Lai Châu chú trọng phát triển nông nghiệp bền vững

Lai Châu là tỉnh vùng cao biên giới của Tổ quốc, với nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển nông nghiệp.

Chú thích ảnh
Người dân huyện Tân Uyên chú trọng phát triển chè hữu cơ, đem lại giá trị kinh tế cao. Ảnh: Đinh Thùy/TTXVN

Những năm qua, tỉnh luôn xác định nông nghiệp là lĩnh vực trọng điểm và triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy nền nông nghiệp phát triển bền vững. Qua đó, từng bước tái cơ cấu ngành nông nghiệp, góp phần giảm nghèo và xây dựng bức tranh vùng biên ngày một khởi sắc.

Là huyện cửa ngõ của tỉnh Lai Châu, với Quốc lộ 32, 279 đi qua và gần vị trí đấu nối đường cao tốc, Than Uyên có lợi thế trong phát triển nông nghiệp gồm: lúa đặc sản hàng hóa, chăn nuôi gia súc, gia cầm, thương mại dịch vụ, vận tải. Đặc biệt, huyện có hồ thủy điện Huội Quảng, Bản Chát với trên 9 nghìn ha, có cánh đồng lớn thứ 3 của vùng Tây Bắc. Đây là những yếu tố thuận lợi cho việc phát triển kinh tế nông nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Thăng, Chủ tịch UBND huyện Than Uyên cho biết, nhằm phát triển nông nghiệp bền vững, huyện đã chủ động xây dựng bản đồ quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp, xác định rõ cây, con chủ lực phù hợp với tình hình thực tế của huyện; lồng ghép các nguồn vốn thông qua các chính sách hỗ trợ, các chương trình mục tiêu quốc gia; đẩy mạnh liên kết trong sản xuất, quan tâm đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp.

Đến nay, Than Uyên đã xác định được 3 sản phẩm chủ lực gồm: lúa, chè, cá ngay từ đầu nhiệm kỳ. Hiện  huyện có 1.500 ha diện tích lúa sản xuất hàng hóa với 3 nhãn hiệu sản phẩm "Gạo Tẻ tròn Than Uyên", “Gạo đặc sản Séng Cù Than Uyên”, “gạo nếp Tan pỏm đặc sản Than Uyên”; trong đó, 19 ha lúa Tẻ tròn được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP; có trên 1.700 ha chè với sản lượng đạt trên 6.000 tấn búp tươi/năm (đang triển khai mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP 10,5 ha tại Tà Mung); có 825 lồng cá với tổng sản lượng nuôi trồng và đánh bắt cả năm ước đạt trên 800 tấn.

Ngoài 3 sản phẩm chủ lực, Than Uyên đã phát triển thêm được gần 1.400 ha mắc ca, 2.600 thùng ong, trên 300 ha cây ăn quả (chanh leo, bưởi..), sản lượng 1.000 tấn/năm. Cùng đó, huyện cũng chú trọng xây dựng và phát triển sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP); đến nay toàn huyện có 26 sản phẩm OCOP đạt từ 3 - 4 sao của 9/12 xã thị trấn, với 2 gian hàng trưng bày tại huyện; phấn đấu đến hết năm 2024, 100% các xã, thị trấn sẽ có sản phẩm OCOP. Đặc biệt, trong 3 năm huyện đã tăng 18 hợp tác xã nông nghiệp nâng tổng số Hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn là 42 Hợp tác xã, tạo việc làm ổn định cho 273 lao động.

Điển hình mô hình nho Hạ Đen ở bản Đán Đăm, xã Hua Nà, huyện Than Uyên đã cho thu hoạch 4 vụ với giá trị kinh tế cao. Đây là mô hình trồng nho Hạ Đen đầu tiên ở tỉnh Lai Châu. Được biết, vườn nho Hạ Đen trồng từ tháng 10/2020, nhóm cán bộ xã Hua Nà và Huyện đoàn Than Uyên đã đầu tư kinh phí hơn 300 triệu đồng để mua 500 cây nho Hạ Đen giống về trồng trên đất ruộng. Hiệu quả kinh tế mỗi năm cho 2 vụ Xuân Hè và Thu Đông; với diện tích trên 2.000 m2, mỗi vụ cho năng suất từ 1,5 - 1,8 tấn quả và bán với giá dao động từ 160 - 180.000 đồng/kg; giá trị thu về từ 200 - 300 triệu đồng/vụ.

Sau gần 3 năm trồng nho Hạ Đen trong nhà lưới, áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt đã tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch, thang đo brix độ ngọt của nho Hạ Đen đạt 21% là chất lượng nho ngon. Hiện mô hình đã tạo công ăn việc làm cho từ 3-5 lao động địa phương thường xuyên với mức lương từ 3-5 triệu đồng/tháng.

Chú thích ảnh
Mô hình trồng dưa trong nhà màng với công nghệ cao đã giúp người dân huyện Tân Uyên có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Ảnh: Đinh Thùy/TTXVN

Bí thư Huyện đoàn Than Uyên Đỗ Văn Tuấn chia sẻ, thời gian tới, nhóm tiếp tục mở rộng, phát triển thêm diện tích và thử nghiệm sang trồng thêm giống nho mẫu đơn, nho móng tay. Đặc biệt, nhóm hướng tới mục tiêu đăng ký sản phẩm OCOP của tỉnh, đạt chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP và hỗ trợ người dân tiếp cận, làm chủ kỹ thuật trồng nho Hạ Đen nhằm mở rộng vùng chuyên canh nho trên địa bàn huyện Than Uyên.

Tương tự, tại huyện Tân Uyên xác định phát triển nông nghiệp bền vững có vai trò quan trọng, là yếu tố then chốt, quyết định sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện, thời gian qua, huyện đã ban hành nhiều nghị quyết về phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn giai đoạn 2020-2025; thành lập Ban chỉ đạo thực hiện các nghị quyết do đồng chí Bí thư Huyện ủy làm Trưởng ban; đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai các nghị quyết, đề án của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh và các nghị quyết, kế hoạch của huyện đến cán bộ, đảng viên, các công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã và nhân dân trên địa bàn huyện. Đồng thời, huyện tổ chức nhiều hội nghị kêu gọi, thu hút các công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư, liên kết chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Uyên Lê Thanh Huy, nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp trong phát triển nông nghiệp, đến nay, Tân Uyên đã hình thành các vùng sản xuất lúa đặc sản, chè, rau, cây ăn quả, cây mắc ca, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, chăn nuôi... theo hướng hàng hóa tập trung; kêu gọi, thu hút được trên 20 doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết với nhân dân thực hiện sản xuất, tiêu thụ, chế biến nông sản.

Mặt khác, huyện còn hình thành vùng sản xuất lúa hàng hóa với các giống lúa đặc sản địa phương với trên 800 ha diện tích; mở rộng trồng mới trên 212 ha chè, nâng diện tích chè trên địa bàn huyện lên 3.338 ha, sản lượng trên 27.000 tấn; liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân phát triển vùng cây ăn quả tập trung với diện tích 396 ha; hình thành vùng sản xuất rau màu tập trung với diện tích 67,5 ha; có 42 cơ sở chăn nuôi theo hướng trang trại, tập trung; toàn huyện có 4.560 đàn ong, sản lượng đạt trên 21.000 lít mật.

Toàn tỉnh Lai Châu hiện có trên 526 nghìn ha diện tích đất nông nghiệp, chiếm 58,06% diện tích đất tự nhiên; đất sản xuất nông nghiệp trên 111 nghìn ha, chiếm 12,25% diện tích đất tự nhiên. Là địa phương có lợi thế phát triển nhiều sản phẩm nông nghiệp đa dạng, đặc sản, chất lượng như cây ăn quả ôn đới, nhiệt đới, cây dược liệu, lúa chất lượng cao, chè, mắc ca, rau, hoa, củ quả các loại… Trên cơ sở đó, Lai Châu xác định phát triển nông nghiệp là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Theo đó, tỉnh Lai Châu đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách; tập trung chỉ đạo thực hiện các nghị quyết, đề án, chính sách hỗ trợ sản xuất nông, lâm nghiệp; triển khai mạnh hoạt động thu hút đầu tư, quảng bá, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm vào lĩnh vực nông nghiệp.

Từ đầu năm 2021 đến nay, Lai Châu đã trồng mới 2.831 ha cây mắc ca; trồng mới chè tập trung 1.316 ha; diện tích lúa hàng hóa thực hiện đến năm 2022 đạt 3.936; phát triển 115 ha các loại hoa tập trung và trồng mới cây ăn quả tập trung đạt 1.316,8 ha. Lai Châu có 151 cơ sở chăn nuôi đại gia súc tập trung; phát triển mới 5.893 thùng ong; phát triển mới 55.512 m3 cá lồng và chú trọng chuyển đổi hơn 1.000 ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây khác có giá trị cao hơn.

Giai đoạn 2021-2025, Lai Châu tiếp tục có nhiều chính sách đặc thù để hỗ trợ, thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp với nguồn ngân sách dự kiến trên 1.000 tỷ đồng. Đồng thời, tỉnh thành lập các hiệp hội trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm tạo điều kiện để các thành viên hỗ trợ nhau về nguồn lực, chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ nhau trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm và cùng phát triển. Mặt khác, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thân thiện và luôn đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình đầu tư, kinh doanh vào lĩnh vực nông nghiệp tại tỉnh.

Việt Hoàng - Đinh Thùy (TTXVN)
An Giang cần tận dụng thế mạnh, phát triển nông nghiệp hiệu quả và bền vững
An Giang cần tận dụng thế mạnh, phát triển nông nghiệp hiệu quả và bền vững

Ngày 5/7, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang đã có cuộc tiếp xúc cử tri trên địa bàn hai huyện Châu Thành và Thoại Sơn để thông báo về kết quả Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV và lắng nghe, giải đáp kiến nghị của cử tri.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN