Yếu tố nào chi phối lợi nhuận ngân hàng nửa đầu năm 2024?

Nửa chặng đường đầu tiên của năm 2024 đang dần khép lại. Tuy kết quả kinh doanh 6 tháng chưa được công bố nhưng nhiều dự báo cho thấy lợi nhuận ngân hàng có triển vọng tăng trưởng dương trong quý II và cả năm, dù sự phân hóa sẽ ngày một rõ rệt giữa các ngân hàng.

Chú thích ảnh
Khách hàng giao dịch tại Hội sở chính Vietcombank, Hà Nội. Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN

Kỳ vọng tăng trưởng

Theo kết quả khảo sát của Ngân hàng Nhà nước, có đến 72,7% tổ chức tín dụng cho rằng tình hình kinh doanh sẽ khởi sắc hơn trong quý II và suốt cả năm 2024. Về lợi nhuận trước thuế quý II/2024, 57,3% tổ chức tín dụng kỳ vọng sẽ có sự tăng trưởng so với quý I/2024, trong khi 30,9% dự báo giữ nguyên và 11,8% lo ngại sẽ giảm.

Cả năm 2024, 86,2% tổ chức tín dụng dự báo lợi nhuận trước thuế sẽ tăng so với năm 2023, tuy nhiên, 10,1% lo ngại sẽ giảm và 3,7% cho rằng sẽ không thay đổi.

Cập nhật về tình hình kinh doanh từ đầu năm đến nay, ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), cho biết đến cuối tháng 5/2024, tín dụng của ngân hàng tăng 1,6% so với đầu năm. Dù đã áp dụng nhiều biện pháp như cải tiến quy trình, ứng dụng công nghệ và tăng cường giải ngân trực tuyến, tốc độ tăng trưởng tín dụng vẫn chậm do sức hấp thụ vốn của nền kinh tế thấp.

"Dù vậy, tín dụng đã tăng đáng kể trong tháng 4 và 5, sau khi giảm trong quý I do nhu cầu tín dụng bất động sản cá nhân giảm mạnh. Khi thị trường bất động sản hồi phục, cầu tín dụng của người dân cũng tăng trở lại", ông Tùng chia sẻ.

Tổng Giám đốc Vietcombank lạc quan về triển vọng tín dụng cả năm, đặc biệt sau khi ngân hàng này cùng với Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) tài trợ 1,8 tỷ USD cho Dự án Sân bay Long Thành, trong đó Vietcombank tài trợ 1 tỷ USD. Dù tín dụng 5 tháng đầu năm tăng chậm, Vietcombank vẫn kiểm soát chất lượng tín dụng và định hướng tăng trưởng tín dụng cuối năm đạt 10 - 15%.

Báo cáo của Công ty cổ phần Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng lợi nhuận của các ngân hàng trong tương lai sẽ được thúc đẩy bởi ba yếu tố chính gồm: tối ưu hóa chi phí vốn, tăng thu nhập ngoài lãi và tối ưu hóa chi phí hoạt động.

Về chi phí vốn, VCBS nhận định rằng các ngân hàng thương mại cổ phần với tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cao và khả năng huy động vốn linh hoạt sẽ có lợi thế lớn trong bối cảnh lãi suất tăng. Những ngân hàng này có thể giảm chi phí vốn và tăng lợi nhuận.  Nhưng đồng thời môi trường lãi suất huy động có xu hướng tăng khiến chi phí vốn chịu áp lực.

Về thu nhập ngoài lãi, VCBS kỳ vọng vào các khoản thu từ phí dịch vụ, khoản thu nhập đột biến từ phí hoa hồng trả trước (upfront fee) từ hợp đồng bán chéo bảo hiểm (bancassurance), bán tài sản và thu hồi nợ xấu đã xóa.

Cuối cùng, để tối ưu hóa chi phí hoạt động, các ngân hàng cần đẩy mạnh chuyển đổi số, cải thiện quản trị và cắt giảm chi phí vận hành. Báo cáo cũng nhấn mạnh rằng việc đầu tư vào công nghệ vẫn tăng mạnh để cạnh tranh và tuân thủ quy định mới về an ninh và thanh toán.

Báo cáo của VCBS cũng chỉ ra rằng bên cạnh 3 động lực chính này, kết quả kinh doanh của từng ngân hàng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như chiến lược kinh doanh, chất lượng tài sản, khả năng quản trị rủi ro...

Tiếp diễn sự phân hóa

Dự báo lợi nhuận ngân hàng cả năm 2024, VCBS cho rằng tốc độ tăng trưởng sẽ đạt khoảng 10% nhưng triển vọng sẽ có sự phân hóa rõ rệt.

Về tín dụng, VCBS kỳ vọng nhu cầu sẽ tăng mạnh trong nửa cuối năm 2024 khi lãi suất thấp giúp thúc đẩy vay mượn và phục hồi kinh tế. Tốc độ tăng trưởng tín dụng cả năm dự kiến đạt 12 - 13%. Động lực tăng trưởng bao gồm sản xuất, xuất khẩu, giải ngân đầu tư công, các dự án trọng điểm và phục hồi bất động sản.

Một số ngân hàng được VCBS kỳ vọng có thể đạt tốc độ tăng trưởng tín dụng cao trong năm 2024 như Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) ở mức khoảng 25%, Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) trên 20%, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) ước đạt 16%, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) ước đạt 14,7%...

Bên cạnh đó, biên lãi thuần (NIM) được dự báo sẽ ổn định trong quý II và III, sau đó giảm vào quý IV khi lãi suất huy động tăng. Lãi suất huy động có thể tăng từ 50 - 100 điểm cơ bản trong năm, trong khi lãi suất cho vay dự kiến giữ nguyên và có thể tăng nhẹ cuối năm 2024 - đầu năm 2025.

VCBS cho rằng những ngân hàng có tỷ trọng CASA cao và đa dạng hóa nguồn vốn sẽ có lợi thế trong việc duy trì hoặc mở rộng NIM. Các ngân hàng có chất lượng tài sản tốt và tập trung vào cho vay bán lẻ cũng được kỳ vọng có thể mở rộng NIM.

Áp lực nợ xấu được dự báo sẽ cao trong nửa đầu năm nhưng sẽ giảm dần khi kinh tế phục hồi. Nhóm ngân hàng có chất lượng tài sản tốt sẽ kiểm soát nợ xấu ở mức hợp lý, trong khi các ngân hàng có tỷ trọng tín dụng doanh nghiệp cao và tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp có thể đối mặt với rủi ro nợ xấu cao và áp lực trích lập dự phòng trong năm 2024 - 2025.

Cùng quan điểm, các chuyên gia phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán VPBank (VPBankS) dự báo lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng niêm yết năm 2024 sẽ tăng trưởng 15% so với cùng kỳ năm trước, đạt khoảng 293.650 tỷ đồng. Dự báo này dựa trên giả định Ngân hàng Nhà nước không tăng lãi suất trong năm 2024 và các ngân hàng lớn sử dụng hiệu quả room tín dụng được giao.

Dù vậy sự phân hóa sẽ vẫn tiếp diễn. VPBankS cho rằng các ngân hàng lớn có khả năng duy trì mức tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ, trong khi các ngân hàng nhỏ sẽ gặp khó khăn hơn trong việc cạnh tranh và tăng trưởng.

Tổng giám đốc Vietcombank Nguyễn Thanh Tùng cho biết NIM của ngân hàng này đã tăng từ năm 2020 đến 2023 nhưng bắt đầu giảm từ đầu năm 2024. Nguyên nhân là do lãi suất cho vay giảm nhanh hơn so với lãi suất huy động, đặc biệt từ nửa cuối năm 2023 đến nay. Trong khi cơ cấu tín dụng trung - dài hạn giảm và tín dụng ngắn hạn tăng, Vietcombank đang triển khai các giải pháp để tăng tín dụng trung - dài hạn nhằm cải thiện NIM.

PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia kinh tế, nhận định NIM giảm là xu hướng chung do lợi nhuận từ các khoản vay và dự phòng rủi ro đều giảm. Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đang duy trì ổn định lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, đồng thời kích thích cầu tín dụng. Nhóm ngân hàng có vốn nhà nước lớn luôn tiên phong thực hiện các chính sách này, do đó khó có thể tăng lãi suất cho vay. Các ngân hàng vẫn tiếp tục duy trì các chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi đối với các lĩnh vực ưu tiên, dẫn đến mức độ phục hồi NIM không mạnh.

Trong khi đó, với các ngân hàng thương mại tư nhân, ông Thịnh đánh giá khả năng phục hồi NIM có thể cao hơn nhờ vào tăng trưởng tín dụng tốt hơn. Nhóm ngân hàng này tập trung vào cho vay bán lẻ và cho vay tiêu dùng, nơi lãi suất cho vay bình quân cao hơn, giúp cải thiện biên lãi thuần.

Nhìn chung, sự phục hồi kinh tế, chính sách hỗ trợ từ Ngân hàng Nhà nước và các chiến lược tối ưu hóa chi phí, gia tăng thu nhập ngoài lãi sẽ là những yếu tố quan trọng giúp các ngân hàng đạt được mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận. Tuy nhiên, các ngân hàng cần phải thận trọng và linh hoạt để ứng phó với những biến động của thị trường và đảm bảo chất lượng tài sản.

Lê Phương (TTXVN)
Trợ lực nào cho lợi nhuận ngân hàng 2024?
Trợ lực nào cho lợi nhuận ngân hàng 2024?

Sau quý đầu năm, bức tranh kinh doanh của ngành ngân hàng đã có sự phân hóa rõ rệt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN