Ngày Môi trường thế giới 5/6:

Bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội hài hòa với bảo vệ môi trường

Ngày 3/6, tại xã Thạnh Xuân (huyện Châu Thành A), Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang phối hợp Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội của tỉnh tổ chức Lễ phát động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 5/6, triển khai thực hiện Đề án “Hậu Giang xanh” năm 2021.

Chú thích ảnh
Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang phát biểu. 

Tại Lễ phát động, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang Trương Cảnh Tuyên khẳng định, bảo vệ môi trường là quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân. Để đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội hài hòa với bảo vệ môi trường góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, công tác bảo vệ môi trường cần được tăng cường theo phương châm ứng xử hài hòa với thiên nhiên kết hợp kiểm soát, khắc phục ô nhiễm, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học. Bảo vệ môi trường cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy Đảng, sự đồng thuận và tham gia tích cực của người dân.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang đề nghị, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh tiếp tục tăng cường các hoạt động kiểm soát buôn bán động vật hoang dã, khai thác các loài hoang dã di cư theo Chỉ thị số 29 ngày 23/7/2020 và quản lý, kiểm soát động vật ngoại lai xâm hại theo Chỉ thị số 42 ngày 8/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học; bảo tồn hiệu quả các loài và nguồn gen; đặc biệt là áp dụng các giải pháp dựa vào thiên nhiên để giảm nhẹ tác động từ sự phát triển kinh tế - xã hội tới hệ sinh thái.

Các cấp, ngành, địa phương chủ động tổ chức triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Đề án “Hậu Giang xanh”. Trong đó, tỉnh tập trung tổ chức các hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng về quản lý chất thải rắn sinh hoạt, chăn nuôi; vận động, kêu gọi cộng đồng thay đổi hành vi, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa, ưu tiên sử dụng các sản phẩm tái chế; tổ chức các hoạt động bảo vệ môi trường có sự tham gia trực tiếp của cộng đồng; duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí môi trường trong xây dựng xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, khu dân cư kiểu mẫu, đô thị văn minh.

Sau Lễ phát động, các đại biểu tham gia trồng cây thực hiện mô hình tuyến đường ấp kiểu mẫu 'Sáng - xanh - sạch - đẹp' tại ấp Xẻo Cao, xã Thạnh Xuân.

Chú thích ảnh
Các đại biểu tham gia trồng cây thực hiện Mô hình tuyến đường ấp kiểu mẫu "Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp" tại ấp Xẻo Cao, xã Thạnh Xuân sau lễ phát động. 

Công tác quản lý và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đạt được một số kết quả nổi bật. Việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ từng bước được nâng lên. Công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường được thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng hơn, có sự phối hợp giữa các cơ quan, các hội, đoàn thể.

Nhiều mô hình về bảo vệ môi trường được triển khai xây dựng và mang lại hiệu quả đã góp phần tích cực vào việc từng bước làm thay đổi thói quen, nhận thức của cộng đồng đối với công tác bảo vệ môi trường. Nguồn lực đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường được tăng cường, nhất là trong lĩnh vực hiện đại hóa các công cụ quan trắc, giám sát môi trường, công tác đầu tư xử lý khắc phục ô nhiễm môi trường.

Tại Kỳ họp thứ 19, khóa IX vào tháng 12/2020, Hội đồng nhân dân tỉnh đã thông qua Đề án “Hậu Giang xanh” đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng dân cư trong công tác bảo vệ môi trường; kiểm soát ô nhiễm môi trường từ chất thải rắn sinh hoạt và chất thải sản xuất nông nghiệp.

Tỉnh nâng cao tỷ lệ thu gom, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng đảm bảo quy định pháp luật về bảo vệ môi trường; duy trì, nâng cao chất lượng tiêu chí môi trường trong xây dựng xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và tiêu chí văn minh đô thị; cải thiện cảnh quan môi trường đô thị và nông thôn để hướng đến xây dựng Hậu Giang “Xanh - sạch - đẹp”.

Tin, ảnh: Hồng Thái (TTXVN)
Phục hồi các hệ sinh thái - Bài cuối: Thập kỷ về đa dạng sinh học ở Việt Nam
Phục hồi các hệ sinh thái - Bài cuối: Thập kỷ về đa dạng sinh học ở Việt Nam

Giai đoạn 2011-2020 được Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 19/12/2011 tuyên bố là “Thập kỷ Liên hợp quốc về đa dạng sinh học” nhằm đạt được sự cam kết chung của các quốc gia trong việc bảo vệ loài động thực vật đang bị đe dọa để cân bằng sự sống trên hành tinh của chúng ta.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN