Quan hệ giữa hai nước thành viên trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tiếp tục xấu đi khi ngày 10/8 vừa qua, Thổ Nhĩ Kỳ điều các tàu hải quân hộ tống tàu nghiên cứu địa chất Oruc Reis tới vùng biển tranh chấp ngoài khơi đảo Meis (theo cách gọi của Ankara, trong khi Hy Lạp gọi là đảo Kastellorizo). Phía Hy Lạp cũng đã triển khai nhiều tàu chiến để giám sát động thái của các tàu trên. Sau khi hộ tống tàu Oruc Reis, một tàu khu trục của Thổ Nhĩ Kỳ va chạm với một tàu khu trục của Hy Lạp hôm 12/8. Thổ Nhĩ Kỳ quyết định kéo dài thời hạn thực hiện nhiệm vụ thăm dò của tàu khảo sát Oruc Reis ở vùng biển tranh chấp thuộc Địa Trung Hải thêm 4 ngày đến ngày 27/8.
Cuộc khủng hoảng trong quan hệ giữa Ankara và Athen có nguy cơ gây khó khăn cho các nỗ lực của EU nhằm khai thác các nguồn năng lượng mới giúp giảm phụ thuộc vào nguồn cung của một số nước. Đức – nước hiện giữ chức Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU) - đang đi đầu nỗ lực nhằm hòa giải tranh chấp giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp. Ngoại trưởng Đức Heiko Maas dự kiến thăm hai nước trong ngày 25/8 nhằm thúc đẩy đàm phán.
Tuy nhiên, nỗ lực hòa giải nói trên vấp phải trở ngại lớn khi Ankara và Athen đều công bố kế hoạch tiến hành tập trận hải quân riêng tại cùng vùng biển phía Nam đảo Crete. Động thái của Hy Lạp được cho là nhằm đáp trả quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ gia hạn nhiệm vụ của tàu Oruc Reis. Về phần mình, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cũng thông báo đáp trả bằng kế hoạch tập trận hải quân riêng với lý do nhằm tăng cường sự phối hợp và khả năng tác chiến.
Cả hai nước dường như chưa sẵn sàng "tháo ngòi" căng thẳng. Phát biểu sau cuộc họp nội các ngày 24/8, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan khẳng định hải quân Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không nhượng bộ Hy Lạp, đồng thời nhấn mạnh Athens không có quyền triển khai hệ thống định vị hàng hải và dự báo thời tiết biển, còn được gọi là Navtex, tại các khu vực mà Ankara tuyên bố chủ quyền.
Trong khi đó, người phát ngôn Chính phủ Hy Lạp Stelios Petsas cho biết hệ thống Navtex của nước này sẽ hết hiệu lực vào ngày 27/8 tới. Theo người phát ngôn này, Hy Lạp đang phản ứng một cách bình tĩnh và sẵn sàng các phương án trên cả phương diện ngoại giao và các hoạt động cần thiết khác để bảo vệ quyền chủ quyền của mình.
Lâu nay, hoạt động tìm kiếm dầu mỏ và khí đốt chính là nguyên nhân châm ngòi căng thẳng giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ. Việc phát hiện trữ lượng khí đốt khổng lồ ở khu vực Đông Địa Trung Hải trong những năm gần đây khiến cuộc tranh giành nguồn tài nguyên không chỉ giữa hai nước này mà còn cả mở rộng ra các nước CH Cyprus, Ai Cập và Israel.