Bên cạnh những khó khăn, thời gian qua, lãnh đạo tỉnh Long An luôn quán triệt chủ trương phòng dịch nghiêm ngặt, nỗ lực trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 để bảo vệ sản xuất.
Toàn dân phòng, chống dịch
Từ khi xuất hiện trường hợp đầu tiên dương tính với SARS-CoV-2 trong cộng đồng tại huyện Cần Giuộc ngày 27/5, đến 6 giờ ngày 29/6, Long An đã ghi nhận tổng cộng 90 ca mắc COVID-19, trong đó đa số là bệnh nhân mắc trong cộng đồng. Ba huyện có số ca mắc nhiều nhất trong tỉnh là Cần Giuộc, Đức Hòa và Bến Lức, cũng là 3 huyện giáp ranh Thành phố Hồ Chí Minh.
Là huyện giáp ranh Thành phố Hồ Chí Minh, lại có đông khu công nghiệp, việc đi lại, giao thương của huyện Đức Hòa là rất lớn. Bên cạnh đó, huyện cũng có khá đông người từ các tỉnh, thành phố khác sinh sống và làm việc, bởi vậy sự chủ động tham gia phòng, chống dịch của người dân và các lực lượng liên quan là rất cần thiết.
Trong thời điểm dịch bệnh, trạm y tế xã, phường, thị trấn... tiếp nhận nhiều luồng thông tin từ người dân cũng như các công ty xí nghiệp phản hồi. Chị Nguyễn Thị Trang Thùy, Trưởng trạm Y tế xã Đức Hòa Đông, huyện Đức Hòa, cho biết: Vì sức khỏe của bản thân, gia đình và những người xung quanh, đa số người dân tự giác khai báo, không né tránh mà sẵn sàng hợp tác, thực hiện đầy đủ thông điệp 5K, đặc biệt là khai báo y tế. Người về từ vùng dịch, công nhân từ các công ty, xí nghiệp nếu thuộc diện F1, F2 cũng tự động đến khai báo. Từ những nguồn thông tin đó, Trạm y tế dễ dàng theo dõi, quản lý và hướng dẫn người dân thực hiện tốt các quy định phòng dịch.
Trạm y tế cũng thành lập đội xung kích để sâu sát hơn trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Để các trường hợp yên tâm tự giác cách ly tại nhà, đặc biệt đối với công nhân ở trọ, nhiều chủ nhà trọ hỗ trợ mua thức ăn để ngay trước cửa. Bên cạnh đó, cán bộ nhân viên trạm y tế cũng là người đi chợ cho những công nhân phải cách ly tại nhà; vận động mạnh thường quân ủng hộ nhu yếu phẩm, trứng, rau xanh, gạo, mì, thuốc men... hay chủ nhà trọ giảm tiền phòng trong thời gian cách ly đối với những trường hợp khó khăn. “Do có sự chung tay, góp sức từ mọi phía nên dù vất vả, công tác phòng, chống dịch cũng bớt đi gánh nặng rất nhiều" - chị Nguyễn Thị Trang Thùy chia sẻ.
Từ khi xuất hiện ca bệnh đầu tiên trong cộng đồng, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Long An thường xuyên tổ chức họp trực tuyến với các địa phương, ban, ngành nhằm quán triệt tinh thần thần tốc, quyết liệt trong chống dịch, nhưng không lơ là phát triển kinh tế, thực hiện tốt “mục tiêu kép” và phương châm 4 tại chỗ, kiểm soát tốt biên giới... Nhiều văn bản của các cấp ủy đảng được ban hành trong từng thời điểm chống dịch và phù hợp với từng địa phương.
Trong đó, tiêu biểu là công văn 5183 của UBND tỉnh Long An ngày 4/6/2021 về việc thực hiện các biện pháp quản lý đối với trường hợp từng đến, trở về từ các địa phương áp dụng Chỉ thị số 15 của Thủ tướng Chính phủ. Với tinh thần "không ngăn sông, cấm chợ", công văn thể hiện mục tiêu trước hết là bảo đảm an toàn cho sức khỏe của người dân; đồng thời tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Ông Huỳnh Minh Phúc, Giám đốc Sở Y tế, Phó Trưởng ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Long An cho biết: Tất cả những việc ngày góp phần hạn chế rõ rệt người về từ những địa phương áp dụng Chỉ thị 15, 16 của Chính phủ, góp phần củng cố tinh thần phòng, chống dịch cho nhân dân.
Đối với công nhân từ các địa phương khác đến làm việc tại Long An và ngược lại, tỉnh có quy định rõ là chủ doanh nghiệp chịu trách nhiệm và thực hiện đầy đủ việc quản lý, giám sát chặt chẽ theo Quyết định số 2194 ngày 27/5/2020 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 về việc “Hướng dẫn phòng, chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 tại nơi làm việc và ký túc xá cho người lao động”. Theo đó, Liên đoàn Lao động các cấp và doanh nghiệp trong tỉnh quản lý, giám sát chặt chẽ việc bảo đảm khoảng cách, khai báo y tế hàng ngày, lịch trình di chuyển của công nhân lao động. “Sau khi điều chỉnh, bổ sung một số quy định, đến nay công văn 5183 đã tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện sản xuất kinh doanh, điều kiện sinh hoạt của người dân và việc lưu thông hàng hóa được thuận lợi” – ông Huỳnh Minh Phúc thông tin.
Phòng dịch nghiêm ngặt để bảo vệ sản xuất
Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Long An Nguyễn Văn Út nhấn mạnh, hiện nay trên địa bàn tỉnh mỗi ngày đều phát hiện thêm các trường hợp F1. Theo đó, các ban, ngành địa phương cần tiếp tục kiểm soát ngay từ đầu, truy vết nhanh, khoanh vùng gọn các trường hợp F1, F2 để kịp thời, chủ động các giải pháp phòng, chống dịch.
Lãnh đạo tỉnh Long An cũng yêu cầu các ngành, các cấp quyết liệt phòng, chống dịch trong các doanh nghiệp và các khu, cụm công nghiệp; các cấp chính quyền không lơ là cũng không hoang mang lo lắng, chủ động thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh. Người đứng đầu địa phương, đơn vị chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong trường hợp đơn vị hay địa bàn phụ trách xảy ra dịch bệnh lan rộng do lỗi chủ quan.
Do lượng công nhân trên địa bàn tỉnh lớn, với khoảng 370.000 người, nên việc triển khai xét nghiệm SARS-CoV-2 trong tình hình mới theo công văn của Bộ Y tế là cần thiết. Thực hiện hướng dẫn của Sở Y tế, ngày 28/6, UBND huyện Bến Lức đã có văn bản chỉ đạo các cơ sở y tế, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tự thực hiện xét nghiệm bằng test nhanh kháng nguyên cho các đối tượng theo quy định.
Huyện Bến Lức đã có 14 ca mắc COVID-19 chủ yếu là công nhân lao động. Lãnh đạo huyện đã chỉ đạo các ban, ngành liên quan chủ động quản lý tốt các khu nhà trọ, nơi công nhân lưu trú. Trên địa bàn huyện có 11 khu - cụm công nghiệp với khoảng 60.000 công nhân; trong đó người nhập cư chiếm trên 50%. Huyện yêu cầu chủ nhà trọ bên cạnh việc thực hiện nhà trọ văn hóa phải cam kết trở thành tổ COVID-19 an toàn, nâng cao ý thức phòng, chống dịch trong công nhân lao động.
Trong 6 tháng cuối năm, Long An xác định nhiệm vụ quan trọng là: Tiếp tục thực hiện nghiêm phòng, chống dịch COVID-19; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo truy vết nhanh, khoanh vùng gọn, kịp thời xét nghiệm, tổ chức cách ly các trường hợp F1, F2 theo quy định; triển khai có hiệu quả các giải pháp ngăn ngừa dịch bệnh bùng phát tại các khu, cụm công nghiệp và địa bàn vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, tạo điều kiện ổn định, đẩy mạnh sản xuất.
Tỉnh kiểm soát chặt chẽ các cửa khẩu, đường mòn, lối mở, đường biển, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các đối tượng xuất nhập cảnh trái phép; rà soát, kiểm tra lại các khu cách ly tập trung để đầu tư mua sắm trang thiết bị, không để xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo. Lực lượng chức năng tiếp tục triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho các đối tượng theo quy định, vận hành hiệu quả quỹ phòng, chống dịch.
Bên cạnh đó, Long An cũng phấn đấu đạt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế 9%-9,5% như kế hoạch đề ra. Tỉnh đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2021, xem đây là nhiệm vụ quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao tốc độ tăng trưởng trong tình hình dịch COVID-19, phấn đấu đến hết quý III/2021, tỷ lệ giải ngân tối thiểu đạt 70-75% kế hoạch; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư ngoài ngân sách nhà nước...