Theo báo cáo của UBND huyện U Minh, sạt lở đê biển Tây xảy ra tại 4 đoạn với tổng chiều dài là 451 m. Các đoạn bị sạt lở có vị trí cách kênh Giồng Cát lần lượt là 400 m, 1.800 m, 2.600 m và 3.340 m về hướng kênh Tiều Dừa; mức độ sạt lở từ 40 - 316 m. Nghiêm trọng hơn là việc đai rừng phòng hộ tại đoạn đê bị sạt số 1 và 2 còn rất mỏng, chỉ từ 10 - 20 m; tại đoạn đê bị sạt số 3 và 4 thậm chí không còn đai rừng phòng hộ. Ngoài ra, đoạn đê biển Tây từ Rạch Dinh đến Lung Ranh có chiều dài khoảng 1.700 m đang rất thấp, có khả năng bị tràn nếu triều cường tiếp tục dâng cao.
Thời gian qua, Cà Mau là địa phương chịu nhiều ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu gây nên tình trạng sạt lở ven biển, ven sông nghiêm trọng. Theo thông tin từ ngành chức năng, trong số 254 km chiều dài bờ biển từ Đông sang Tây của Cà Mau, có đến 80% bị sạt lở với tốc độ từ 20 - 25 m/năm, cá biệt có những nơi lên đến 50 m/năm. Chỉ tính riêng trên tuyến đê biển Tây dài 154 km đã có đến 67 km sạt lở cực kỳ nghiêm trọng. Nhiều nơi đai rừng phòng hộ chỉ còn vài chục mét, thậm chí nhiều nơi không còn đai rừng phòng hộ, sóng biển uy hiếp trực tiếp lên thân đê. Thống kê cho thấy, 10 năm qua Cà Mau đã mất gần 9.000 ha đất rừng.
Trước tình trạng trên, từ đầu năm 2020 đến nay, tỉnh Cà Mau gấp rút khắc phục, đẩy nhanh tiến độ khắc phục sạt lở, sụt lún đê biển Tây. Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau, tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình khắc phục sạt lở, sụt lún đã có chủ trương, nguồn vốn, nhất là trên tuyến đê biển Tây trước khi bão có thể xảy ra vào những tháng cuối năm. Qua đó, công tác xử lý khẩn cấp các đoạn sụt lún và có nguy cơ sụt lún trên tuyến đê biển Tây từ Đá Bạc đến Kênh Mới được triển khai kịp thời.
Ngành chức năng xử lý hộ đê khẩn cấp bằng giải pháp thảm đá bọc PVC và xếp rọ đá phía biển, chiều dài 4.780 m với kinh phí 50 tỷ đồng; xử lý sạt lở bảo vệ đai rừng phòng hộ đê biển Tây bằng giải pháp thả rọ đá, chiều dài 1.960 m với kinh phí 8,5 tỷ đồng; xử lý tạo phản áp khắc phục sạt lở, sụt lún đê bằng giải pháp bơm đất vào kênh mương đê, chiều dài 3.500 m với kinh phí 15 tỷ đồng. Các hạng mục công trình này cơ bản đã hoàn thành trên 80% khối lượng. Các công trình còn lại đã tập kết đầy đủ vật tư, lực lượng nhân công tiếp tục thực hiện.
Cũng theo thống kê từ Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau, từ đầu năm đến nay, tình trạng sạt lở ven biển xảy ra thường xuyên, với tổng chiều dài 105 km, trong đó đã xử lý 28,5 km. Sạt lở đất ven sông đã xảy ra với tổng chiều dài là 3,26 km, làm hư hỏng gần 360 m đường. Bên cạnh đó, hạn hán đã khiến 2 vị trí trên tuyến đê biển Tây (đoạn Đá Bạc - Kênh Mới) bị sụt lún với chiều dài trên 240 m. Ngoài ra, trên tuyến đê biển Tây đoạn Kênh Mới - Đá Bạc (huyện Trần Văn Thời) và đoạn Hương Mai - Tiểu Dừa (huyện U Minh) xuất hiện các vết nứt sụt lún từ 60 - 120 mm với tổng chiều dài trên 5,8 km.
Liên quan đến thiệt hại do mưa to, dông lốc, đến hết ngày 4/8, toàn tỉnh Cà Mau có 424 căn nhà thiệt hại, trong đó có 49 căn nhà bị sập hoàn toàn; hơn 130 ha diện tích trồng chuối của người dân bị thiệt hại với mức độ trên 70%; hơn 115 m đất ven sông bị sạt lở, gây thiệt hại 4 căn nhà… ước tổng thiệt hại trên 2 tỷ đồng.