Đây là cơ hội lớn cho Bình Định - địa phương được mệnh danh là “thủ phủ” dừa của khu vực miền Trung - Tây Nguyên và xếp thứ 5 cả nước chỉ sau Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang, Vĩnh Long.
Tính đến năm 2023, toàn tỉnh Bình Định hiện có hơn 9.300ha diện tích trồng dừa (quy mô lớn nhất tập trung tại thị xã Hoài Nhơn); trong đó, có khoảng 2.500 ha dừa xiêm có đủ tiềm năng để xuất khẩu.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định Trần Văn Phúc cho hay, có thể nói rằng, việc ký Nghị định thư giữa 2 nước như “bước ngoặt” tạo sinh kế bền vững cho người trồng dừa cũng như mở rộng thị trường tiêu thụ cho ngành dừa Bình Định. Tuy nhiên, cần phải có vùng trồng dừa và cơ sở đóng gói dừa được cấp mã số nhằm đảm bảo chất lượng, độ an toàn cho sản phẩm.
Ông Trần Văn Phúc cho biết thêm, để đáp ứng yêu cầu khắt khe mà phía đối tác đặt ra, Sở đã chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật phối hợp với các địa phương hướng dẫn làm hồ sơ đề nghị cấp mã số vùng trồng gửi Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và Hải quan Trung Quốc.
Đến nay, Hải quan Trung Quốc đã kiểm tra và đồng ý cấp mã số đối với 5 vùng trồng dừa xiêm trên địa bàn tỉnh (huyện Phù Cát 4 mã số, huyện Hoài Ân 1 mã số) với tổng diện tích hơn 62ha; đồng thời, tiếp tục hướng dẫn các địa phương còn lại xây dựng mã số vùng trồng hướng đến xuất khẩu.
Cùng với đó, tại Bình Định hiện tại có Công ty cổ phần Vinanutrifood Bình Định đang triển khai đầu tư xây dựng nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc; trong đó, dừa tươi là mặt hàng chủ lực mà công ty hướng tới. Khi hoàn thành, đưa vào sử dụng công ty có đủ điều kiện để được cấp mã số cơ sở đóng gói.
Cũng theo ông Phúc, thời gian tới, tỉnh định hướng phát triển diện tích trồng dừa đến năm 2030 là 10.000ha (diện tích thu hoạch là 9.650ha), sản lượng hơn 117.700 tấn; trong đó, diện tích dừa xiêm là 3.550ha, chiếm hơn 35% tổng diện tích trồng dừa.
“Tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách khuyến khích đầu tư, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2026; tập trung phát triển các vùng sản xuất dừa xiêm theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ; kêu gọi các doanh nghiệp thu mua, sơ chế dừa để xuất sang Trung Quốc; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm…”, ông Trần Văn Phúc thông tin.
Dừa là 1 trong 6 đối tượng nằm trong Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực. Hiện nay, cả nước có khoảng 200.000ha trồng dừa với sản lượng hằng năm lên đến hơn 2 triệu tấn. Theo Hiệp hội Dừa Việt Nam, xuất khẩu dừa tươi của Việt Nam chỉ mới hình thành và phát triển nhanh trong khoảng 8 năm trở lại đây với kim ngạch xuất khẩu tăng gấp 10 lần (đạt khoảng 250 triệu USD vào năm 2023, chiếm khoảng 20-25% tổng kim ngạch xuất khẩu ngành dừa). Dừa tươi của Việt Nam được tiêu thụ mạnh tại 40 quốc gia trên thế giới.