Tỉnh Kon Tum đang tích cực tuyên truyền đến cử tri về Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. Trong đó, việc tuyên truyền cho người dân là đồng bào dân tộc thiểu số được tỉnh đặt lên hàng đầu, bởi chiếm tới 53% số dân, đồng bào các dân tộc thiểu số là lực lượng quan trọng, góp phần vào thành công của cuộc bầu cử.
Những ngày này, dù bận rộn công việc nương rẫy, song đồng bào dân tộc thiểu số J’rai ở thôn Plei Sar, xã Ia Chim (thành phố Kon Tum) đều tạm gác lại việc nhà, dành thời gian tập trung đến nhà rông nghe thông tin về cuộc bầu cử sắp tới. Nhiều người cho biết, việc công khai danh sách đại biểu ứng cử và qua theo dõi việc làm cụ thể của những người ứng cử, sắp tới cử tri trong thôn có thể dễ dàng lựa chọn những đại biểu xứng đáng, làm cầu nối đưa tâm tư nguyện vọng chính đáng của cử tri đến các cấp chính quyền địa phương.
Ông A H’Lưnh, thôn Plei Sar, xã Ia Chim cho biết, khi đến tham dự các buổi thông tin về bầu cử, ông được nghe các cán bộ giới thiệu tiểu sử của từng ứng cử viên, giúp ông và bà con trong thôn hiểu rõ thêm về các ứng cử viên để lựa chọn.
"Người dân muốn lựa chọn người có trình độ văn hóa, có học thức, dìu dắt cho bà con hiểu pháp luật của Nhà nước, đường lối của Đảng, giúp dân làng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội", ông A H’Lưnh chia sẻ.
Ông A Khúy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Ia Chim cho biết, chính quyền địa phương phối hợp với người có uy tín trong làng, cùng với các ban ngành, đoàn thể của xã tuyên truyền cho bà con hiểu rõ về Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. Toàn xã có 11 thôn, trong đó có những thôn đời sống của đồng bào còn nhiều khó khăn nên chỉ có một số người hiểu. Vì vậy, chính quyền địa phương vận động những người hiểu các quy định về bầu cử chủ động tham gia tuyên truyền cho những người chưa hiểu trong làng. Còn với những người già, yếu không thể đến các điểm tuyên truyền tập trung, chính quyền địa phương thực hiện tuyên truyền đến từng nhà thông qua phương tiện như loa phát thanh, văn bản…, sử dụng cả mạng xã hội như zalo, facebook để tuyên truyền về Ngày Bầu cử cho bà con.
Phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum có hơn 700 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số, với trên 3.100 nhân khẩu, sinh sống tại ba thôn. Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND phường Thắng Lợi cho biết, để triển khai thực hiện tốt công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, ngay từ đầu năm, phường đã xây dựng kế hoạch, tuyên truyền bằng nhiều hình thức trên hệ thống loa truyền thanh, loa di động và các pa-nô, băng rôn, khẩu hiệu để thực hiện công tác tuyên truyền bầu cử.
Riêng đối với các thôn có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trước khi dịch COVID-19 bùng phát, chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền tập trung vào buổi chào cờ sáng thứ Hai hàng tuần. Khi dịch COVID-19 xảy ra, địa phương đã tổ chức đội công tác đến từng hộ gia đình để tuyên truyền cho các cử tri về bầu cử, danh sách và tiểu sử tóm tắt của những người ứng cử để bà con biết, cùng tham gia bầu cử.
"Tuy nhiên, công tác tuyên truyền cũng gặp một số khó khăn nhất định, đặc biệt là với những cử tri còn hạn chế về ngôn ngữ, chữ viết. Đối với những trường hợp như vậy, phường phối hợp với người có uy tín trong cộng đồng như các thôn trưởng hay Trưởng ban công tác Mặt trận, sử dụng ngôn ngữ địa phương để tuyên truyền cho bà con", ông Nguyễn Văn Hùng thông tin thêm.
Ông A Phưk, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Kon Tum Kơ Pơng, phường Thắng Lợi chia sẻ, sau khi được chính quyền địa phương thông tin về Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cùng các nội dung liên quan, ông đã tuyên truyền cho các cử tri bằng phương pháp truyền miệng tại các buổi sinh hoạt sáng thứ Hai hàng tuần. Trường hợp bà con không đi đông đủ, ông sẽ cùng chính quyền địa phương đến từng nhà để tuyên truyền.
"Kỳ vọng của tôi và dân làng là các ứng cử viên trúng cử sẽ làm tốt công việc của mình để giúp cho dân làng phát triển đời sống, kinh tế, nhất là về văn hóa để truyền đạt lại cho con cháu mình, giúp cho các thế hệ sau này có tương lai hơn, ấm no, hạnh phúc hơn", ông A Phưk bày tỏ.
Theo ông Nguyễn Thanh Mân, Chủ tịch UBND thành phố Kon Tum, toàn thành phố có 31% dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu sinh sống ở các xã vùng ven, song tại các phường cũng chiếm tỉ lệ lớn. Nhằm thay đổi nhận thức cũng như góp phần cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số nắm được quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như các văn bản hướng dẫn về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, UBND thành phố đã tập trung tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh không dây tại tất cả các làng, phát huy rất hiệu quả. Đội tuyên truyền lưu động, Phòng Văn hóa - Thông tin của thành phố cũng như UBND các xã, phường đã tổ chức các buổi tuyên truyền lưu động, văn hóa, văn nghệ kết hợp với tuyên truyền công tác bầu cử. Điều này sẽ nâng cao nhận thức và góp phần cho người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số nắm được những văn bản, chủ trương, vấn đề cơ bản nhất về công tác bầu cử; quyền và nghĩa vụ của cử tri để góp phần nâng tỉ lệ người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số đi bầu cử.
Ông Hoàng Ngọc Trường, Trưởng phòng Xây dựng chính quyền - Xây dựng bộ máy (Sở Nội vụ), Tổ trưởng Tổ giúp việc Ủy ban Bầu cử tỉnh Kon Tum cho rằng, tỉnh có địa hình phức tạp, dân cư phân tán, ở xa nhau, có nhiều khu vực xa trung tâm. Vì vậy, Ủy ban Bầu cử tỉnh đã chỉ đạo tăng cường thực hiện một số công việc như vận động, tuyên truyền cho bà con về công tác bầu cử để đồng bào nắm rõ đây không những là ngày hội mà còn là trách nhiệm của cử tri. Đặc biệt, phát huy tối đa vai trò của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng đồng bào các dân tộc thiểu số trong việc tuyên truyền những nội dung liên quan đến bầu cử tại các buổi sinh hoạt chung của buôn, làng, thôn, bản.