Trong cuộc chiến ấy, không chỉ có sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương mà còn mang đậm dấu ấn của “chiến sĩ cơ sở” là những già làng, trưởng buôn, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số không quản ngày đêm tham gia chống dịch, quyết tâm xóa sổ “vùng đỏ”, bảo vệ “vùng xanh” của buôn làng.
Đồng lòng chống đại dịch
Buôn Đrao, xã Cư Né, huyện Krông Búk hiện là ổ dịch lớn nhất của tỉnh Đắk Lắk với trên 155 ca mắc COVID-19 tính đến ngày 7/9. Hầu hết các trường hợp mắc bệnh đều là đồng bào dân tộc tại chỗ, trong những ngày qua ổ dịch này cũng liên tiếp ghi nhận ca mắc mới và dự báo còn diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, các ổ dịch khác ngay trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Krông Búk cũng diễn biến khó lường. Điều này đòi hỏi chính quyền địa phương phải nhanh chóng khoanh vùng dịch tễ, bảo vệ những “vùng xanh” của buôn làng bằng những cách làm mang tính đặc thù nhằm chống dịch hiệu quả trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Krông Búk Hoàng Kiên Cường cho biết, trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh, huyện đang áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch theo Chỉ thị 16/CT-TTg, thiết lập vùng phong tỏa, cách ly y tế đối với các ổ dịch, trong thời gian này sẽ dồn lực truy vết, xét nghiệm trên diện rộng để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, nhiều thứ tiếng với nhiều lực lượng tham gia để người dân hiểu về sự nguy hiểm của dịch COVID-19, từ đó thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch.
“Nhận thức rõ vai trò quan trọng của lực lượng cơ sở ở thôn, buôn, địa phương đã triển khai các lực lượng bám sát địa bàn cùng với trưởng buôn, người có uy tín trong cộng đồng, các chức sắc tôn giáo tuyên truyền đến từng hộ dân về thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Qua đó, tạo nên sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong phòng, chống dịch, góp phần bảo vệ những “vùng xanh”, thu hẹp các “vùng đỏ, cam, vàng” hiện nay”, ông Hoàng Kiên Cường chia sẻ.
Theo ghi nhận của phóng viên, trong những ngày buôn Đrao “căng mình” chống dịch, những đảng viên, người có uy tín trong cộng đồng không chỉ “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền mà còn tích cực vận động, hướng dẫn bà con tham gia lấy mẫu xét nghiệm trong chiến dịch “truy quét F0” nhằm xóa “vùng đỏ”, thiết lập “vùng xanh” của buôn Đrao. Một trong những nhân tố tích cực trong công tác này là ông Y Krú Ayun, Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban công tác Mặt trận buôn Đrao, ông luôn có mặt ở các “điểm nóng” của buôn để tham gia phòng, chống dịch.
Buôn Đrao có 329 hộ, với 1.356 nhân khẩu. Dịch COVID-19 bùng phát trong buôn với hàng trăm ca mắc chỉ trong một thời gian ngắn khiến cuộc sống bị đảo lộn. Nhận thức được sự nguy hiểm của dịch bệnh, ngay từ những ngày đầu ghi nhận các ca bệnh, Chi bộ, Ban công tác Mặt trận buôn đã triển khai các hoạt động tuyên truyền về phòng, chống dịch.
Ông Y Krú Ayun chia sẻ: Đây là lần đầu tiên buôn làng trực tiếp đối diện với dịch bệnh nguy hiểm như COVID-19. Do đó, chúng tôi xác định cần nhanh chóng làm cho đồng bào hiểu và đồng loạt thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Bản thân tôi với lợi thế là người tại chỗ, cùng ngôn ngữ, cùng phong tục tập quán nên đã nỗ lực “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, tranh thủ mọi điều kiện, hoàn cảnh để tuyên truyền đến từng người dân về các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là giải thích kỹ thông điệp 5K và chấp hành nghiêm các biện pháp chống dịch của chính quyền địa phương, kể cả việc sinh hoạt tôn giáo, đám cưới, đám tang… cũng phải thực hiện an toàn trong điều kiện dịch bệnh. Người dân trong buôn rất đoàn kết, đã hiểu và chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, đây sẽ là cơ sở để từng bước đẩy lùi dịch bệnh, thiết lập “vùng xanh” của buôn Đrao trong thời gian tới.
Đánh giá về vai trò của trưởng buôn, người có uy tín trong cộng đồng đối với cuộc chiến chống dịch COVID-19, ông Nguyễn Đức Thuận, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị trấn Krông Năng, huyện Krông Năng, Đắk Lắk cho rằng: Người có uy tín trong buôn rất thuận lợi trong việc tiếp nhận những hướng dẫn, chỉ đạo từ các cấp về các biện pháp phòng, chống dịch, từ đó truyền đạt trong cộng đồng dân tộc thiểu số hiệu quả và nhanh chóng. Đối với địa phương, những già làng, trưởng buôn, người có uy tín trong buôn luôn gương mẫu đi đầu, giúp người dân nhận thức đúng đắng và đồng hành với chính quyền trong công cuộc phòng, chống dịch bệnh. Nhờ vậy, thị trấn Krông Năng có 3 buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ nhưng từ khi dịch bệnh bùng phát, các buôn làng vẫn giữ vững “vùng xanh” chưa ghi nhận ca mắc COVID-19.
Phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng
Ghi nhận của phóng viên trong vùng tâm dịch của xã Cư Bao, thị xã Buôn Hồ, Đắk Lắk, để ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong cộng đồng và thực hiện chủ trương “thôn giữ lấy thôn, buôn giữ lấy buôn”, nhiều đồng bào dân tộc tại chỗ đã không quản ngày đêm thực hiện “mục tiêu kép”, vừa kiểm soát tại các chốt chặn vừa tuyên truyền đến đồng bào các dân tộc về các biện pháp phòng, chống dịch, từ đó tạo sự đồng thuận trong nhân dân, cùng nhau chiến thắng đại dịch.
“Camera chạy bằng cơm” là biệt danh mà người dân buôn Gram A2, xã Cư Bao đặt cho ông Y Tôn Niê, bởi trong những ngày buôn làng “gồng mình” chống dịch, ông Y Tôn đã thường trực trên các chốt chặn, kiểm soát chặt chẽ việc chấp hành biện pháp phòng, chống dịch của người dân trong buôn.
Ông Y Tôn Niê cho hay, giữa tháng 8 vừa qua, lần đầu tiên dịch COVID-19 xâm nhập vào buôn Kwăng A, xã Cư Bao, chỉ trong vài ngày đã ghi nhận hàng chục ca mắc. Buôn Kwăng A và buôn Gram A2 là địa bàn giáp ranh với nhiều tuyến đường thông nhau, vì vậy nguy cơ dịch bệnh lây lan là rất lớn. Thực hiện chủ trương “thôn giữ lấy thôn, buôn giữ lấy buôn”, Ban công tác Mặt trận buôn Gram A2 quyết định cử người có uy tín trong cộng đồng thay nhau trực trên các tuyến đường chính của buôn để kiểm soát và kiểm tra việc chấp hành quy định về phòng, chống dịch của người dân trong buôn; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền về sự nguy hiểm của dịch COVID-19 và giải thích về các biện pháp phòng, chống dịch để người dân hiểu và làm theo.
“Mình có lợi thế là nắm được số hộ và người dân trong buôn nên rất dễ kiểm soát những người ra đường trong trường hợp không cần thiết, hay di chuyển từ buôn khác đến, khi gặp bà con trong buôn mình cũng tích cực tuyên truyền cho họ thấu hiểu và đồng thuận, từ đó cùng nhau thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch, cùng nhau đẩy lùi dịch bệnh ở “vùng đỏ” và bảo vệ, mở rộng “vùng xanh” của buôn làng”, ông Y Tôn Niê chia sẻ.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Cư Bao, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Tiên đánh giá: Trong bối cảnh ổ dịch buôn Kwăng A bùng phát mạnh, nhân lực của địa phương khá mỏng nên khó khăn trong truy vết, khoanh vùng và chốt chặn các tuyến đường. Từ thực tế đó, địa phương đã huy động lực lượng trực tiếp ở các thôn, buôn với phương châm “thôn giữ lấy thôn, buôn giữ lấy buôn” để bảo vệ “vùng xanh” của thôn, buôn, trong đó nòng cốt là những cán bộ đoàn thể của thôn, buôn, những người có uy tín trong cộng đồng, đặc biệt là đồng bào dân tộc tại chỗ. Đây là lực lượng vừa chốt chặn các tuyến đường liên thôn, buôn để phòng, chống dịch, vừa tuyên truyền, vận động nhận dân nâng cao ý thức, chấp hành nghiêm các quy định của địa phương.
“Thực tế cho thấy, những cán bộ cơ sở tại thôn, buôn, những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số có vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận, đoàn kết trong nhân dân để cùng nhau chống dịch, từ đó làm nên sức mạnh nội lực của buôn làng để phòng, chống dịch hiệu quả, góp phần khống chế sớm các ổ dịch, bảo vệ, mở rộng các ”vùng xanh” của địa phương. Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Đắk Lắk, cần thiết nhân rộng, phát huy mô hình chống dịch của địa phương để hạn chế sự lây lan và từng bước đẩy lùi dịch bệnh”, ông Phạm Ngọc Tiên nhấn mạnh.
Theo ông Nay Phi La, Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk, việc phát huy vai trò, sức mạnh của lực lượng già làng, trưởng buôn, người có uy tín trong cộng đồng sẽ góp phần tạo sự đồng thuận, nhân dân các dân tộc anh em trong buôn làng sẽ đồng lòng chống đại dịch, từng bước xóa sổ các vùng nguy cơ cao và mở rộng, bảo vệ vững chắc “vùng xanh” của buôn làng. Đây là biện pháp đang được được nhiều địa phương tại tỉnh Đắk Lắk áp dụng và đem lại hiệu quả nhất định trong phòng, chống dịch COVID-19.
Những ngày này ở Cao nguyên Đắk Lắk, trên các con đường ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu, hình ảnh của những già làng, trưởng buôn, người có uy tín trong cộng đồng tham gia tuyên truyền hay "trực chiến" ở các chốt kiểm soát phòng, chống dịch đã trở nên phổ biến, quen thuộc. Đây cũng là cầu nối để những chủ trương, chính sách, biện pháp phòng, chống dịch của Nhà nước đến gần với nhân dân, tạo nên sức mạnh tổng hợp của toàn hệ thống chính trị, chiến đấu và chiến thắng đại dịch COVID-19, đưa buôn làng trở về trạng thái bình thường mới.