Lâm Đồng: Buộc 5 trường hợp lấn chiếm đất công thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả

Lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng vừa chỉ đạo UBND huyện Bảo Lâm rà soát, báo cáo làm rõ nguyên nhân chậm xử lý 5 trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai trên địa bàn huyện.

Đáng chú ý, 5 trường hợp này đã lấn chiếm tới 70.040 m2 đất công từ năm 2015 và 2018, nhưng đến tháng 9/2024 mới hoàn thiện hồ sơ để xử lý vi phạm; do đó đã hết thời hiệu để xử phạt vi phạm hành chính theo Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Lâm Đồng, năm 2010, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành các quyết định giao 130,17 ha đất cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Kỹ thuật nhựa Khang Thịnh (gọi tắt là Công ty Khang Thịnh) thuê. Công ty Khang Thịnh sử dụng diện tích đất trên để triển khai dự án đầu tư trồng rừng, quản lý bảo vệ rừng tại tiểu khu 614, xã Lộc Ngãi (huyện Bảo Lâm) trong thời hạn 50 năm.

Trong quá trình thực hiện dự án, Công ty Khang Thịnh có nhiều sai phạm về đầu tư, không có khả năng thực hiện dự án và để người dân lấn chiếm, chiếm đất, sang nhượng trái phép thuộc diện tích được giao quản lý. Do đó ngày 15/2/2017, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có thông báo thống nhất chấm dứt hoạt động đầu tư dự án của Công ty Khang Thịnh. Đến ngày 10/7/2017, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành quyết định thu hồi toàn bộ diện tích trên, giao Ban Quản lý rừng phòng hộ Đam B’ri quản lý.

Theo Biên bản bàn giao đất, giao rừng ngày 1/3/2018 của Sở Tài nguyên và Môi trường thu hồi của Công ty Khang Thịnh cho Ban Quản lý rừng phòng hộ Đam B’ri quản lý, có 9 hộ gia đình, cá nhân lấn chiếm tới 11,2 ha đất để làm nhà, trồng cây lâu năm; thậm chí có trường hợp đã sang nhượng nhiều lần. Cụ thể, 5 trường hợp vi phạm là: ông Lê Văn Ánh (sử dụng 21.334 m2); hộ ông bà Nguyễn Đức Dũng và Đỗ Huyền Trang (sử dụng 12.998 m2); bà Phạm Thị Xuân và Vũ Thị Oanh (sử dụng 10.023 m2); ông Nguyễn Duy Thanh (sử dụng 12.606 m2); ông Phạm Độc Lập (sử dụng 13.076 m2). Toàn bộ diện tích đất này đều có nguồn gốc lấn chiếm từ diện tích đất rừng đã giao cho Công ty Khang Thịnh thuê.

Trước đó, năm 2015, Hạt Kiểm lâm huyện Bảo Lâm nhận được đơn phản ánh của người dân về việc một số hộ lấn chiếm đất công. Đến năm 2018, thực hiện quyết định của UBND tỉnh về thu hồi, bàn giao diện tích này, các cơ quan chức năng tỉnh và huyện Bảo Lâm đã phát hiện các hộ dân lấn chiếm, sang nhượng đất công trái phép. Tuy nhiên đến 6 năm sau, ngày 18/7/2024, các cơ quan chức năng huyện và UBND huyện Bảo Lâm mới bắt đầu lập hồ sơ vi phạm. Đến ngày 17/9/2024, các hồ sơ vi phạm này mới được hoàn thiện để trình cấp có thẩm quyền ra quyết định xử lý.

Do các trường hợp vi phạm này đã hết thời hiệu xử lý vi phạm hành chính, UBND tỉnh Lâm Đồng không thể xử phạt nên phải ra các quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại khoản 1 Điều 6 và Điều 65 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung tại khoản 33 Điều 1 của Luật Sửa đổi, bổ sung 1 số điều Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020).

Ngày 4/10/2024, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành 5 Quyết định số 1592, 1593, 1594, 1595, 1596/QĐ-KPHQ buộc khắc phục hậu quả. Theo đó, 5 trường hợp này đã có hành vi vi phạm hành chính như: lấn chiếm đất nông nghiệp là đất rừng sản xuất tại khu vực nông thôn để sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp (trồng cây lâu năm) và sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp (xây dựng nhà), quy định tại khoản 3, Điều 14 Nghị định số 91/NĐ-CP, ngày 19/11/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.

Do đã hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính, nên cả 5 trường hợp trên không bị xử phạt mà chỉ phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng của đất trước khi vi phạm và trả lại diện tích đất đã chiếm cho Ban Quản lý rừng phòng hộ Đam B’ri sau 30 ngày (kể từ khi quyết định này được trao cho người vi phạm hoặc niêm yết tại UBND xã). Các trường hợp trên cũng bị buộc phải nộp số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm với tổng số tiền 564,2 triệu đồng.

Chu Quốc Hùng (TTXVN)
Phản hồi thông tin của TTXVN: Đà Lạt giải tỏa đất rừng bị lấn chiếm
Phản hồi thông tin của TTXVN: Đà Lạt giải tỏa đất rừng bị lấn chiếm

Ngày 3/10, Đoàn liên ngành của UBND thành phố Đà Lạt đã tổ chức giải tỏa hơn 3,5 ha đất rừng bị lấn chiếm trái phép tại khu vực giáp ranh giữa phường 5 và phường 7. Đây là diện tích đất bị lấn chiếm để trồng cây nông nghiệp, cây đa mục đích mà phóng viên TTXVN đã phản ánh, phối hợp với cơ quan chức năng cùng giải quyết giữa tháng 9/2024.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN