Trên tuyến biên giới, Vĩnh Hưng đã đầu tư xây dựng 12 cụm, tuyến dân cư để giúp bà con bám đất sản xuất, phát triển kinh tế góp phần giữ vững đường biên, cột mốc.
Lực lượng vũ trang hai nước Việt Nam - Campuchia trong chuyến tuần tra song phương trên tuyến biên giới Long An. Ảnh: T.T |
Ông Nguyễn Văn Mến, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Hưng, cho biết: “Thu nhập bình quân của nhân dân toàn huyện đạt 39 triệu đồng/người/năm, trong đó bà con các xã biên giới có mức thu nhập không ngừng nâng cao, quốc phòng an ninh luôn giữ vững”. Để có được những kết quả này, địa phương đã có sự quan tâm sâu sát trên mọi lĩnh vực, trong đó chú trọng nâng cao đời sống của bà con qua các chính sách ưu đãi đầu tư về đường giao thông, điện, nước, vay vốn; chú trọng về y tế, giáo dục. Đặc biệt, các cụm tuyến dân cư trên tuyến biên giới bảo đảm đủ điều kiện cho người dân sinh sống thuận tiện… Trong đó quan trọng nhất là tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân về ý thức giữ gìn chủ quyền an ninh biên giới, xây dựng quốc phòng toàn dân.
Vĩnh Hưng là huyện biên giới đầu tiên của Long An tổ chức mô hình giáo dục quốc phòng - an ninh cho những hộ dân sống trên tuyến biên giới. Song song với đó, các mô hình như: Tiếng kẻng vùng biên, tổ tự quản đường biên cột mốc… hoạt động đạt hiệu quả. Đồng thời bà con là những người trực tiếp góp phần thắt chặt, phát triển tình đoàn kết láng giềng hữu nghị với nhân dân nước bạn Campuchia trên tuyến biên giới qua lại buôn bán, thăm hỏi, giao lưu những dịp lễ Tết cũng như hỗ trợ giống lúa, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi...
Về xã Hưng Điền A, địa bàn có đường biên giới dài nhất huyện và có 2 cột mốc số 228, 229, ông Trương Văn Chảy, Bí thư xã Hưng Điền A, cho biết: “Những vụ việc xảy ra trên tuyến biên giới, chính quyền địa phương, các ngành chức năng và nhân dân giải quyết rất linh động, mềm dẻo, đúng đường lối, chủ trương của Đảng, nhà nước ta tạo được sự đồng thuận cao giữa chính quyền và nhân dân hai nước”.
Kênh Cái Cỏ - con kênh phân định ranh giới giữa nước ta và nước bạn Campuchia, nằm trên xã Hưng Điền A lâu nay đã trở thành cầu nối giữa nhân dân hai nước. Bà con ấp Bình Tứ, xã Hưng Điền A và xã Ba Sắc, huyện Svay Chum, tỉnh Svay Riêng (Campuchia) bao năm nay vẫn qua lại làm ăn sinh sống và đã kết nghĩa “cờ lơ” (anh em) từ bao đời. Biết bao mối tình xuyên biên giới, bao cô gái Campuchia về làm dâu và xem ấp Bình Tứ của Việt Nam là quê hương thứ 2. Bà Châu Kim Liên (tên quốc tịch Việt Nam), một người dân huyện Chanhtia, tỉnh Svay Riêng (Campuchia) theo chồng về ấp Bình Tứ sinh sống đã gần 40 năm. Bà Liên nói tiếng Việt rất lưu loát, cho biết: “Năm người con của tôi đều mang quốc tịch Việt Nam và đã trưởng thành. Gia đình tôi được nhà nước Việt Nam rất quan tâm, tạo điều kiện làm ăn, sinh sống, được vay vốn mua bò. Dù không là dân “gốc” nhưng tôi rất gắn bó với mảnh đất này”.
Cũng như bà Liên, chị Nguyễn Thị Xóc, tỉnh Campongcham (Campuchia) cũng nên duyên và về đây làm dâu gần 15 năm. Gia đình chị được chính quyền địa phương cất nhà đại đoàn kết, được hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất. “Vậy là rất hạnh phúc rồi. Bà con hai bên sống chan hòa, giúp đỡ nhau như đổi công làm ruộng, hỗ trợ lúa giống, thăm viếng nhau thường xuyên… Dù lấy chồng xa xứ nhưng không thấy buồn, thấy nhớ vì ngày nào cũng gặp, trò chuyện với bà con xứ mình sang đây làm ăn, buôn bán”, chị Xóc chia sẻ.
Còn với anh Nhạy Chanh Tha, xã Ba Sắc, huyện Svay Chum (Campuchia) mà bà con ấp Bình Tứ gọi với cái tên thân mật là Thu, ngày nào cũng sang ấp Bình Tứ để phơi lúa thuê và trở thành bạn thân của anh Tôn Văn Dùng - người Việt nói tiếng Campuchia sõi như dân sở tại. Anh Chanh Tha chia sẻ: “Chỉ cách một con đê, anh em chúng tôi qua lại như người thân, không gì chia cắt được. Một ngày không sang Việt Nam là tôi lại thấy thiếu thiếu. Sang đây tôi còn có công việc ổn định nuôi sống gia đình và gặp người anh em thân thiết”.
Anh Võ Tồn, Trưởng ấp Bình Tứ nắm chắc tuyến biên giới như bàn tay. Ấp có bao nhiêu hộ, gia cảnh từng nhà, bao nhiêu Việt kiều Campuchia sinh sống và hàng ngày có bao nhiêu lượt bà con nước bạn sang làm ăn, mua bán… anh Tồn đều nắm chắc. Anh Võ Tồn cho biết: “100% người dân trong ấp được bồi dưỡng kiến thức quốc phòng an ninh và họ ý thức rất cao trong giữ gìn an ninh biên giới cũng như trực tiếp xây dựng mối quan hệ đoàn kết với bà con nước bạn. Mỗi khi có vụ việc bất thường, một nhà dân đánh kẻng báo hiệu là cả xóm đều rền vang tiếng kẻng. Từ đó tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững”.
Theo Trưởng ấp Võ Tồn, mặc dù cách nhau con kênh, nhưng người dân hai nước sống hai bên bờ biên giới đều mang đậm “tình làng nghĩa xóm”. Đám cưới con, dù tổ chức đơn sơ nhưng gia đình anh vẫn mời khách là những láng giềng nước bạn đến dự. Và anh cũng không nhớ hết mình đã bao lần dự đám cưới, tiệc tùng, thăm viếng bà con bên ấy... Chính tình cảm thân thiết đó, nên dù có những xích mích như chuyện trâu bò ăn lúa của nhau cũng xí xóa hết, ngày thêm bền chặt hơn.
Chia tay Bình Tứ, chia tay vùng biên giới, chúng tôi mang về hình ảnh những người dân chân chất, mộc mạc nhưng rất đỗi kiên định. Nơi ấy, tình đoàn kết láng giềng ngày một phát triển, phên dậu lòng dân ngày một vững chắc, như lời anh Tồn khẳng định: “Bà con ở đây ý thức rất cao, mỗi người dân là một cột mốc. Láng giềng tối lửa tắt đèn có nhau, dựa vào nhau để giữ gìn tình đoàn kết, giữ gìn đường biên an toàn, đúng luật”.