Làm giàu từ mô hình nuôi bồ câu quy mô lớn

Ông Nguyễn Minh Quang, ấp Lương Phú B, xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo, Tiền Giang, là người tiên phong và làm giàu từ mô hình nuôi bồ câu theo quy mô hàng hóa với nguồn thu nhập trên 1 tỷ đồng mỗi năm.

Ông Quang kể, khi mới lập gia đình, cuộc sống vợ chồng ông rất khó khăn vì chỉ có 1,5 công đất vườn tạp và phải làm đủ nghề để mưu sinh. Trước đây, gia đình ông đã có thời gian dài nuôi lợn theo kiểu trang trại nhưng không hiệu quả. Năm 2001, ông Quang chuyển hướng sang nuôi bồ câu thương phẩm. Lúc đầu, ông xây chuồng và chọn mua 50 cặp bồ câu về nuôi thử nghiệm. Nhờ áp dụng đúng các kỹ thuật chăn nuôi, nên đàn bồ câu của ông ngày càng phát triển. Hiện tại, trang trại bồ câu của ông Quang luôn có khoảng 600 cặp bồ câu sinh sản, số còn lại hơn 500 con bồ câu thịt, bồ câu giống. 

Mô hình nuôi chim bồ câu mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Hiện ông Quang đang nuôi 5 loại chim bồ câu gồm: Bồ câu Pháp, bồ câu Xiêm, bồ câu Gà, bồ câu gà Banh và bồ câu Xòe Nhật, để phục vụ nhu cầu đa dạng của khách hàng từ mua con giống, mua thịt đến nuôi làm cảnh. Các loại bồ câu trên đều được ông nuôi trong các chuồng lưới kín và cho ăn thức ăn công nghiệp. Ông Quang cho biết, gần đây, đầu ra của chim bồ câu rất ổn định, gia đình ông nuôi có lãi cao. Bồ câu bán thịt giá khoảng 80 nghìn đồng/cặp, bồ câu sinh sản giá 400 nghìn đồng/cặp. Riêng chim bồ câu Gà, bồ cầu Xòe Nhật giá đến 1 triệu đồng/cặp. Hiện tại, mỗi ngày, trại bồ câu của ông sinh sản thêm 50 cặp mới và cứ mỗi tuần xuất bán trên 200 cặp bồ câu thịt. 
 
Để chăn nuôi đạt hiệu quả cao, bên cạnh việc xây chuồng trại đúng kỹ thuật, áp dụng các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh, ông còn đặt mã số cho từng con chim bồ câu để quản lý, theo dõi sự phát triển của chúng. “Tiếng lành đồn xa”, đến nay sản phẩm bồ câu từ trại nuôi của ông Quang được mở rộng thị trường tiêu thụ ra đến khu vực Tây Nguyên, Thừa Thiên - Huế… Ông Quang chia sẻ: “Để đạt hiệu quả cao, người nuôi cần nuôi trang trại quy mô lớn mới dễ tiêu thụ. Về kỹ thuật, người nuôi phải vệ sinh chuồng trại sạch sẽ và cho bồ câu ăn điều độ, đủ chất dinh dưỡng…”.    

Ông Quang còn đầu tư nuôi 150 con gà Đông Tảo, một trại lợn trên 200 con. Mỗi năm, gia đình ông trích thu nhập trên dưới 70 triệu đồng để ủng hộ cho hoạt động khuyến học, xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Bên cạnh đó, ông còn tận tình hướng dẫn kỹ thuật cho nhiều hộ dân cùng nuôi chim bồ câu đạt hiệu quả. 
      
Đề cập đến gương sản xuất giỏi của ông Nguyễn Minh Quang, ông Nguyễn Văn Hòa, Trưởng ấp Lương Phú B, xã Lương Hòa Lạc cho biết, ông Quang có tinh thần vượt khó, cần cù lao động. Từ chỗ không có đất đai, đến nay đã mua thêm đất xây trang trại. Bản thân ông Quang đạt danh hiệu nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh nhiều năm liền. 

Công Trí
Làm giàu từ nuôi lợn thịt
Làm giàu từ nuôi lợn thịt

Năng động, sáng tạo trong phát triển kinh tế gia đình, anh Phồng Cù Khé, dân tộc Dao, ở bản Lao Lử Đề, xã Tả Ngảo, huyện Sìn Hồ (Lai Châu) đã không ngừng học hỏi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trở thành hộ giàu của bản.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN