Nông dân huyện Tân Hiệp phun thuốc phòng trừ sâu bệnh cho những trà lúa đang trong giai đoạn đẻ nhánh và làm đòng. Ảnh: Bùi Như Trường Giang/TTXVN |
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, mực nước đầu nguồn vùng Tứ giác Long Xuyên đang lên, dự báo đạt đỉnh vào cuối tháng 9, đầu tháng 10/2017. Trước mắt, tỉnh thực hiện quy trình vận hành hệ thống công trình thủy lợi vùng Tứ giác Long Xuyên, 2 đập Tha La và Trà Sư ở tỉnh An Giang dự kiến mở vào ngày 30/8.
Theo đó, mực nước nội đồng vùng này thuộc địa bàn Kiên Giang dự báo sẽ nâng lên 20 - 30 cm kết hợp với thời tiết mưa bão diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến sản xuất lúa Hè Thu và Thu Đông, nhất là những trà lúa gieo sạ trễ so với lịch thời vụ.
Để ứng phó với lũ, ngành chức năng tỉnh Kiên Giang phối hợp với các huyện vùng Tứ giác Long Xuyên tập trung rà soát hệ thống đê bao, bờ bao ở những khu vực có nguy cơ ngập tràn, sạt lở trong vùng, triển khai bồi trúc, gia cố, tôn cao bờ chắc chắn, ngăn nước lũ nhấn chìm lúa. Quản lý, kiểm soát và vận hành hợp lý hệ thống cống thoát lũ ra biển Tây; nạo vét, khơi thông dòng chảy các tuyến kênh thủy lợi trọng yếu, nhằm đảm bảo không gây úng ngập lúa Hè Thu và Thu Đông. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ các công trình thủy lợi đang thi công sớm hoàn thành đưa vào phục vụ tiêu thoát lũ trong vùng.
Các ngành chức năng cũng theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến thiên tai, bão lũ, kịp thời thông báo cho các địa phương và nhân dân biết để chủ động ứng phó trong sinh hoạt cũng như sản xuất. Vận động, hỗ trợ nông dân tập trung thu hoạch dứt điểm các trà lúa Hè Thu chín trước khi nước lũ đổ về, nhất là những khu vực đầu nguồn vùng Tứ giác Long Xuyên. Tổ chức tốt việc tiêu thụ sản phẩm lúa hàng hóa cho nông dân.
Ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang nhấn mạnh, ngoài việc chủ động các biện pháp phòng tránh, ứng phó, thích nghi, giảm nhẹ thiệt hại do lũ và tìm kiếm cứu nạn theo phương châm “4 tại chỗ”, tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương vùng lũ không được chủ quan, lơ là và tập trung quyết liệt cho công tác này cũng như thực hiện phương án, kế hoạch phòng, chống lũ đã phê duyệt. Tỉnh cũng tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức phòng chống, chủ động né lũ, sống chung với lũ và khai thác lợi thế, phát triển sản xuất an toàn, hiệu quả sau nhiều năm không có lũ sớm, lũ lớn.
Trong một diễn biến khác, tổng diện tích nhiễm sâu bệnh trên lúa Hè Thu và Thu Đông 2017 của tỉnh Kiên Giang đến thời điểm này hơn 21.100 ha; trong đó lúa Hè Thu hơn 15.200 ha, còn lại trên các trà lúa Thu Đông. Các đối tượng gây hại chủ yếu gồm: cháy bìa lá, đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông, rầy nâu, vàng lùn…
Ngành nông nghiệp tỉnh Kiên Giang phối hợp với các địa phương hướng dẫn nông dân những biện pháp phòng chống, diệt trừ sâu bệnh gây hại lúa. Theo đó, phân công cán bộ kỹ thuật nông nghiệp cơ sở bám sát địa bàn, cùng với nông dân thường xuyên thăm đồng để phát hiện sâu bệnh, có biện pháp phòng trị kịp thời, hiệu quả.
Hướng dẫn nông dân sử dụng các loại thuốc đặc trị sâu bệnh theo nguyên tắc “4 đúng” và chăm sóc, bón phân cho lúa phục hồi, sinh trưởng phát triển trở lại. Chú ý bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá đang xuất hiện ở huyện Giang Thành tập trung điều tra phát hiện sớm để tiêu hủy cây lúa nhiễm bệnh, diệt trừ mầm bệnh, nhằm hạn chế sự lây lan trước mắt và vụ lúa Đông Xuân 2017 - 2018.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, đến nay, bà con nông dân đã thu hoạch 115.200 ha lúa Hè Thu, đạt trên 40% diện tích xuống giống; năng suất bình quân 5,89 tấn/ha. Lúa Thu Đông gieo sạ 83.157 ha, đạt 92,4% kế hoạch, tập trung ở các huyện Giồng Riềng, Tân Hiệp, Châu Thành, Hòn Đất, Gò Quao và thành phố Rạch Giá.
Do ảnh hưởng của thời tiết mưa bão vừa qua đã gây ngập úng hơn 363 ha lúa Thu Đông giai đoạn mạ ở huyện Giồng Riềng, Tân Hiệp và Châu Thành, tỉ lệ thiệt hại từ 30% đến hơn 70%. Tiếp đến, diện tích lúa Hè Thu giai đoạn đòng trỗ bị đổ ngã gần 6.000 ha, tỷ lệ thiệt hại 30 - 70%, tập trung chủ yếu ở huyện Hòn Đất.