trưởng Viện KHCN xây dựng (Bộ Xây dựng):

Trồng cây có rễ sâu giúp giảm nguy cơ sạt trượt 


"Việc chúng ta đã có bản đồ sạt lở và hệ thống quan trắc cho thấy Việt Nam đi đúng và bài bản, nhưng điều mà tôi quan tâm là mức độ chính xác tới đâu. Quan trắc kỹ thì độ chính xác cao. Nếu mật độ điểm quan trắc thưa thì độ chính xác sẽ giảm. Các giải pháp phòng, chống hiện cũng có nhiều, gồm giải pháp công trình và phi công trình. Các giải pháp công trình - gồm che chắn, tường, cọc, hố thu nước để chống sạt lở - đầu tư rất tốn kém. Còn các giải pháp phi công trình là giáo dục người dân ý thức bảo vệ trong các việc từ nhỏ đến lớn, biết cách xử lý khi có lũ quét; hay trồng các loại cây phù hợp để che phủ, hút nước, giúp nước không bị tràn lên. Hiện nay, ngành giao thông đang trồng nhiều cây có rễ rất sâu, ăn vào trong lòng đất ở những vùng có nguy cơ sạt - trượt cao, giống như thép nằm trong bêtông, giúp đất giữ nước. Một khi có kiến thức, người ta sẽ biết tránh né để giảm bớt tổn thất. Hiện người dân chưa hiểu biết nhiều nên vẫn còn khó khăn. 


TS Nguyễn Đức Mạnh, Khoa Công trình, Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội: 

Cần đầu tư thích đáng cho việc phòng ngừa 


Hiện nay, các cấp chính quyền hầu như mới chỉ quan tâm đến việc giảm thiểu tác hại của sạt - trượt khi sự việc đã xảy ra rồi. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải lường trước, chuẩn bị trước, bắt đầu từ việc nhà quản lý quy hoạch khu dân cư, quy hoạch xây dựng các tuyến đường, công trình thủy điện, thủy lợi phải tính được tác động đối với vùng hạ lưu như thế nào, tác động của việc đào đất ra sao, cần nghiên cứu cái gì, nên lắp đặt hệ thống cảnh báo sớm ở đâu, như thế nào... Và thực tế điều này chúng ta chưa có. Có thể nói chúng ta chưa đầu tư thích đáng, mang tính hệ thống để bảo vệ từ khi trượt lở đất chưa xảy ra. 


TS Shinro Fujii, Chuyên gia cao cấp địa kỹ thuật, Công ty Okuyama Boring (Nhật Bản): 

Gia cố bằng neo, đinh đá và tường đá 

Ngoài việc dùng cọc, còn một số phương pháp chống sạt - trượt dựa trên các cấu trúc hỗ trợ như neo, đinh đá hay tường đá. Phương pháp gia cố bằng neo được thực hiện dựa trên nguyên tắc là các neo sử dụng sức căng của cơ neo đính khối đất đá dễ bị sạt - trượt trên bề mặt vào khối đá tảng ổn định (phần đất ổn định phía dưới đới trượt). Những neo này cũng được đính thành khối chặn trên bề mặt. Ưu điểm của phương pháp này là tạo ra một lực giữ khá lớn từ những mấu neo sử dụng. Biện pháp xây dựng tường đá được sử dụng để ngăn những vụ sạt lở quy mô nhỏ hoặc các vụ sạt lở phái sinh ở phần chân của vụ sạt lở lớn. Do sự chấn động của vỏ trái đất và rất nhiều hoạt động đàn hồi diễn ra ở địa hình sạt - trượt, người ta ưu tiên sử dụng những bức tường chắn kiểu rọ linh động hơn là sử dụng tường chắn gia cố bằng bêtông truyền thống”.




Bài và ảnh: Trọng Thủy/Báo Tin Tức
Thanh Hóa: Sạt lở đất đá do mưa lớn, xã Tam Thanh bị cô lập
Thanh Hóa: Sạt lở đất đá do mưa lớn, xã Tam Thanh bị cô lập

Ngày 5/10, mưa lớn kéo dài đã khiến gần 200.000m3 đất đá đổ ập xuống tuyến đường Tam Lư - Tam Thanh, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) đi tỉnh Hủa Phăn (Lào). Sự cố này khiến xã Tam Thanh bị chia cắt với bên ngoài.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN